Những người xây đảo Ngọc

18/09/2017 09:02

Từng ruộng rươi, từng hàng cây ăn quả được bàn tay của những người nông dân cần cù, chịu khó chăm bẵm suốt hơn 20 năm nay đã bắt đầu cho thu hoạch.



Sau nhiều năm vất vả, những vườn cây ăn quả trên đảo Ngọc đã đến mùa thu hoạch


Giữa mênh mông sông nước, đảo Ngọc hiện ra đẹp đẽ như một bức tranh. Từng ruộng rươi, từng hàng cây ăn quả được bàn tay của những người nông dân cần cù, chịu khó chăm bẵm suốt hơn 20 năm nay đã bắt đầu cho thu hoạch.

Bức tranh quê

Đứng ở bến đò thuộc khu dân cư Tử Lạc 2, thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) nhìn sang khu đảo Ngọc, những mái nhà xen lẫn tán cây xanh mướt của những vạt chuối, bưởi, nhãn… như mời gọi bước chân của chúng tôi. Đã liên hệ từ trước, ông Vũ Văn Đẩu, Trưởng khu dân cư Tử Lạc 2 gọi đò đưa chúng tôi qua đảo.

Lái đò là một người đàn ông đã đứng tuổi. Gần gũi và hiếu khách, ông vừa chèo đò vừa giới thiệu cho chúng tôi về hòn đảo xinh đẹp. Theo lời ông kể, cái tên đảo Ngọc mới xuất hiện khoảng 5-6 năm nay. Trước đây, người dân thường gọi khu đất bãi này là Chương Tử Lạc. Sau khi người dân sang sinh sống, sản xuất đã đổi tên gọi là đảo Ngọc như gửi gắm niềm ước vọng hòn đảo hoang sẽ trở thành viên ngọc giữa sông Đá Vách, đem lại may mắn, đổi đời cho những nông dân sinh sống trên đảo.

Sau khi người dân sang sinh sống, sản xuất đã đổi tên gọi là đảo Ngọc như gửi gắm niềm ước vọng hòn đảo hoang sẽ trở thành viên ngọc giữa sông Đá Vách, đem lại may mắn, đổi đời cho những nông dân sinh sống trên đảo.


Đảo Ngọc nằm gần ngã ba sông Đá Vách, nơi tiếp giáp của các huyện Kinh Môn (Hải Dương), Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) và thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Trước đây, đảo chỉ là một cái bơn nhỏ, cao hơn mặt sông một chút. Trải qua thời gian, phù sa lắng đọng, bồi đắp khiến cái bơn to dần và nhô cao giữa sông Đá Vách. Đến nay, đảo Ngọc có diện tích hơn 40 ha.

Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà anh Trần Văn Toàn (46 tuổi). Ngoài sân, chiếu đã được trải sẵn, ấm trà nóng mới pha, anh Toàn nhiệt tình mời chúng tôi thưởng thức bưởi, chuối, na đặc sản cây nhà lá vườn. Nhấp chén trà thơm, anh Toàn chia sẻ: “Trước đây, nơi này hoang vắng không người ở, cỏ, cói, lau sậy mọc quá đầu người. Đầu những năm 80, ông Bùi Văn Hạnh, một cựu chiến binh là người đầu tiên trong làng sang Chương Tử Lạc phát quang cỏ dại và khai thác cói, rươi, cáy để bán. Đến đầu những năm 90, anh em chúng tôi trong làng không có đất sản xuất nên cũng sang đảo để lập nghiệp”.

Chúng tôi đi một vòng thăm đảo Ngọc trên con đường đất chạy dài dọc hai bờ. Những hàng ổi, na, bưởi, nhãn, chuối xen lẫn vườn rau xanh mơn mởn. Điểm ở giữa là những ruộng rươi, bãi cáy dàn đều tăm tắp. Cứ đi khoảng 50-150 m lại có một nhà dân. Cảnh sắc thiên nhiên có sông núi bao quanh tạo nên bức tranh quê tươi đẹp níu chân chúng tôi tại mỗi điểm dừng. 

Mồ hôi và thành quả



8 hộ đã xây nhà kiên cố và đưa gia đình sang sinh sống ổn định ở đảo


Từ một vùng hoang hóa, cuộc sống trên đảo nay đã trở nên nhộn nhịp. Ngay từ 3 giờ sáng, đèn điện ở các nhà dân đã sáng tỏ. Những người đàn ông vạm vỡ chuẩn bị thuyền đưa vợ qua sông mang các sản vật tự nhiên như cáy, rau xanh, hoa quả bán tại chợ của thị trấn. Sau đó họ quay trở về đảo tiếp tục đắp bờ, trồng cây… cho đến tận chiều tối.

