Hải Dương có điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai màu mỡ, nông dân chăm chỉ, dày dặn kinh nghiệm trong quá trình canh tác.
Do được trồng trên chất đất phù sa màu mỡ cùng với kinh nghiệm dày dặn trong quá trình canh tác của nông dân nên cà rốt Đức Chính có vị ngọt, hương thơm tự nhiên
Nhờ thế mà nông sản của tỉnh đa dạng, phong phú về chủng loại và bảo đảm chất lượng, trong đó có nhiều nông sản là đặc sản, chủ lực có giá trị kinh tế cao.
Nhiều ưu điểm vượt trội
Bên cạnh vải thiều là đặc sản nức tiếng thì Hải Dương còn có nhiều nông sản tiêu biểu như gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi, cà rốt, su hào, cải bắp, su lơ, dưa hấu, dưa lê, ổi, na, củ đậu, thanh long.
Từ lâu, gạo nếp cái hoa vàng được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến là đặc sản của vùng đất Kinh Môn. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với phù sa của những con sông bao quanh cùng khí hậu, đất đai của vùng bán sơn địa đã tạo nên những hạt gạo nếp cái hoa vàng tròn đầy, thơm ngon. Mỗi năm, Kinh Môn có khoảng 820 ha lúa nếp cái hoa vàng, sản lượng trung bình đạt hơn 2.000 tấn/năm. Quy trình sản xuất gạo nếp cái hoa vàng luôn được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu gieo trồng đến thu hoạch và bảo quản. Thị xã đã phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm tiến hành phục tráng, bảo tồn gen gốc của nếp cái hoa vàng, dự kiến gieo trồng thử nghiệm vào vụ mùa tới.
Kinh Môn còn là “thủ phủ” hành của miền Bắc. Với khoảng 3.600 ha hành/vụ/năm, thị xã đang khuyến khích nông dân thay đổi thói quen canh tác, chuyển sang sản xuất sạch, hữu cơ.
Cà rốt Đức Chính (Cẩm Giàng) đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới. Do được trồng trên chất đất phù sa màu mỡ và kinh nghiệm dày dặn trong quá trình canh tác của nông dân nên cà rốt Đức Chính có vị ngọt và hương thơm tự nhiên. Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng rau an toàn cho nông dân. Vụ đông vừa qua xã có hơn 83ha cà rốt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích còn lại được trồng bảo đảm an toàn.
Khẳng định thương hiệu
Những năm qua, Hải Dương đã chủ động thực hiện các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra cho các nông sản đặc sản, chủ lực. Tỉnh đã tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức và tham gia các hội chợ trong, ngoài nước; đưa các đoàn đi khảo sát, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông... Công tác xúc tiến thương mại được gắn liền với chuyển đổi số như đưa nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Nhiều gian hàng với các sản phẩm đặc sản, chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại hội chợ của nhiều địa phương.
Tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển thị trường truyền thống cả ở trong nước và xuất khẩu, khai thông các thị trường tiềm năng, có giá trị kinh tế cao. Nông sản của tỉnh đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống các siêu thị lớn như Metro, Hapro, BigC... Đồng thời có mặt ở các thị trường mới có tiềm năng như các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đối với việc xuất khẩu, ngoài thị trường truyền thống (Trung Quốc), vải thiều của Hải Dương đã có mặt tại một số thị trường mới là Mỹ, Úc, EU, Singapore, Malaysia, Canada...
Để nâng cao giá trị của những nông sản đặc sản, chủ lực, tỉnh đã tập trung phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh ở các địa phương, như vùng vải thiều ở Thanh Hà, Chí Linh; ổi ở Thanh Hà, Ninh Giang; vùng su hào, cải bắp, su lơ ở Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kim Thành... Cùng với đó là đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu. Các vùng trồng được áp dụng theo quy trình GAP, tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn OCOP.
Với những lợi thế sẵn có, sự thay đổi trong quá trình sản xuất, canh tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, khẳng định thương hiệu của những nông sản đặc sản, chủ lực của Hải Dương trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện giá trị kinh tế từ cây hành ở Kinh Môn đạt hơn 300 triệu đồng/ha/vụ; cây cà rốt ở Đức Chính đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm...
Hải Dương có các nông sản chủ lực sau: |
HUYỀN TRANG