Mỗi tháng có hàng trăm doanh nghiệp (DN) mới thành lập nhưng không phải DN nào cũng biết những việc cần làm.
Sau đây là những công việc DN cần làm sau khi thành lập:
1. Khai thuế môn bài: Người nộp thuế môn bài nộp tờ khai thuế môn bài cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc (chi nhánh, cửa hàng...) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh thì người nộp thuế nộp tờ khai thuế môn bài của các đơn vị trực thuộc đó cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp tờ khai thuế môn bài của đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc.
Người nộp thuế kinh doanh không có địa điểm cố định như kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động, hộ xây dựng, vận tải, nghề tự do khác… nộp hồ sơ khai thuế môn bài cho Chi cục Thuế quản lý địa phương nơi có hoạt động kinh doanh hoặc nơi cư trú. Khai thuế môn bài là loại khai thuế để nộp hằng năm được thực hiện như sau:
- Khai thuế môn bài một lần khi người nộp thuế mới ra hoạt động kinh doanh chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Trường hợp người nộp thuế mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thì phải khai thuế môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký DN.
2. Khai thuế giá trị gia tăng: DN mới thành lập mà tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thì gửi thông báo tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp (yêu cầu có hóa đơn mua sắm tài sản cố định hoặc hợp đồng thuê trụ sở).
DN mới thành lập mà không tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thì áp dụng phương pháp tính trực tiếp.
Cả 2 phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), DN mới thành lập thì khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi sản xuất, kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay theo quý và áp dụng ổn định trong chu kỳ 3 năm.
3. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Theo Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10.10.2014 của Bộ Tài chính, kể từ quý IV.2014, DN không phải lập và nộp tờ khai tạm tính thuế TNDN theo mẫu 01A(B)/TNDN nữa, mà chỉ nộp tiền thuế TNDN do DN tự tạm tính hằng quý. Cuối năm, DN nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu 03/TNDN.
4. Chuẩn bị hóa đơn: DN mới thành lập mà đủ điều kiện đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và đã được cơ quan thuế chấp nhận cần tiến hành đặt in hóa đơn GTGT để sử dụng. Sau đó làm thông báo phát hành hóa đơn trước khi sử dụng ít nhất 5 ngày. Kể từ ngày thông báo phát hành hóa đơn, mỗi quý phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (mẫu BC26/AC), chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu tiên trong quý sau. DN mới thành lập nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp phải mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng và kể từ ngày mua, phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn như trường hợp trên.
5. Làm chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động: Nếu DN ký hợp đồng với người lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Kế toán của DN cần liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để làm hồ sơ tham gia bảo hiểm cho nhân viên.
LA (tổng hợp)