Mùa trăng ấy nước nhà vừa độc lập. Ngay từ đầu Tháng Tám, dù vừa thoát qua nạn đói chết nhiều người, đoàn thể và cha mẹ đã dành cho trẻ em cái Tết Trung thu độc lập đầu tiên thật vui. Bằng giấy, mực màu, tre, hồ… người lớn đã dạy trẻ em bồi mặt nạ và làm các kiểu đèn như đèn ông sao, đèn xếp, cá chép, ông trăng… Đi lang thang trong miền cổ tích nghêu ngao câu hát đồng dao: “Ông giẳng ông giăng/ông giằng búi tóc/ông khóc ông cười/Mười ông một cỗ…” hay “Chú Cuội ngồi gốc cây đa/Để trâu ăn lúa gọi cha ồi ồi…”. Từ chập tối, tiếng trống múa lân đã bập bùng cùng những loại đèn mà bên trong đã thắp lên ngọn nến đỏ xanh khiến không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng không ngồi yên được. Trong các ngọn đèn ấy, đông người xem nhất vẫn là đèn kéo quân. Một cụ già đầu râu tóc bạc - người làm ra chiếc đèn - dẫn tích chuyện, rồi cười sảng khoái: "Kéo quân là thế, cứ như hôm làng ta kéo nhau lên phủ huyện cướp chính quyền và phá kho thóc của Nhật ấy…”. Mọi người đang vỗ tay hưởng ứng câu chuyện cụ kể thì anh phụ trách thiếu nhi đã đến. Anh cuộn cái mo cau làm loa đọc thư của Bác Hồ gửi thiếu niên nhi đồng nhân dịp Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Ai nấy lắng nghe như nuốt từng lời: "Hôm nay là Tết Trung thu. Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa... Cái cảnh trăng tròn gió mát, gió lặng trời xanh của Trung thu lại làm cho các em thêm vui cười hớn hở. Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em...".
Sau Tết Trung thu độc lập đầu tiên ấy, từ cuối năm 1946, nước ta bước vào cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập- tự do của dân tộc. Nhưng, dù kháng chiến trường kỳ, gian khổ, dù phải tản cư hay ngồi hầm tránh bom đạn, cứ đến Tết Trung thu là đoàn thể, cha mẹ lại lo quà, đồ chơi hoặc tổ chức cho trẻ vui chơi. Đó là vì phong tục văn hóa lâu đời mà mọi người luôn thể hiện tình yêu thương con trẻ, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những bài thơ Bác viết nhân dịp Tết Trung thu.
Một năm sau khi nước nhà độc lập, Trung thu năm 1946, Bác viết: "Bác mong các cháu chăm ngoan/Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng/Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng/Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”.
Dù phải lo trăm công ngàn việc lãnh đạo quân dân kháng chiến kiến quốc, nhưng mỗi độ “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/Sau đây Bác viết mấy dòng/Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương”. Đó là Trung thu năm 1951.
Bác càng yêu quý thiếu niên nhi đồng, càng mong các cháu tiến bộ. Trung thu năm 1952, Bác viết: “Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/Tính các cháu ngoan ngoãn Mặt các cháu xinh xinh/Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh”.
Sau mấy năm chiến đấu, cuộc kháng chiến của quân dân ta đã thu được nhiều thắng lợi. Trung thu năm 1953, Bác rất vui và viết thư kể tin chiến thắng: “Khắp nơi Nam-Bắc-Tây-Đông/Được tin thắng trận cờ hồng tung bay/Các cháu vui thay/Bác cũng vui thay/Thu sau so với thu này vui hơn”.
Cho đến mùa thu 1956, sau Hiệp định Geneva đã hai năm mà đất nước vẫn còn bị chia cắt, thương nhớ các cháu miền Nam, Bác viết: “Bắc - Nam sẽ sum họp một nhà/Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung/Nhớ thương các cháu vô cùng/Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Trung thu này đã là mùa thu thứ 47 Bác đi xa. Nhưng đọc lại những vần thơ Người viết trong những Tết Trung thu trước thấm đẫm tình yêu thương con trẻ, chúng ta càng nhớ Bác, mãi mãi ơn Người.
NGUYỄN THẾ TRƯỜNG