Việc bà Phương Hằng bị bắt tối 24.3 là kết quả tất yếu của hành vi xúc phạm, miệt thị người khác suốt thời gian dài.
>>> Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng
Những người cùng livestream có liên đới?
Theo đó, từ tháng 3.2021 đến nay, bà Phương Hằng thường xuyên tổ chức các buổi livestream với sự tham gia của nhiều khách mời như tiến sĩ Đặng Anh Quân, luật sư Nguyễn Đình Kim và một số YouTuber. Các buổi livestream này được thông báo và phát trên trang cá nhân của trợ lý, thư ký của bà Phương Hằng.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), đối với trợ lý, thư ký, khách mời cùng tham gia với bà Hằng trong các buổi livestream, nếu điều tra phát hiện có sự bàn bạc, thống nhất giữa bà Hằng và những người này về việc dùng các lời lẽ khiếm nhã, xâm phạm đời tư của người khác, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bịa đặt, xuyên tạc, lăng mạ, loan truyền thông tin sai sự thật, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự về "tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm.
Đối với những người tham gia bình luận trong các buổi livestream hoặc sử dụng các thông tin của bà Hằng đưa ra không đúng sự thật để làm nhục, vu khống người khác được xem là hành vi bị cấm theo Luật An ninh mạng.
Những cá nhân, tổ chức bị xâm hại có thể yêu cầu cơ quan quản lý, cụ thể sở thông tin - truyền thông, xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiện ra tòa yêu cầu đính chính thông tin, xin lỗi và bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, nếu việc đưa thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, người bị hại có thể yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống. Trong trường hợp này, người bị đưa thông tin xúc phạm phải có đơn tố cáo.
Cụ thể, nếu hành vi chưa đến mức cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 15/2020 về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… với mức phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.
Trường hợp bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống, mức xử phạt có thể lên đến 5 năm tù giam đối với tội làm nhục người khác và 7 năm tù giam đối với tội vu khống.
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác.
Trong đó, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Hành vi của bà Hằng có tính tổ chức cao thông qua các buổi phát trực tiếp có kịch bản, có sự tham gia của một số người và cũng sử dụng thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Những người này có dấu hiệu đồng phạm theo điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra để xem xét vai trò của từng đồng phạm như người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức để xử lý vụ án toàn diện, triệt để.
Bài học về giới hạn của sự tự do
Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, ở góc độ phân tích pháp luật, những người thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm, tạo điều kiện về tinh thần hay vật chất cho người khác thực hiện tội phạm được xem là đồng phạm và những người này có thể bị xử lý hình sự.
Theo luật sư Chung, việc bà Phương Hằng bị bắt là 1 bài học cho tất cả mọi người khi sử dụng không gian mạng.
"Chúng ta có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ nhận định, chính kiến của mình nhưng phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bởi quyền nhân thân của con người là bình đẳng, được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Dù anh là ai, giàu có hay có địa vị xã hội, anh cũng không được quyền xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Đối với bà Hằng, một doanh nhân lớn của tỉnh Bình Dương và cũng có những hoạt động xã hội, có đóng góp lớn cho hoạt động thiện nguyện, điều đó là tốt nhưng không đồng nghĩa với việc cho mình đặc quyền xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Việc đi quá giới hạn của sự tự do ngôn luận dẫn đến hậu quả tất yếu đáng tiếc", luật sư Chung bình luận.
Theo Tuổi trẻ