Những thay đổi ngoạn mục của Kim Jong Un trong năm 2018

24/12/2018 14:02

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có một năm 2018 với nhiều thay đổi ngoạn mục nhằm bình thường hóa quan hệ của Triều Tiên với thế giới bên ngoài.

Trong một bài viết trên báo Channel News Asia, tác giả Scott Snyder chỉ ra rằng, chủ trương thay đổi của Chủ tịch Kim Jong Un bắt đầu ngay từ tháng 1. Từ việc thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp, ông chuyển sang khám phá các cơ hội ngoại giao với vị thế của một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc tế đứng đầu một quốc gia nắm trong tay vũ khí hạt nhân.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một công trường xây dựng ở Yangdeok. (Ảnh: KCNA)

Thông báo chuyển hướng từ phát triển hạt nhân song song với kinh tế sang trọng tâm duy nhất là phát triển kinh tế tại một hội nghị của đảng cầm quyền tháng 4, Kim Jong Un đã nhanh chóng dốc sức theo đuổi một môi trường quốc tế hòa bình có lợi cho phát triển kinh tế.

Ông tham gia một loạt hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae In, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông tận dụng sự công nhận của thế giới dành cho mình để thúc đẩy uy tín trong nước và tìm cách giảm nhẹ tác động của cấm vận quốc tế lên Triều Tiên.

Kim Jong Un cũng nỗ lực thay đổi môi trường an ninh bên ngoài bằng cách giảm thiểu các hành động thù địch với hai nước Hàn Quốc và Mỹ.

Chiến lược bình thường hóa quan hệ của Kim Jong Un nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Tại cuộc gặp đầu tiên giữa hai người tại Làng đình chiến Panmunjom tháng 4, ông Moon đã tìm cách gắn việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh với tiến trình hòa bình bằng cách thể chế hóa sự hợp tác liên Triều ở 3 lĩnh vực: Quan hệ liên Triều, giảm căng thẳng quân sự và giải trừ hạt nhân.

Ảnh: Reuters

Trong tháng 5, hai ông Moon và Kim gặp nhau lần 2 tại Panmunjom nhằm cứu vãn hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim.

Hội nghị Trump – Kim ở Singapore trong tháng 6 là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều gặp nhau. Nó được đánh giá là sự kiện hoàn tất chính sách ngoại giao của Triều Tiên trong năm 2018. Hai ông ký văn kiện chung 4 điểm, chứa đựng các cam kết cải cách quan hệ song phương, thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, làm việc hướng tới "giải trừ hạt nhân hoàn toàn", đồng thời nối lại việc tìm kiếm và trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.

Trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo và các quan chức khách của Mỹ liên tục tìm cách khởi động các cuộc đàm phán Mỹ - Triều ở cấp độ làm việc, người Triều Tiên chỉ muốn cách tiếp cận cấp lãnh đạo để vượt qua ngờ vực lẫn nhau. Đến nay, các cơ quan hành chính của Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa bắt đầu nhiệm vụ xây dựng một kế hoạch chung bao gồm từng bước hành động vững chắc hướng tới hòa bình và giải trừ hạt nhân.

Ảnh: Reuters

Các nỗ lực của Tổng thống Moon nhằm ràng buộc Kim Jong Un đã cho phép hai bên làm mới sự trao đổi văn hóa - thể thao, tổ chức được hai đợt gặp gỡ đoàn tụ các gia đình li tán, và thiết lập văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong. Hai bên còn cùng nhau thực hiện một cuộc khảo sát về chất lượng và điều kiện của các đường ray Triều Tiên hướng tới khôi phục kết nối đường sắt xuyên biên giới.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9, hai nhà lãnh đạo đã ký Thỏa thuận Quân sự toàn diện (CMA), theo đó giảm bớt các cuộc tập trận gần vùng phi quân sự (DMZ), thiết lập các vùng cấm bay và cấm chạy tàu, gỡ bỏ các trạm gác bên trong DMZ  và mở các chiến dịch chung tìm kiếm hài cốt chiến tranh bên trong DMZ. CMA đánh dấu việc thực hiện các biện pháp cụ thể xây dựng lòng tin và an ninh song phương kể từ khi hai bên nhất trí theo đuổi những sáng kiến này vào năm 1991.

Giải giáp hạt nhân đến mức nào?

Tuy vậy, các bước đi có ý nghĩa hướng tới hòa bình liên Triều lại trái ngược với thực trạng bế tắc tiếp diễn về cách thức thúc đẩy phi hạt nhân hóa. Do vậy đang có nhiều nghi ngờ về các biện pháp giảm căng thẳng thông thường, vì chúng không đạt tiến bộ tương xứng để có thể dẫn tới hòa bình lâu dài. Tình trạng bế tắc càng làm nổi bật những nhận định trái ngược trước thềm hội nghị ở Singapore. Phía Washington cho rằng Triều Tiên có thể bị thúc ép phi hạt nhân hóa, trong khi Chủ tịch Kim theo đuổi nỗ lực giành được sự chấp nhận quốc tế dựa vào những thành tựu hạt nhân mà đất nước ông đạt được.

Ảnh: SCMP

Ba cuộc gặp của Kim Jong Un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2018 cho thấy một sự đảo chiều về quy chuẩn lịch sử của sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính địa chiến lược giữa hai bên.

Có thể nói, chiến lược bình thường hóa quan hệ của Chủ tịch Kim Jong Un vẫn chưa hoàn tất, vì còn cần có sự tham gia của lãnh đạo Nhật Bản và Nga. Cùng lúc đó, giai đoạn ngoại giao tiếp theo giữa hai miền Triều Tiên và giữa Washington với Bình Nhưỡng vẫn chưa mở ra được con đường dẫn tới hòa bình và phi hạt nhân hóa.

Theo Scott Snyder thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, nếu năm 2017 là năm thử nghiệm vũ khí và năm 2018 là năm của các cuộc gặp thượng đỉnh, thì có lẽ chỉ Chủ tịch Kim Jong Un mới biết rõ năm 2019 sẽ mang lại cho ông và Triều Tiên những gì.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những thay đổi ngoạn mục của Kim Jong Un trong năm 2018