Những tấm lòng đáng quý

20/03/2015 14:33

Nhiều người dân đã tặng cây xanh, tích cực giữ gìn, bảo vệ, giúp cho các di tích lịch sử được xanh, sạch, đẹp.



Chị Nguyễn Thị Út ở xã Nam Chính (Nam Sách) luôn tích cực giữ gìn cho khu tưởng niệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh được xanh, sạch, đẹp


Việc làm lặng lẽ và tưởng chừng như nhỏ bé ấy lại có tác dụng thiết thực.

Đình làng Bích Thủy, xã Văn Đức (Chí Linh) có khuôn viên rộng gần 2.200 m2, với hàng trăm cây xanh, từ những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đến những loại cây ăn quả, hoa, cây cảnh… Cây xanh của di tích đều do người dân tặng. Năm 1956, đình Bích Thủy bị đổ nát, năm 1997 mới được xây dựng lại. Theo người dân nơi này, các ông Lương Văn Tháp và Đặng Văn Nghiệp là những người có công lớn trong việc phục dựng lại ngôi đình và tích cực trồng cây để làm xanh, sạch, đẹp cho di tích.
Chia sẻ về việc làm của mình, ông Lương Văn Tháp, 78 tuổi cho biết, tác dụng của cây xanh đối với cảnh quan di tích và đời sống con người rất quan trọng. Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm tới việc xây dựng môi trường sống trong lành cho nhân dân. Bác đã chọn việc trồng và chăm sóc cây xanh là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ môi trường. Vậy không có lý gì ngày nay, khi đất nước đã hòa bình, chúng ta lại không tích cực trồng cây xanh. Việc làm này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giáo dục cho thế hệ sau nhớ lời căn dặn của Bác. Bởi thế, việc trồng cây xanh ở những khu di tích lịch sử không chỉ đơn giản là góp phần làm đẹp mà còn thể hiện tinh thần yêu nước.

Với mong muốn có được cây trồng mang đặc trưng nơi đình chùa, ông Tháp và ông Nghiệp đã lặn lội tới nhiều địa phương để tìm một số cây về trồng. Ngoài ra, các ông còn quan tâm tìm chậu để trồng cây sao cho đẹp và phù hợp với không gian. “Có lần hai chúng tôi kéo xe cải tiến đến huyện Đông Triều (Quảng Ninh) tự bỏ tiền ra mua chậu hoa về trồng. Đi lại vất vả nhưng nghĩ đến việc làm đẹp cho di tích, chúng tôi lại có thêm động lực”, ông Nghiệp (sinh năm 1939) cho biết. Để làm phong phú cây xanh, cứ mỗi khi nhàn rỗi là ông Tháp và ông Nghiệp lại đi các nơi để tìm giống cây. Cứ như vậy, hơn 20 năm qua, hai ông đã trồng được hàng trăm cây xanh cho di tích của làng.

Rời làng Bích Thủy, chúng tôi đến khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Chính (Nam Sách). Khu tưởng niệm có diện tích hơn 0,8 ha, trong đó một nửa khuôn viên đã được trồng cây xanh. Trong số cây xanh được trồng, có 4 cây hoa ngọc lan, 2 cây hoa đào do người dân địa phương tặng. Tôi gặp người phụ nữ trạc 40 tuổi đang đội nón cắt tỉa cây. Chị là Nguyễn Thị Út, được giao quản lý, trông coi và bảo vệ khu di tích. Chị Út vừa cắt tỉa cây vừa cho biết: “Trung bình mỗi tháng khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 500 lượt người đến thăm viếng. Để bảo đảm cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho di tích, hằng ngày tôi phải dậy sớm để vệ sinh nhà tưởng niệm, quét dọn toàn bộ khuôn viên. Định kỳ khoảng 10-15 ngày, những rặng cây xanh được cắt tỉa một lần. Nhiều hôm, khi được UBND xã thông báo có đoàn khách sẽ đến thăm sớm, tôi phải dậy từ 4 giờ sáng và nhờ chồng phụ giúp dọn dẹp cho sạch sẽ để kịp đón đoàn”.

Tuy vất vả, thù lao không nhiều, nhưng chị Út luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi làm việc này. Chị cho biết thêm: “Đối với người dân Việt Nam, được chăm sóc, dọn dẹp, trông coi khuôn viên nơi tưởng niệm Bác Hồ là niềm vinh dự lớn”.

Những con người tích cực góp công sức để làm cho di tích xanh, sạch, đẹp không chỉ có ông Tháp, ông Nghiệp, chị  Út mà còn rất nhiều người nữa. Hằng ngày, họ gìn giữ, bảo vệ di tích bằng cả tấm lòng, bằng những hành động rất thiết thực như thường xuyên vệ sinh môi trường, tặng đồ vật, cây xanh, đóng góp công đức tu tạo di tích... Những hành động, tấm lòng ấy thật đáng quý.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Những tấm lòng đáng quý