Dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân đã bứt phá trong đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn...
Cơ sở sản xuất con giống của gia đình anh chị Vũ Thị Quyên ở thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc)
tạo nhiều việc làm cho người lao động
Những năm gần đây, tỉnh ta xuất hiện ngày càng nhiều nông dân năng động, dám nghĩ dám làm, mở ra những mô hình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn.
Sản xuất năng động
Nhiều người dân trong vùng đều biết gia đình ông Vũ Đức Sỹ, thôn Đồng Vày, xã An Lạc (Chí Linh) là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và có nhiều đóng góp cho địa phương, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. “Trước đây, vợ chồng tôi cũng chỉ sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống còn khó khăn. Sau này, tôi chuyển đổi sang nuôi cá, cuộc sống mới dần khá lên”, ông Sỹ cho biết. Sau đó, năm 2009 ông chuyển sang lĩnh vực kinh doanh vận tải. Ông chung vốn đầu tư mua 1 chiếc tàu sông 300 m3 để chuyên chở vật liệu. Làm ăn có lãi ông tiếp tục chung vốn đầu tư mua 2 ô-tô tải, 2 máy xúc, mở bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, làm đại lý cấp 1 cho xi-măng Hoàng Thạch. Hằng năm, ông Sỹ thu lãi hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động và 50 lao động thời vụ, với mức lương từ 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. “Hướng của tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng bến bãi, nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo nhiều việc làm hơn nữa cho người lao động địa phương”, ông Sỹ cho biết thêm.
Ở thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc), cơ sở ấp trứng bán con gà giống lớn nhất ở đây là của gia đình anh Phạm Đình Dừa, chị Vũ Thị Quyên. Năm 1999, anh chị chuyển từ nghề may sang nghề ấp trứng, sản xuất con giống. Chị Quyên cho biết: “Ngày ấy còn ấp thủ công, trứng cho vào bồ, mỗi bồ ấp 700 quả rồi đặt bóng điện vào giữa. Nhà tôi có 10 bồ, hai vợ chồng suốt ngày làm không hết việc. Ấp thủ công rất vất vả nhưng cũng dễ kiếm tiền”. Có vốn, năm 2001, vợ chồng chị đầu tư mua máy ấp để nâng cao hiệu quả kinh tế. Với 2 máy ấp, mỗi máy ấp 3.000 quả và 10 bồ ấp thủ công, vợ chồng chị Quyên phải thuê thêm 1 lao động để phụ giúp.
Đến nay, vợ chồng chị Quyên đã đầu tư hoàn toàn bộ máy ấp trứng mới hiện đại thay thế máy ấp cũ. Với 10 máy, công suất 1,7 vạn quả/máy nên công việc nhiều, vợ chồng chị lại thuê thêm lao động. Để có nguồn trứng ấp ổn định, vợ chồng anh chị đầu tư mua đất xây trang trại nuôi gà chọi thuần và nuôi gà mái giống Lương Phượng để sản xuất trứng gà lai chọi. Hiện nay, cơ sở của gia đình chị có 12 lao động đang làm việc. Anh Vũ Đăng Tuyên, công nhân làm ở bộ phận máy ấp cho biết: “Em mới vào làm ở đây được hơn năm. Trước em đi làm tự do, công việc và thu nhập bấp bênh, còn hiện tại thu nhập rất ổn định, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Ở quê thì mức lương này bảo đảm tốt cuộc sống gia đình”. Tất cả những lao động đều được vợ chồng chị Quyên trả với mức lương 5 triệu đồng/tháng, vì vậy người lao động cũng yên tâm gắn bó với công việc. Ngoài ra, anh chị còn đầu tư cho 10 hộ trong và ngoài xã có đất để làm trang trại vệ tinh cho gia đình. Các trang trại này cũng góp phần giải quyết việc làm cho thêm hàng chục lao động và hằng năm mỗi trang trại cũng lãi hàng trăm triệu đồng.
Tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động
Theo Hội Nông dân thị xã Chí Linh, chỉ tính 20 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương năm 2014 đã góp phần giải quyết việc làm cho 550 lao động thường xuyên và thời vụ. Nhiều cơ sở sản xuất tạo nhiều việc làm cho từ 40 đến 80 lao động. Tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Văn Hải, thôn Thanh Tân (xã Lê Lợi), chuyên kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho 50 lao động; hộ ông Vũ Văn Chiều, khu dân cư Ninh Chấp 5 (phường Thái Học), chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho 48 lao động…
Còn huyện Gia Lộc có 16 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương cũng đã góp phần tạo việc làm cho 415 lao động thường xuyên và thời vụ, hộ thấp nhất cũng giải quyết cho từ 20 lao động trở lên và hộ tạo việc làm nhiều nhất là 70 lao động. Tiêu biểu như hộ ông Tăng Xuân Trường ở thôn Phúc Tân (xã Gia Tân) chuyên trồng trọt, chế biến, tiêu thụ nông sản đã tạo việc làm cho 70 lao động, hộ ông Vũ Quý Chín ở thôn Vân Am (xã Yết Kiêu) tạo việc làm cho 35 lao động.
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh, trong năm 2014, toàn tỉnh có 145.307 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp, tăng 8.132 hộ so với năm 2013. Trong đó, cấp Trung ương có 167 hộ (tăng 51 hộ), cấp tỉnh có 8.576 hộ, cấp huyện có 36.821 hộ (tăng 2.151 hộ). Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần tạo việc làm tại chỗ cho hơn 140.000 lao động, trong đó có trên 10.000 lao động có việc làm thường xuyên, hơn 130.000 lao động làm việc theo mùa vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo ông Cao Tiến Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho lao động nông thôn, các cấp hội trong tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Hội tăng cường phối hợp hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tăng cường đào tạo nghề cho nông dân, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thúc đẩy phong trào phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại; phát triển ngành nghề, làng nghề, gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
VIỆT CƯỜNG