Những thanh niên không chán ruộng

11/09/2013 08:50

Trong khi nhiều nơi tình trạng ruộng bỏ hoang thì vẫn còn nhiều thanh niên kiên trì bám đất, bám làng với mong muốn làm giàu từ chính mảnh đất quê hương...



Không chán ruộng như một số người, anh Vũ Quang Tiến (ngoài cùng bên phải) đã từng bước làm giàu
 trên chính mảnh đất quê hương mình. Anh hiện có 9 mẫu ruộng


Xã Lam Sơn là một địa phương có nhiều hộ dân bỏ ruộng của huyện Thanh Miện nhưng vẫn có nhiều thanh niên không chán ruộng, kiên trì bám đất, bám làng và mong muốn được làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình.

Anh Vũ Quang Tiến, 32 tuổi ở thôn Thọ Trương, xã Lam Sơn đưa chúng tôi đi thăm ruộng lúa của gia đình mình đang thời kỳ trỗ bông. Anh cho biết, trong những năm qua, ở xã Lam Sơn có một số hộ nông dân bỏ ruộng vì thiếu lao động hoặc chuyển đổi sang làm nghề khác. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để tích tụ ruộng đất làm kinh tế, anh đã bàn với gia đình nhận ruộng cấy lúa và trồng cây vụ đông. Thế là 6 mẫu ruộng bị bỏ hoang ở khu Chằm Vỡ đã được anh nhận đấu thấu. Có ruộng, anh đã bắt tay ngay vào sản xuất theo mô hình thâm canh lúa và trồng cây vụ đông. Theo anh, cấy lúa, trồng ngô chắc ăn hơn vì đầu tư thấp lại ít rủi ro. Do đây là khu đồng trũng nên anh đã để lại một phần diện tích để đắp bờ xung quanh, tiện cho việc điều tiết nước. Ngoài ra, anh còn đầu tư mua nhiều loại máy móc để phục vụ sản xuất như: máy cày, máy tuốt, máy bơm nước… Mỗi năm anh lại xin và đổi được vài sào, đến nay anh đã trở thành chủ của 9 mẫu ruộng. Anh Tiến cho biết: Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Tôi đang có kế hoạch cuối năm nay sẽ nhận thêm 7 mẫu nữa, trong đó sẽ dành riêng 1 mẫu để thử nghiệm mô hình vừa cấy lúa vừa nuôi chạch. Đồng thời tiếp tục đưa các giống lúa mới vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”.

Là người có cùng đam mê đồng ruộng như anh Tiến, anh Nguyễn Văn Hoàng, 32 tuổi ở thôn Thọ Trương cũng là chủ của 4 mẫu ruộng trong vài năm nay. Anh Hoàng cho biết, chỉ có tích tụ ruộng đất sản xuất mới hiệu quả và ổn định. Để có được 4 mẫu ruộng liền lô như hiện nay, anh phải mất hai năm đi xin và đổi ruộng. Ngoài việc đầu tư đưa cơ giới vào sản xuất, anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt do Hội Nông dân xã tổ chức. Qua 3 năm gieo cấy, mỗi năm trừ chi phí vợ chồng anh thu được vài chục triệu đồng. Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, anh Hoàng cho biết: “Chúng tôi chỉ mong địa phương sớm chỉ đạo thực hiện việc dồn ô đổi thửa, vì hiện nay có nhiều anh em muốn cấy nhưng không đổi được ruộng về một chỗ. Đề nghị xã chỉ đạo sát sao hơn nữa việc diệt chuột bảo vệ sản xuất vì chuột phá hoại rất nhiều. Đề nghị Nhà nước tạo điều kiện cho những hộ có diện tích gieo cấy lớn để lại một phần diện tích ở đầu lô để tập kết lúa và làm sân phơi vì khi thu hoạch chính vụ rất bí chỗ phơi, nếu gặp mưa vài ngày thóc sẽ hỏng. Đồng thời hỗ trợ kinh phí để nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng phục vụ sản xuất”.

Chia tay với anh Hoàng, chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Hữu Lộc, 28 tuổi ở thôn Thọ Xuyên đúng lúc anh vừa đi làm về. Với diện tích gieo cấy 3 mẫu như hiện nay, anh Lộc cũng được anh em coi là thành viên của “Câu lạc bộ vài mẫu” ở Lam Sơn. Khi được hỏi, tại sao anh không đi chạy chợ để có thu nhập cao mà lại quay về cấy lúa? Anh Lộc cho biết: “Trước đây, tôi cũng đi phụ xây, thấy mấy anh em ở nhà xin ruộng về cấy thu hoạch cũng khá, lại gần vợ, gần con Thế là tôi bàn với vợ ở nhà xin thêm ruộng để cấy. Hơn nữa công việc đồng ruộng mình đã quen từ nhỏ, nó chỉ cấp tập những ngày mùa và máy móc cũng hỗ trợ nhiều rồi. Nếu cấy vài mẫu mỗi năm cũng được vài chục triệu, lại kết hợp đi làm thêm lúc nông nhàn nữa. Đi chợ tuy thu nhập cao nhưng cũng nhiều gian truân lắm”.

Đây chỉ là 3 trong số nhiều thanh niên không chán ruộng ở xã Lam Sơn mà chúng tôi đã được gặp. Các nông dân ở tuổi 28, 30 này đều muốn gắn bó với đồng ruộng để khai thác lợi thế, tiềm năng của đất, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Đây thực sự là những hạt nhân tiêu biểu trên mặt trận sản xuất nông nghiệp cần được nhân rộng.

HỮU TRÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những thanh niên không chán ruộng