Các máy bay tuần tra săn ngầm có vai trò xương sống đối với năng lực trinh sát và giám sát trên biển của hải quân Mỹ trong nhiều thập niên qua.
|
Trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh lạnh, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Nguyên soái Sergey Akhromeyev từng nói: “Tôi luôn biết các tàu ngầm của mình ở đâu. Tôi nhìn xem các chiếc P-3 Orion (của Mỹ) ở đâu và từ đó sẽ biết được vị trí tàu ngầm của mình”. Phát biểu của ông Akhromeyev được hải quân Mỹ xem là một lời ngợi ca dành cho sát thủ săn ngầm trứ danh P-3 Orion.
50 năm vẫn bay tốt
Hơn 50 năm kể từ khi được biên chế, các chiếc P-3 Orion vẫn đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh tuần tra săn ngầm của Mỹ. Theo trang Defense Media Network, có khoảng hơn 400 chiếc Orion đang phục vụ trong lực lượng của 21 quốc gia, gồm cả 120 chiếc của hải quân Mỹ, chiếm số lượng đáng kể trong 757 chiếc được sản xuất từ năm 1962 - 2000.
Được thiết kế với chức năng tuần tra săn ngầm tầm xa, các sứ mệnh của P-3 Orion của Mỹ đã mở rộng đầu cuối thập niên 1990 và đầu thế kỷ 21 để trinh sát cả trên bộ. P-3 Orion được hãng Lockheed Martin sản xuất theo yêu cầu của hải quân Mỹ, dựa trên nguyên mẫu máy bay chở khách Lockheed Electra. Phiên bản P-3A được biên chế cho hải quân vào năm 1962 trong khi phiên bản P-3C đi vào hoạt động từ năm 1969 và liên tục được cải tiến bằng những hệ thống điện tử và vũ khí mới.
Chiếc máy bay này có thể được nhận biết một cách dễ dàng nhờ vào thiết bị dò tìm từ tính được gắn ở phần đuôi để phát hiện tàu ngầm. Các nước đang sử dụng P-3 gồm Argentina, Úc, Brazil, Chile, Hy Lạp, Iran, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Pakistan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Thái Lan.
Ngay sau khi biên chế, Orion đã được triển khai thực hiện nhiệm vụ khi 4 chiếc P-3A được điều đến Bermuda để hỗ trợ các chiến dịch của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10-1962. Kể từ đó, P-3 được phát triển thành 3 phiên bản chính P-3A, P-3B và P-3C. Ngoài ra còn có các phiên bản đặc biệt, bao gồm phiên bản trinh sát điện tử EP-3E Aries II từng nổi đình nổi đám trong vụ va chạm với một chiếc J-8 của Trung Quốc vào năm 2001. Theo Defense Media Network, bề ngoài của P-3 không thay đổi nhiều trong các thập niên qua. Tuy nhiên, trang thiết bị bên trong cũng như phương tiện điện tử và các phần mềm liên tục được cải tiến.
Các hạm đội tàu ngầm Liên Xô là đối tượng chính của các phi đội P-3 trong Chiến tranh lạnh. Ngày nay, P-3 vẫn theo dõi các tàu ngầm song còn có thêm nhiệm vụ mới: bay trên đất liền ở Afghanistan và vùng Sừng châu Phi để lần theo dấu vết khủng bố và cướp biển. “Orion chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử của chúng tôi. Trong nhiều năm nó là một vũ khí chủ chốt để chống tàu ngầm. Nó có thể tắt hai trong bốn động cơ và lảng vảng ở tầm rất thấp, liên tục lần theo các tàu ngầm”, chuyên gia phân tích hải quân Norman Polmar nhận xét.
Tuy nhiên, do đội P-3 Orion ngày càng già cỗi, Lầu Năm Góc buộc phải tìm kiếm một mẫu máy bay mới hơn cho sứ mệnh tuần tra săn ngầm.
