Những tư liệu thu thập được trong quá trình làm báo không chỉ hữu ích cho nhiều bài báo ở thời điểm đó mà hàng chục năm sau.
Những trang tư liệu luôn là nguồn tri thức cho các nhà báo
Từ chỗ mang tính thời sự, những tư liệu ấy chuyển sang có tính lịch sử và tiếp tục phát huy giá trị trong các tác phẩm báo chí, văn học. Đó là kinh nghiệm quý giá của tôi trong suốt một đời gắn bó cùng báo Hải Dương.
Những năm làm báo Hải Dương mới đầu thập niên 60 thế kỷ trước, tôi hay đi xuống các địa phương để lấy tin, viết bài. Ngoài cuốn sổ ghi chép thông thường dùng hết thì bỏ đi, tôi còn có một tập giấy rời dùng để ghi các tư liệu chưa dùng đến. Đó là những hiểu biết về một vùng đất, một con người, chuyện lịch sử, văn hóa, xã hội mà nếu bỏ quên đi thì sẽ mất hẳn. Báo tỉnh ra một tuần hai số, mỗi số 4 trang khổ nhỏ, nên tin bài không nhiều. Những kiến thức tích lũy đó đã giúp tôi viết được một số bài đăng trên báo, tạp chí Trung ương và sách văn học nghệ thuật của tỉnh nhưng cũng chỉ mới sử dụng một phần nhỏ. Số còn lại như "của để dành" vẫn nằm trong góc tủ.
Vừa qua, nhân sắp xếp lại một số sách báo, tôi chợt tìm thấy tập ghi "Tài liệu Chí Linh", giấy cũ đã ố vàng. Tôi lần giở vài trang và vui mừng gặp lại hai gương mặt rất đáng kính, những người đã góp cho tôi có một số tư liệu quý giá. Cả hai cụ đã đi xa, song các bài ca dao chống đế quốc, phong kiến, đề cao lòng yêu nước mà các cụ cung cấp thì vẫn còn đây. Xem ra, chưa có sách báo nào đề cập đến, tôi thấy cần giới thiệu để bạn đọc xa gần tham khảo.
Trước hết là cụ Kim Đính.
Cụ Kim Đính người thấp, đậm, hay rủ rỉ chuyện trò với những người tâm hợp, ý hợp. Cụ là chủ quầy sách ở phố Thiên (xã Thái Học) ngay trên con đường từ TP Hải Dương về huyện lỵ Chí Linh. Do địa thế ấy, lại quý mến cụ, nên đôi lần tôi đã dừng xe đạp, nghỉ chân tại quầy sách và hầu chuyện cụ. Thì ra cụ hiểu nhiều về chuyện thời trước. Cụ bảo: "Thời còn Nhật Tây, dân mình chửi nó nhưng rất khéo, nó chẳng dám làm gì". Cụ kể vào năm 1941, ở hội Đền Kiếp Bạc, đã xuất hiện bài thơ hô hào con cháu theo gương Đức Thánh Trần mà đứng lên đánh quân cướp nước. Bài thơ có đoạn: "Kiếm thần đau nhỉ, nên nhắc lại/ Tàu thánh sao mà chẳng vượt ra?/Bắc Đẩu, Nam Tào ngôi đã định/ Thầy tăng nhất chụ múa khua mà...". Ba câu trên thì rõ, riêng câu thứ tư hơi khó hiểu. Cụ bảo: "Đấy, chửi nó ở cái câu nói lái này đấy! Thầy tăng là thằng Tây, nhất chụ là chú Nhật. Bọn Việt gian hiểu cả, mà phải im...".
Cụ đọc bài ca dao chống tệ xôi thịt theo tục lệ cúng bái cũ, mất vệ sinh: "Ăn vào bệnh mới phát ra/Quan ôn ở đó chứ xa lạ gì". Và bài chống đốt vàng mã, có đoạn chỉ rõ:
"Ta ngu ngốc mang tiền bạc thật/Mua đồ lễ giấy phất trên nan/Đốt đi cho đống gio tàn/Mỗi năm tai hại kể ngàn bao muôn..."
Những lời nhắc nhở này cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Về cơ quan Huyện ủy, UBND huyện Chí Linh, tôi hay vào trò chuyện với cụ Nguyễn Văn Phối (trước khi nghỉ hưu, cụ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy). Quê cụ ở xã Hưng Đạo, trước kia thuộc tổng Trạm Điền. Năm 1944, chánh tổng Trạm Điền đã bắt dân nộp thóc cho Nhật, để dân chết đói. Bởi thế mới có bài thơ "chửi" hắn:
"Nghênh ngang lão chánh tổng ta/Chữ thì dốt nát, ba hoa thiên tào/Dẫn Nhật lấy thóc làng tao/Việt Minh lật nhào ông chánh đi tây!"
Gần đến ngày tổng khởi nghĩa, Nhật, Tây và bọn tay sai đi lùng sục Việt Minh. Cụ Phối kể: Hôm đó, cán bộ cấp trên (hồi đó gọi là thượng cấp) về họp tại thôn Kim Điền, xã Hưng Đạo thì gặp bọn địch về lùng sục. Cán bộ ta thoát được ra ngoài, kẻ địch tức tối. Thế là có bài "Bảo vệ cán bộ thượng cấp", rất sinh động và dí dỏm như sau:
"Xôn xao tiếng nói đầu làng/Một lũ Nhật hoàng cưỡi ngựa đến "thăm"/Thượng cấp hội họp vừa xong/Nhanh chân nhẹ bước cánh đồng "dạo chơi "/Hằm hằm đe dọa mọi người/"Việt Minh nó ở đâu rồi, nói ngay!"/"Bẩm quan cùng với các thầy/Làng tôi chẳng biết có hay chuyện gì/Việt Minh chẳng thấy đâu chi/Làm ăn sớm tối có gì, quan xem!"/Vung gươm quát tháo như điên/Xông vào lục soát chẳng tìm được ai/Quan thầy cùng lũ tay sai/Nổ mấy phát súng ra oai để... chuồn!".
Hôm nay, ghi lại đôi dòng do hai cụ cung cấp xong, tôi lại cẩn thận đặt tư liệu vào tủ. Những tư liệu luôn luôn sống động về thời kỳ đầu làm báo Hải Dương. Hy vọng tôi còn có dịp khai thác tiếp kho "của để dành" này, như một niềm vui của người cầm bút để cống hiến cho bạn đọc.
NGUYỄN HỮU PHÁCH