Là một trong những người đầu tiên sinh sống trên đảo, anh Toàn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện thú vị ở vùng đất này. Những ngày đầu khai hoang rất vất vả vì ở đây còn khá hoang sơ và nằm tách biệt với khu dân cư. Mọi việc từ xây nhà, dựng chuồng trại, đào ao thả cá... chỉ có thể làm bằng tay. Điều kiện sống thiếu thốn cũng là một trở ngại không nhỏ. Anh Vũ Văn Thu (46 tuổi) nhớ lại: “Khi ấy, vùng này chưa có điện. Để thắp sáng, người dân phải dùng đèn dầu. Hằng ngày, phụ nữ và trẻ nhỏ đi nhặt cành củi khô về để nấu ăn. Không thể đào giếng, nước sông, nước mưa được tích trong chum vại để dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Cuộc sống vất vả là vậy nhưng chắc ông trời thương người dân chúng tôi hiền lành nên cho nguồn thức ăn tự nhiên khá dồi dào. Nào là cá, tôm, cáy… Chỉ cần đi một buổi là đủ cho cả nhà ăn vài ba ngày”.

Những người dân nơi đây đã biết tập hợp sức người lại để biến bãi hoang thành vùng đất màu mỡ. Đầu năm 1992, đã có gần chục gia đình sang đảo để xây dựng trang trại. Họ chia nhau mỗi người một khoảnh rộng từ 1-3 mẫu để canh tác.

Thời gian đầu, họ chỉ tập trung gieo cấy lúa. Những thửa ruộng lớn được bàn tay người nông dân vun xới, chăm bẵm. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao. Không chịu bó tay, họ lại tiếp tục chuyển đổi sang đào ao thả cá. Một lần nữa, thiên nhiên lại thử sức con người. Cứ chuẩn bị đến thời điểm thu hoạch thì lại gặp thời tiết khắc nghiệt, thiên tai khiến cá chết hàng loạt, họ lại tay trắng. Đã có gia đình chán nản muốn bỏ cuộc. Nhưng dần dần kinh nghiệm sản xuất và khả năng thích nghi với hoàn cảnh đã giúp họ tìm ra hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất này.



Người dân đảo Ngọc cần cù, chăm chỉ


“Đúng vào thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi lại phát hiện ra nguồn lộc trời vô tận mà thiên nhiên ban tặng. Đó là con rươi và con cáy. Từ đó, chúng tôi bàn nhau tận dụng tiềm năng sẵn có để xây dựng vùng rươi, cáy”, anh Thu chia sẻ. Trên diện tích ruộng trồng lúa, người dân đã xây dựng hệ thống dẫn nước, cống thủy lợi, đắp bờ tạo môi trường cho rươi sinh sống. Trời không phụ công người, đặc sản rươi của vùng đất này dần được nhiều người biết đến. Có người còn ví con rươi ở đảo Ngọc là giống rươi ngon nhất mà họ từng được thưởng thức bởi nó có “chân ngắn, mình mòng”.

Sự kiên trì của người dân nơi đây đã được đền đáp xứng đáng. Sau một thời gian dài với biết bao mồ hôi và công sức, vùng đất bãi xưa nay đã trở thành vùng đất màu mỡ mang lại thu nhập ổn định và cuộc sống đầy đủ hơn cho người dân. Gắn bó với nơi đây được hơn 20 năm, hiện gia đình anh Toàn đã có một cuộc sống ổn định. Ngoài diện tích hơn 1 ha khai thác rươi, anh Toàn còn trồng nhiều loại cây ăn quả như chuối, bưởi, nhãn bắt đầu cho thu hoạch. “Ngoài mùa rươi chính vụ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, chúng tôi còn khai thác 4 tháng rươi chiêm đầu năm. Thời gian còn lại, gia đình tôi khai thác cáy tự nhiên, trồng cây ăn quả. Mỗi năm gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng”, anh Toàn phấn khởi cho biết.

Hiện nay, có 22 hộ dân đang canh tác trên vùng đất bãi. Không chỉ có gia đình anh Toàn, điều kiện kinh tế của các gia đình khác nơi đây cũng ngày càng khấm khá. 8 hộ đã xây nhà kiên cố và đưa gia đình sang sinh sống ổn định ở đảo. Đưa chúng tôi dạo một vòng quanh đảo Ngọc, ông Vũ Văn Đẩu vui mừng cho biết: “Nếu quay ngược thời gian trở về 20 năm trước, có lẽ không ai dám nghĩ bộ mặt của vùng đất bãi lại thay đổi như ngày hôm nay". Điện đã được kéo về tới từng gia đình. Nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bếp gas và nhiều thiết bị hiện đại phục vụ cho sinh hoạt. Các cháu nhỏ đều được cắp sách đến trường.

Mặc dù vậy, điều kiện sống của người dân trên đảo vẫn còn một số khó khăn. Hạn chế lớn nhất là việc đi lại. Chưa có cầu nên mọi việc từ đưa các cháu nhỏ đi học, người đi chợ đến vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp… đều phụ thuộc vào con đò. Hệ thống giao thông trên đảo chủ yếu vẫn là đường đất nhỏ hẹp. Người dân trên đảo mong muốn trong tương lai sẽ có một cây cầu bắc qua sông để điều kiện sinh hoạt, sản xuất thuận lợi hơn và cũng để nhiều người biết, về thăm đảo Ngọc.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người xây đảo Ngọc