"Thiện nữ u hồn", "Yên chi khâu" hay "Bá vương biệt Cơ " đều là những tác phẩm kinh điển do tài tử quá cố đóng chính.
Thiện nữ u hồn (1986)
Trương Quốc Vinh vào vai chàng thư sinh Ninh Thái Thần chân chất, vụng về, phải lòng Nhiếp Tiểu Thiện - hồn ma chưa được siêu thoát (Vương Tổ Hiền đóng). Từ chàng trai nhút nhát và khờ khạo, vì tình yêu, Ninh Thái Thần trở nên dũng cảm, bất chấp tính mạng vì người mình yêu.
Phim cho thấy khả năng diễn xuất đa dạng của Trương Quốc Vinh ở cả hai mảng bi, hài. Bên cạnh thể hiện không chút gượng gạo sự hậu đậu, chân chất, Trương Quốc Vinh hút hồn khán giả khi diễn đạt chiều sâu tâm lý. QQ đánh giá đây là tác phẩm tiêu biểu của Trương Quốc Vinh trong giai đoạn đầu sự nghiệp của anh.
Trương Quốc Vinh và Vương Tổ Hiền trong phim. |
Biệt danh "Ca ca" mà khán giả gọi Trương Quốc Vinh bắt nguồn từ Thiện nữ u hồn, vì trong phim, Tiểu Thiện gọi Ninh Thái Thần là "Ca ca". Sự kết đôi của Trương Quốc Vinh và Vương Tổ Hiền cũng là dấu ấn khó quên của màn ảnh Hong Kong.
Yên chi khâu (1988)
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Lý Bích Hoa, Yên chi khâu kể cuộc tình bi thương của kỹ nữ Như Hoa (Mai Diễm Phương) và công tử nhà giàu Trần Chấn Bang. Do bị gia đình phản đối hôn sự, công tử bỏ nhà để chung sống cùng Như Hoa, yên chi khâu (chiếc hộp nhỏ đựng son môi) là vật thề ước của đôi tình nhân.
Trần Chấn Bang vốn sống trong nhung lụa, không đủ bản lĩnh gánh vác gia đình, anh và Như Hoa rơi vào hoàn cảnh nghèo đói, đến mức bàn nhau cùng tìm đến cái chết. Như Hoa qua đời còn Chấn Bang được cứu sống. Dưới cõi âm chờ đợi Chấn Bang 50 năm song không có tin tức, nàng tới dương gian tìm lại chàng.
Trần Chấn Bang sống nghèo khổ suốt phần đời còn lại, chuyện tình với nàng kỹ nữ cũng mờ nhạt trong tâm trí. Khi Như Hoa trả yên chi khâu, Chấn Bang nhìn bóng dáng nàng, gào thét tên "Như Hoa".
Trương Quốc Vinh và Mai Diễm Phương trong "Yên chi khâu". |
Bộ phim mang màu sắc u ám, đoạn cuối gây ấn tượng mạnh với khán giả. Trương Quốc Vinh thể hiện xuất thần nhân vật thiếu gia nhu nhược, si tình. Ánh mắt của anh ở cuối phim vừa thể hiện sự ân hận, sợ hãi vừa có sự xấu hổ, yếu đuối.
A Phi chính truyện (1990)
Trương Quốc Vinh vào vai Húc Tử - gã trai bảnh bao, lạnh lùng và vô tình với bất kỳ cô gái nào anh gặp trong đời. Khi muốn tán tỉnh cô bán hàng Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc), Húc Tử hỏi:
- Em tên gì?
- Mắc gì tôi phải trả lời anh.
- Tối nay em sẽ mơ về anh.
Sáng sớm hôm sau, Húc Tử bất cần đi ngang cửa hàng, Lệ Trân mở lời:
- Tối qua tôi chẳng mơ thấy anh.
- Đương nhiên rồi, vì thực ra em có ngủ được đâu.
Đôi trẻ nhanh chóng cuốn vào nhau nhưng ngay cả khi mặn nồng nhất, Húc Tử vẫn tỉnh táo, thẳng thừng từ chối khi Lệ Trân đề cập tới kết hôn. Và khi cô gái nhún nhường, chấp nhận tất cả để được bên anh, thì Húc Tử trả lời:
- Sao em phải nhún nhường anh? Em nhún nhường một lần là phải nhún nhường cả đời. Em sẽ không hạnh phúc nếu ở bên anh.
- Rốt cuộc, anh có từng thích em không?
- Đời này anh không đếm được mình thích bao nhiêu cô gái. Chưa đến phút cuối, chẳng biết được mình thích ai nhất.
Trương Quốc Vinh trong "A Phi chính truyện". |
Gã trai ngạo nghễ, lạnh lùng và bí ẩn đó mang trong mình trái tim bị thương tổn vì bị mẹ đẻ bỏ rơi, luôn khát khao tìm được nguồn gốc của mình.
Vai diễn mang về cho Trương Quốc Vinh danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc giải Kim Tượng. Tác phẩm xếp thứ ba trong danh sách 100 phim tiêu biểu của điện ảnh Hoa ngữ, do các giám khảo của Lễ trao giải Kim Tượng bình chọn năm 2005. Tác phẩm của Vương Gia Vệ ra mắt lần đầu năm 1990, được chiếu lại ở rạp Hàn Quốc năm 2008.
Bá Vương biệt Cơ (1993)
Cũng là một phim kinh điển chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Lý Bích Hoa, phim đặt Trình Điệp Y (Trương Quốc Vinh) vào bối cảnh trước và sau Cách mạng Văn hóa.
