Giáo sư Nguyễn Thục Quyên
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên sinh ra ở Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) trong một gia đình gồm 5 anh chị em. Tháng 7.1991, chị cùng gia đình đến Mỹ định cư. Tại đây, chị từng bị cô giáo chế nhạo trước lớp vì khả năng nói tiếng Anh kém. Với nỗ lực của bản thân, sau khi tốt nghiệp Đại học Califonia, Los Angeles chuyên ngành hóa, chị tiếp tục lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ vào tháng 6.2001. Cũng trong năm này, chị đến làm việc ở Đại học Columbia, New York. Ba năm sau chị chuyển sang Đại học California, Santa Barbara và mất hơn 2 năm xây dựng 2 phòng thí nghiệm riêng. Sau 11 năm, chị đã có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu. Các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của chị là về dụng cụ điện tử hữu cơ như quang điện, led, về pin năng lượng mặt trời bằng chất liệu nhựa dẫn điện... Nghiêm túc trong giảng dạy và nghiên cứu, liên tiếp 2 năm 2015 và 2016, giáo sư Nguyễn Thục Quyên nằm trong danh sách "những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Thomson Reuters công bố. Bên cạnh đó, chị còn gặt hái nhiều thành công như giải thưởng nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt-Foundation của Đức năm 2015; Giải thưởng nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ 2010... | Tiến sĩ Tara Van Toai
Sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, từ nhỏ bà đã thích học về canh nông và mong muốn khi lớn lên sẽ nghiên cứu giúp bà con nông dân gặt hái mùa màng bội thu. Sau khi tốt nghiệp THPT, bà du học ngành canh nông ở New Zealand, sau đó về Việt Nam làm giảng viên môn nông học Trường Cao đẳng nông nghiệp Sài Gòn năm 1972. Ba năm sau bà sang Mỹ đoàn tụ với chồng đang theo học tại đây từ năm 1974. Đến Mỹ, bà tiếp tục lấy bằng thạc sĩ tại Trường Cornell ở New York. Sau đó theo chồng đến Ohio và lấy tiếp bằng tiến sĩ Ohio State University về nông nghiệp. Cũng thời gian này, bà chủ yếu nghiên cứu cây đậu nành. Trước khi nghỉ hưu, bà làm việc tại Viện Nghiên cứu chống úng cho đất, thuộc Đơn vị nghiên cứu nông nghiệp, TP Columbus, bang Ohio. Nhận thấy đậu nành ở Mỹ thường bị bệnh rồi chết trong điều kiện đất bị ngập nước, với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp khác, bà đã bắt tay tìm hiểu giống mới có thể khắc phục nhược điểm này. Khảo sát 21 giống đậu nành được trồng ở Cần Thơ, bà thấy có 3 giống có khả năng chịu được ngập và kháng bệnh. Mang chúng về Mỹ, bà tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm, từ đó bà đã lai tạo được một số giống đậu nành có khả năng tìm ra giống vừa chịu ngập lụt và vừa cho năng suất cao.
|
Giáo sư Lưu Lệ Hằng
Sinh năm 1963 tại Sài Gòn, năm 1975 bà Lưu Lệ Hằng (Jane X. Luu) theo gia đình sang Mỹ định cư. Bà đã học tại nhiều trường nổi tiếng về vật lý và năm 1990 nhận bằng tiến sĩ vật lý thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT. Năm 1992, bà cùng thầy hướng dẫn khám phá ra vật thể đầu tiên trong vành đai Kuiper. Nhờ đó bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Kavli - một giải thưởng quốc tế của Na Uy dành cho các nhà khoa học có cống hiến xuất sắc trong các ngành vật lý thiên văn, Công nghệ nano và Khoa học thần kinh. Cũng trong 2012, tại Hong Kong, Quỹ Shaw đã xướng danh người đạt giải Shaw Thiên văn học 2012 là giáo sư Lưu Lệ Hằng về những đóng góp của bà trong việc định danh "các vật thể ngoài Hải Vương tinh". Để ghi nhận công lao của bà trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, Hiệp hội thiên văn Mỹ đã đặt tên bà cho tiểu hành tinh 5430 Luu. | Tiến sĩ Vicky Thảo Nguyễn
Sinh năm 1976 tại Việt Nam, tiến sĩ Thảo Nguyễn hiện là giảng viên khoa kỹ thuật cơ khí, Đại học John Hopkins, bang Maryland. Năm 2009, chị là người Mỹ gốc Việt duy nhất nhận giải thưởng cao quý từ Chính phủ Mỹ dành cho khoa học trẻ. Chị tới Mỹ định cư năm 1986, tốt nghiệp cử nhân tại Học viện Công nghệ Massachusets (MIT), cao học 2000 và tiến sĩ tại Đại học Stanford năm 2004 và nhiều năm nghiên cứu tại Sandia National Laboratories, miền Bắc California, chuyên ngành cơ khí sinh học. Giáo sư Thảo Nguyễn chuyên nghiên cứu ngành cơ khí sinh học (biomechanics), như độ bền và độ dẻo của các loại nhựa polymer, sự phát triển và hình thành của những tế bào sinh học cũng như tái tạo các mô. Chị còn nghiên cứu về sự phát triển và hình thành các cơ chế tiềm ẩn trong não bộ và hệ thần kinh trung ương, cũng như tái tạo các mô sau khi bị chấn thương. |
Tiến sĩ Mya Le Thai
Bà được thế giới biết đến khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học California, Los Angeles vào tháng 4.2016 với việc tìm ra một công nghệ vật liệu mới, cho phép tạo ra loại pin bền bỉ trên 20 năm. Tháng 6.2016, bà lấy bằng tiến sĩ. Trong khi các nhà nghiên cứu vẫn tìm cách sử dụng dây nano trong pin điện, bởi nó mỏng hơn sợi tóc và có tính dẫn điện tốt, nhưng nó lại nhanh chóng bị phá hủy sau nhiều lần mất điện và nạp điện. Mya chính là người đã khắc phục nhược điểm này, khi giúp sợi nano bên trong bền vững hơn, tạo ra cục pin điện bền bỉ, ứng dụng trong máy điện toán, đồ da dụng, phi thuyền. | Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng
Tháng 9.2007, tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng giành giải thưởng MacArthur Fellowship 500.000 USD cho phát minh "chất nổ cơ bản xanh". Đây là một trong những giải thưởng cao quý nhất ở Mỹ về khoa học. Tiến sĩ Hằng sinh năm 1962 tại Việt Nam và sống tại Mỹ từ năm 1985. Từ năm 2002, chị làm việc cho Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ. Trong quá trình làm việc, chị nhận thấy chất nổ đang được sản xuất vẫn dùng thủy ngân và các thành phần gây hậu quả xấu về môi trường và sức khỏe. Vì vậy chị đề ra mục tiêu thay thế chúng bằng đồng đỏ và sắt. Tháng 5.2005, chị thành công trong chế tạo loại chất mới được gọi là "chất nổ cơ bản xanh" không thuỷ ngân và chì.
|