Những người "hết dịch mới về nhà"

25/02/2021 08:30

Để chống lại đại dịch Covid-19, đội ngũ những người công tác trong ngành y đang gồng mình đi trước. Họ chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng.


Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm cho người dân

Gác lại niềm riêng

Gần 1 tháng nay, kể từ ngày phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên trong đợt dịch này vào ngày 27.1 tại TP Chí Linh, Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) luôn sáng ánh đèn. Các mẫu bệnh phẩm dồn dập gửi về, mẫu nào cũng cần phải thực hiện gấp. Ngày cũng như đêm, chị Hoàng Thị Mai Hương và các đồng nghiệp lặng lẽ, gồng mình làm việc. “Khoảng 10 ngày đầu chúng tôi gần như thức trắng. Ăn ngủ chỉ tranh thủ luân phiên nhau trong thời gian ngắn ngủi. Sau nhiều ngày liền ngồi làm việc trong phòng, khi mở cửa ra ngoài tôi đã bị choáng váng, mắt hoa vì không quen ánh nắng mặt trời”, chị Hương chia sẻ. Đến nay với sự hỗ trợ của một số bệnh viện Trung ương, đặc biệt là Công ty CP Công nghệ Việt Á, việc chạy mẫu xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã được giảm tải. Công việc của chị Hương và đồng nghiệp cũng bớt căng thẳng hơn. Dẫu vậy họ vẫn phải làm việc với công suất gấp đôi ngày thường.

Dịch bệnh xảy ra không chỉ khiến nhân viên ngành y bội phần vất vả mà họ còn phải gác lại bao niềm riêng. Năm nay con trai chị Mai Hương thi vào lớp 10. Thời điểm này cậu bé rất cần có mẹ ở nhà để nhắc nhở chuyện học hành, chăm lo sức khỏe. Nhưng dịch bệnh xảy ra, chị Hương không thể làm điều đó. Biết con thiệt thòi song chị Hương chỉ có thể động viên con cố gắng tự vươn lên.

Đồng nghiệp của chị Hương bao người cũng phải nén lại niềm riêng vì trách nhiệm với cộng đồng. Chị Vũ Thị Huyên có con nhỏ hơn 1 tuổi. Đứa trẻ còn chưa dứt sữa mẹ nhưng vì công việc, chị đành phải gửi con về quê ở Kim Thành nhờ ông bà chăm giúp. Rồi còn chị Loan, chị Mai đã dự định sinh con nhưng rồi đành gác lại để làm nhiệm vụ.

"Bố ơi, con nhớ bố lắm! Bố nhớ giữ sức khỏe nhé!", 5 tuổi, chưa học chữ nên con gái của bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Thọ (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh) chỉ biết để lại tin nhắn bằng lời trên điện thoại cho bố. Đây là lần đầu tiên anh Thọ xa con lâu đến vậy mà lại đi vào đúng mùng 1 Tết.  

"Sáng mùng 1 Tết tôi nhận nhiệm vụ vào Bệnh viện dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đoàn có 13 người gồm 4 bác sĩ và 9 điều dưỡng. Sau đó, vì dịch ở Cẩm Giàng bùng phát mạnh, lượng bệnh nhân vào viện ngày một tăng nên phải bổ sung thêm quân số điều trị. Kíp chúng tôi làm việc cả tuần không nghỉ. Có những hôm làm đến tận 2 giờ sáng mới dừng tay. Những bộ quần áo bảo hộ nhiều khi ướt sũng mồ hôi. Con gái phải nhắn tin bằng lời thoại vì biết bố không có thời gian rảnh để nghe máy trong khi bé còn thức", anh Thọ chia sẻ. 


21 ngày qua, bác sĩ Ngô Xuân Minh làm nhiệm vụ ở điểm cách ly Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng

Còn dịch còn xa nhà

"Chiều 30 Tết khép lại năm Canh Tý 2020. Vì Covid mà xuân này con không về. Khép lại một năm với những điều đạt được và những chuyện không may xảy đến cho tận đến những ngày cuối năm và khép lại một cái Tết thật đặc biệt. Chào đón 2021 với hy vọng mới và niềm tin mới, mong mọi điều may mắn, hạnh phúc, bình an sẽ đến với mọi người". Đó là những lời tâm sự đăng trên Zalo vào ngày cuối năm vừa qua của bác sĩ Ngô Xuân Minh, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng nhắn nhủ đến người thân, gia đình.

Năm nay là một năm đón Tết rất đặc biệt của anh Minh, không phải cùng với người thân mà là ở nơi cách ly tại Trung tâm Y tế huyện. Không gian vẫn quen thuộc nhưng công việc hoàn toàn khác trước. Lúc nào anh Minh cũng phải mặc trên người bộ bảo hộ kín mít vừa làm nhiệm vụ chuyên môn về y tế vừa phục vụ cho cuộc sống của những người cách ly tập trung. 21 ngày đã trôi qua kể từ ngày nhận nhiệm vụ nhưng anh Minh không hề đắn đo khi nói rằng: "Với những người đã lựa chọn ngành y như chúng tôi luôn xác định phải đối mặt với những tình huống như thế này. Chỉ khi nào hết dịch chúng tôi mới trở về nhà. Chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ chăm sóc nhân dân lên hàng đầu".

Sau một tuần tăng cường, theo quy định kíp của bác sĩ Thọ đã được chuyển ra ngoài thực hiện cách ly để đánh giá mức độ phơi nhiễm với SARS-CoV-2. Ngoài anh Thọ còn có điều dưỡng, bác sĩ một số đơn vị khác như Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà, Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Không ai biết được sau thời gian cách ly họ có được về lại đơn vị làm việc hay lại tiếp tục nhận một nhiệm vụ mới. "Nhiệm vụ của chúng tôi là tùy vào diễn biến của dịch Covid-19. Nếu hết dịch thì chúng tôi chắc chắn được về nhà, ngược lại chúng tôi sẵn sàng chờ điều động đến bất cứ nơi đâu làm việc để phục vụ nhân dân", anh Thọ chia sẻ.

Không chỉ riêng bác sĩ Thọ, bác sĩ Minh mà tất cả những người công tác trong ngành y thời điểm này đều gồng mình chống dịch và hẹn với gia đình, người thân "hết dịch mới về nhà".

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người "hết dịch mới về nhà"