Những người “hai mặt"

04/09/2020 11:30

Thời kỳ 1946-1950, Tổ tình báo gia đình Quyết Tiến đã vào hang ổ của địch lấy được nhiều tài liệu mật gửi ra ngoài giúp Bộ Quốc phòng có những kế hoạch đề phòng, chống trả trước các âm mưu của địch...


Gia đình ông Lê Xuân Chỉnh được Bộ Quốc phòng tặng bức trướng ghi công

Cuối năm 1946, đánh chiếm xong thị xã Hải Dương, Pháp thiết lập hệ thống đồn bốt và biến cả xã Ngọc Châu (nay là phường Ngọc Châu) thành vành đai trắng. Thôn Ngọc Uyên ở vị trí hiểm yếu, quốc lộ 5 chạy qua, lại có đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và cây cầu Phú Lương bắc trên sông Thái Bình, giống như một cái cổ họng. Nếu trấn được vùng đất này, Pháp có thể phong tỏa được khu vực nông thôn rộng lớn Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành…

Bấy giờ, Bộ Quốc phòng chỉ đạo thành lập Ban Tình báo đặc biệt ở Hải Dương. Trực tiếp chỉ đạo ban này là đồng chí Vũ Chính, tức Đặng Văn Chung (sau này là Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Mục đích của ban là cài cắm người của ta vào làm việc trong cơ quan đầu não của địch ở tỉnh Hải Dương, để nắm chắc âm mưu hoạt động của chúng. 

Ở Ngọc Uyên ngày ấy có một thanh niên tên là Lê Phú Thứ, nhiệt tình cách mạng, hoạt động dưới sự chỉ đạo của đồng chí Vũ Chính ngay từ ngày đầu Cách mạng Tháng Tám. Giữa lúc đó, đồng chí Vũ Chính gặp lại anh Thứ ở huyện Thanh Miện. Anh Thứ  rất mừng, thiết tha xin cấp trên giao công tác. Rồi anh Thứ được cử đi học lớp bồi dưỡng "Công tác đặc biệt’’, vào Đại đội 8 (tức Ban Tình báo đặc biệt Hải Dương). Sau đó, anh nhận nhiệm vụ chuẩn bị về thị xã hoạt động, với danh nghĩa hồi cư về tề. Ban muốn thành lập một tổ tình báo ở Ngọc Uyên. 

Anh Thứ đã đề xuất nên phát triển tổ tình báo trong những người thân của gia đình mình. Cụ thể gồm: bố đẻ là ông Lê Xuân Chỉnh, người đã làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời xã; chị ruột là Lê Thị Thắm từng làm Hội trưởng Phụ nữ và vợ là Phạm Thị Chuột từng trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã, từ sau ngày Tổng khởi nghĩa thành công. Anh quan niệm do tình ruột thịt nên bí mật tuyệt đối, bảo đảm chắc chắn hơn. 


Đồng chí Vũ Chính (thứ tư từ trái sang) là Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, là người chỉ đạo Ban Tình báo đặc biệt Hải Dương những năm 1947-1950

Kế hoạch được chuẩn bị và thực hiện ở ngoài vùng tự do (chợ Chương, Thanh Miện). Bước đầu tổ tình báo lấy tên “Quyết Tiến”, gồm 4 người do anh Thứ (bí danh Lê Hồng Quang) làm chỉ huy. Ông Chỉnh (bí danh Trung Chính) làm cố vấn cho tổ. Chị Thắm (bí danh Lê Thị Nương) và chị Chuột làm liên lạc. Tất cả về sống công khai hợp pháp trong lòng địch, là những người “hai mặt”.

Hôm ông Chỉnh lên trình diện, lão Phó Sở mật thám Lê On nghi ngờ ông:

-  Có phải Việt Minh sai về lấy đầu tôi phải không?

Ông Chỉnh bình thản, nói rành rọt: 

- Bẩm quan… Tôi là người đầu tiên ở làng Ngọc Uyên xin hồi cư để được các quan che chở làm ăn. Nếu biết tin tôi bị quan bắt tù đày thì dân làng còn ai dám về hồi cư nữa? Vả lại cả nhà tôi đang ở trong tay quan…

Hắn dần hiểu ra, biết rằng ngoài ông Chỉnh còn có con trai, con gái và con dâu đã về tề. Thấy ông Chỉnh nói có lý, hắn dịu đi và bắt đầu tin. Hắn lân la hỏi rằng, trước khi về đầu hàng, ở vùng tự do làm gì, ở đâu. Ông bình tĩnh kể đi buôn thuốc lào ở chợ Chương (Thanh Miện). Nhắc tới Thanh Miện, hắn mừng rỡ hỏi có biết làng Gừng không. Thật bất ngờ, hắn tâm sự với ông Chỉnh rằng có người vợ và 2 con đang lưu lạc ở đó. Hắn khẩn khoản nhờ ông Chỉnh có dịp ra vùng tự do, nhắn tin hắn còn sống và nếu có điều kiện tìm cách đưa ba mẹ con về thị xã thì tốt.  