Mẹ là kỹ nữ, năm 9 tuổi, Trình Điệp Y bị mẹ chặt ngón tay dị dạng, bán vào một gánh hát. Trình Điệp Y hứng chịu đòn roi, sự khinh miệt, bị đàn ông cưỡng hiếp khi sống khi làm nghề "xướng ca vô loài".
Trình Điệp Y và sư huynh Đoàn Tiểu Lâu nương tựa vào nhau, nảy sinh tình cảm. Hai người hẹn ước cùng diễn vở Bá Vương biệt Cơ đến cuối đời. Nhưng sau đó Đoàn Tiểu Lâu lấy vợ, Cách mạng Văn hóa cùng những biến cố chính trị khiến giấc mộng của Trình Điệp Y tan vỡ. Chàng gào thét với Đoàn Tiểu Lâu khi sư huynh bày tỏ "ta là Bá vương giả, đệ là Ngu Cơ thực": "Đã nói là cả cuộc đời thì thiếu một năm, một tháng, một giờ... đều không gọi là cả cuộc đời".
Trương Quốc Vinh (trái) trong "Bá vương biệt Cơ". |
Do sự kỳ thị của xã hội, Trình Điệp Y luôn phải đè nén tình yêu với Đoàn Tiểu Lâu. Anh lột tả tinh tế từng ánh mắt, bước đi nhỏ nhắn, cử chỉ mềm mại... Theo Ifeng, tại LHP Cannes 1993, một giám khảo đã bỏ phiếu cho anh trong cả hai đề cử Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc. Phim đoạt giải Cành Cọ Vàng tại LHP song Trương Quốc Vinh không thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc.
Happy Together (1997)
Trương Quốc Vinh thiên biến vạn hóa trong mỗi phim tham gia. Với Happy Together của đạo diễn Vương Gia Vệ, anh vào vai chàng trai yêu đồng giới - Hà Bảo Vinh. Anh và Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ) vừa yêu say đắm, vừa nghi ngờ, hành hạ lẫn nhau. Hà Bảo Vinh nhiều lần đề nghị chia tay song chính anh luôn là người muốn nối lại mối quan hệ.
Vương Gia Vệ nói: "Với tôi, Hà Bảo Vinh như chiếc máy bay còn Lê Diệu Huy là sân bay. Máy bay cần đáp mặt đất, nhưng rồi lại bay đi".
Vương Gia Vệ không muốn khắc họa sự khác biệt giữa "yêu đồng giới" và "yêu dị giới" trong tác phẩm. Sự si mê, khát khao cảm giác an toàn trong tình yêu và cả những hờn giận, ghen tuông giữa Hà Bảo Vinh và Lê Diệu Huy gần gũi như bao cặp tình nhân trong cuộc sống. Đạo diễn nói trên Ifeng: "Happy Together là câu chuyện về tình yêu, chủ đề không phải yêu đồng tính. Tình cảm giữa hai con người mới là mấu chốt, chỉ có điều, tình cờ hai người đó là đàn ông mà thôi".
Trương Quốc Vinh (trái) và Lương Triều Vỹ trong "Happy Together". |
Nhiều người cho rằng Trương Quốc Vinh không khó khăn để hóa thân Hà Bảo Vinh vì nhân vật này có nhiều nét giống anh, anh chỉ việc là chính mình trước ống kính. Do vậy, một số giải thưởng từ chối trao danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc cho Trương Quốc Vinh. Đạo diễn Lâm Dịch Hoa phản bác điều này, cho rằng như vậy không công bằng với tài tử.
Sau đó, Trương Quốc Vinh nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại giải Kim Mã, Lương Triều Vỹ nhận danh hiệu này ở giải Kim Tượng. Tại LHP Cannes năm 1997, tác phẩm được đề cử Cành Cọ Vàng trong khi Vương Gia Vệ đoạt giải Đạo diễn xuất sắc.
Trương Quốc Vinh là huyền thoại bất tử của văn hóa đại chúng Hong Kong. Đài CNN (Mỹ) đánh giá Trương Quốc Vinh là ngôi sao rực rỡ của châu Á, có khả năng diễn xuất chạm đến trái tim khán giả, khiến ai cũng thán phục. Năm 2010, CNN bình chọn Trương Quốc Vinh là một trong 25 diễn viên châu Á vĩ đại nhất trong lịch sử. Tạp chí điện ảnh Cut của Nhật Bản bình luận: "20 năm làm nghệ thuật, Trương Quốc Vinh luôn là ngôi sao đẳng cấp. Anh dường như là người được Thượng Đế chọn để hoàn thành sứ mệnh, một người hiếm có. Nếu không có Trương Quốc Vinh, những gì thế giới hiểu về châu Á qua điện ảnh sẽ còn hạn chế. Thế giới nhận ra rằng ngoài võ thuật, đánh đấm, điện ảnh Hong Kong còn có một Trương Quốc Vinh đầy chiều sâu". Ngày 1/4/2003, Trương Quốc Vinh nhảy từ tầng 24 một khách sạn ở Hong Kong tự tử, hưởng dương 47 tuổi. Nguyên nhân tự tử được cho là mất kiểm soát do bệnh trầm cảm. Hàng năm, vào ngày giỗ của anh, nhiều người hâm mộ Trương Quốc Vinh trên thế giới đổ về khách sạn nơi anh tự tử, đặt hoa tưởng nhớ anh. Lúc sinh thời, tài tử công khai mối tình đồng tính với Đường Hạc Đức - người anh quen từ thuở bé. |