Vũ khí thay đổi cuộc chơi
Ban đầu, hải quân Mỹ tính thay thế P-3 bằng các chiếc P-7A cũng của Lockheed song kế hoạch này bị hủy bỏ vào năm 1990 vì vấn đề giá cả. Sự lựa chọn cuối cùng của Lầu Năm Góc là P-8 Poseidon của hãng Boeing. Chiếc P-8A Poseidon đầu tiên đã được biên chế vào năm 2012 sau khi hải quân Mỹ đặt hàng 6 chiếc vào năm 2011, đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình chuyển giao thế hệ. Mỹ có kế hoạch đặt mua tổng cộng 117 chiếc Poseidon để thay thế đội máy bay P-3 Orion cũ kỹ. Các chiếc P-8 dự kiến sẽ phục vụ trong 25 năm tới. Úc và Ấn Độ cũng đã đặt mua loại máy bay này.
P-8A được thiết kế dựa trên thân chiếc máy bay chở khách Boeing 737 và lớn hơn chiếc P-3, với những bình nhiên liệu bổ sung gắn ở đuôi, trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt đẩy CFM International CFM56-7B. Với sự phát triển của các hệ thống điện tử, tổ lái của P-8 chỉ còn 9 người, giảm 2 người so với P-3.
Máy bay có hệ thống cảm biến quang điện và hồng ngoại, ra đa giám sát biển và tình báo tín hiệu. Ra đa AN/APY-10 của P-8 có khả năng phát hiện, phân loại và nhận diện các loại tàu lớn, tàu nhỏ và tàu ngầm, cung cấp các hình ảnh có độ phân giải cao trong các môi trường biển, cận bờ và đất liền. Các hệ thống điện tử trên máy bay bí mật đến nỗi các phóng viên có mặt trên chiếc P-8A tham gia sứ mệnh tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của hãng Malaysia Airlines hồi tháng 3 đã bị cấm quay phim và chụp hình.
Về vũ khí, P-8A Poseidon sẽ được trang bị các ngư lôi chống tàu ngầm Raytheon MK 54. Nó cũng có thể mang theo các loại ngư lôi, tên lửa, bom, thủy lôi hoặc phao âm trong khoang vũ khí chính. Các tên lửa chống hạm Harpoon, SLAM hoặc tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick sẽ được gắn ở dưới cánh. “Poseidon là nòng cốt cho lực lượng tuần tra và giám sát biển của chúng tôi. Nó là thứ vũ khí thay đổi cuộc chơi vốn sẽ giúp duy trì sự ưu việt trên biển của hải quân Mỹ”, Chuẩn đô đốc Michael W.Hewitt, Phó Giám đốc các chiến dịch toàn cầu của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, nói.
Ngoài P-8, hải quân Mỹ cũng sẽ đưa vào sử dụng máy bay không người lái (UAV) giám sát biển MQ-4C Triton do Northrop Grumman sản xuất. Đây là phiên bản hải quân của chiếc UAV RQ-4B Global Hawk nổi tiếng. MQ-4C có khả năng bay ở độ cao 18.288 m trong gần 30 giờ, cho phép hải quân Mỹ sử dụng các máy bay có người lái vào những nhiệm vụ cốt lõi như chống tàu ngầm và chống tàu mặt nước. “Kết hợp MQ-4C Triton với P-8 Poseidon sẽ cho phép hải quân Mỹ sử dụng các hệ thống đó cho nhiều sứ mệnh khác nhau mà một máy bay đơn lẻ không thể hoàn thành nổi”, Mike Mackey, Giám đốc chương trình MQ-4C Triton của Northrop Grumman phát biểu.
P-8 Poseidon Chức năng chính: Chống tàu ngầm, tàu mặt nước, tình báo, trinh sát và giám sát P-3 Orion Chức năng chính: Chống tàu ngầm, tàu mặt nước, trinh sát và giám sát |
Sơn Duân (Thanh niên)