Quá bất ngờ, ông Chỉnh khôn khéo xin khất để suy nghĩ. Ông nói với tên Phó Sở mật thám: “Tôi chỉ sợ đã về đầu hàng rồi, nay trở ra vùng tự do, người kháng chiến nghi ngờ lại bắt tôi”. 

Thực ra ông Chỉnh phải báo cáo Ban Tình báo đặc biệt xin ý kiến chỉ đạo. Ban thấy đây là một cơ hội tốt, nên đã tổ chức giúp đỡ, để ông Chỉnh hoàn thành công việc và gây dựng được lòng tin với tên Phó Sở mật thám, làm cơ sở hoạt động lâu dài.

Cũng thật may, bấy giờ Đặng Vũ Niết vốn là Tri phủ Nam Sách, được Pháp bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Hải Dương. Những năm còn làm lý trưởng của chế độ cũ, ông Chỉnh có quen Niết. Thế là ông tìm mọi cách xin cho anh Thứ vào làm việc trong văn phòng của Niết. Một phần được Lê On tin tưởng nên việc cài người vào văn phòng Tỉnh trưởng Hải Dương được thuận lợi. 

Anh Thứ có một người em vợ là anh Phạm Văn Phú, biết viết và nói tiếng Pháp, lại nhiệt tình hoạt động cách mạng. Sau khi xin ý kiến Ban Tình báo đặc biệt và bằng nhiều cách khôn khéo, anh Thứ đã giới thiệu được cả anh Phú vào làm ở văn phòng của mình. Thế là từ anh Phú, tổ tình báo phát triển thêm các thành viên nữa: Phạm Văn Ân, Phạm Văn Sắc, Phạm Văn Hàm, vốn là anh em ruột thịt. Sau này còn phát triển thêm Vũ Trọng Toàn, Nguyễn Văn Sự.

Anh Ân, anh Sắc được phân công nắm tình hình hoạt động của ban tề. Anh Hàm được chỉ đạo đi lính bảo an để nắm tình hình hàng ngũ địch. Anh Toàn làm nghề cắt tóc. Anh Sự làm thợ xẻ gỗ đi lưu động để nắm bọn lính tiểu đoàn lê dương chiếm đóng Bến Bè và bí mật đếm số lượng xe quân sự từ Hải Phòng về Hà Nội (qua thị xã Hải Dương hằng ngày)… 

Tổ tình báo Quyết Tiến đã vào hang ổ của địch, dùng ngôi đền Ngọc Uyên làm nơi hoạt động, hội họp… lấy được nhiều tài liệu mật gửi ra ngoài giúp Bộ Quốc phòng có những kế hoạch đề phòng, chống trả trước các âm mưu của địch và giúp cho Tỉnh ủy Hải Dương phá tan những cuộc vây bắt, càn quét của chúng và thanh trừng bọn chỉ điểm, ác ôn.

Đảng bộ phường Ngọc Châu vẫn còn lưu giữ bút tích của đồng chí Thứ: Tôi là Lê Phú Thứ, nguyên là chuyên viên cao cấp của Bộ Nội vụ (trước đây là Ban Tổ chức Chính phủ), đã nghỉ hưu, xác nhận trong thời kỳ chống Pháp, khi tôi trực tiếp phụ trách đơn vị tình báo trong địch hậu (thời kỳ 1946-1950), đã trực tiếp chỉ đạo sử dụng các ngôi đền ở Ngọc Uyên làm cơ sở hoạt động suốt trong thời gian đó. Vị trí ngôi đền có tác dụng cho mọi hoạt động của đơn vị, che mắt địch...".

Đã hơn 70 năm, các thành viên Tổ tình báo gia đình Quyết Tiến hầu hết là người thiên cổ. Ông Chỉnh bệnh tật, qua đời khi 59 tuổi. Anh Thứ từng bị địch bắt giam, đã vượt ngục thoát ly công tác… mới mất năm 2019, khi 90 tuổi tại nhà riêng ở phố Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm (Hà Nội). Chị gái anh Thứ mất lúc 94 tuổi. 

Đặc biệt, tình báo viên Phạm Văn Phú mới hoạt động được 2 năm thì bị địch bắt (năm 1949). Chúng tra tấn anh đến chết trong tù. Bây giờ phần mộ anh nằm trong nghĩa trang liệt sĩ phường Ngọc Châu. Gia đình ông Chỉnh được Bộ Quốc phòng tặng bức trướng ghi công. 

Trong sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân phường Ngọc Châu”, tên tuổi họ còn sống mãi, làm sáng thêm truyền thống cách mạng của quê hương Ngọc Châu anh hùng.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Những người “hai mặt"