Những năm qua, kinh tế của Tứ Kỳ phát triển nhanh là nhờ sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh đi đôi với thu hút phát triển các dự án công nghiệp. Bên cạnh những cánh đồng lúa, những cánh đồng chuyên canh rau màu, những khu nuôi trồng thủy sản cho năng suất, giá trị kinh tế cao đã xuất hiện những dự án công nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Nông dân xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) trồng dưa hấu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: nhân chính
|
Về huyện Tứ Kỳ hôm nay dễ dàng nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê nơi đây. Bên cạnh những cánh đồng lúa, những cánh đồng chuyên canh rau màu, những khu nuôi trồng thủy sản cho năng suất, giá trị kinh tế cao đã xuất hiện những dự án công nghiệp đầu tư vào địa bàn, những cụm công nghiệp được quy hoạch tạo cho bức tranh kinh tế của huyện thêm khởi sắc.
Trên cánh đồng xã Ngọc Kỳ, nhiều hộ nông dân đang tích cực chăm sóc vụ dưa lê hè. Anh Nguyễn Văn Biển ở thôn Tứ Kỳ Thượng đang chăm sóc dưa cho biết: “Gia đình tôi có gần 1 mẫu ruộng, trước đây chủ yếu cấy lúa. Tôi chỉ dành 2 sào chuyên trồng màu. Tuy nhiên, do giá trị sản xuất từ cây lúa không cao nên gia đình tôi chuyển 7 sào sang chuyên trồng màu. Vào vụ đông chính vụ, tôi xin thêm ruộng trồng 1 mẫu. Tôi chủ yếu trồng các cây ngắn ngày, chỉ khoảng 2 đến 3 tháng là cho thu hoạch. Sản xuất sản phẩm thị trường cần, có vụ tôi trồng dưa hấu, có vụ trồng dưa lê siêu ngọt, có vụ lại chỉ trồng hành tây... Do đó, trung bình 1 sào chuyên màu tôi có thể trồng 4 - 5 vụ/năm. Giá trị sản xuất đạt khoảng 15 triệu đồng/sào. Do đó, vợ chồng tôi có tiền nuôi 2 con học đại học" .
Đồng chí Phạm Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ cho biết: Việc dồn ô đổi thửa đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân thực hiện thâm canh tăng vụ, đặc biệt là mở rộng diện tích rau màu. Hiện nay, xã đã xây dựng được các cánh đồng chuyên canh rau màu với diện tích 30 ha, mỗi năm trồng từ 95 đến 105 ha cây vụ đông. Với diện tích 30 ha chuyên màu, với giá hiện hành, giá trị sản xuất đạt tới 200 triệu đồng/ha/năm.
Trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Tứ Kỳ những năm gần đây đã có sự thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Tính theo giá trị hiện hành, toàn bộ trên 8.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt giá trị sản xuất bình quân 75 triệu đồng/ha; hình thành 195 cánh đồng, khu đồng với diện tích 2.700 ha với các công thức luân canh cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như các cánh đồng thôn Ô Mễ, Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo); Tứ, Ngọc Trại (xã Ngọc Kỳ); An Quý, An Tân, An Thổ (xã Nguyên Giáp); Mỹ Ân, Gia Xuyên (xã Văn Tố)... Trong giai đoạn 2006 - 2010, toàn huyện tiếp tục chuyển đổi 161,7 ha cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản, nâng tổng số diện tích nuôi thủy sản toàn huyện lên 1.528 ha. Trong đó, coi trọng việc quy hoạch và xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, đưa những giống thủy sản mới có khả năng kháng bệnh, có giá trị cao vào sản xuất. Qua đó, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Cùng với chuyển dịch mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường 391, 392 đã tạo bước “đột phá” trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp nói riêng và trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện nói chung. Trong 5 năm qua, Tứ Kỳ đã thu hút thêm 37 dự án công nghiệp đầu tư vào địa bàn, nâng tổng số dự án đầu tư vào địa bàn lên hơn 50 dự án, thu hút hơn 12 nghìn lao động vào làm việc; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 31,6%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp trên địa bàn năm 2010 ước đạt 430 tỷ đồng. Biện pháp thu hút đầu tư của Tứ Kỳ là tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận các dự án đầu tư vào địa bàn, ưu tiên các dự án có giá trị sản xuất cao, giải quyết nhiều việc làm mới, ít gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 4 cụm công nghiệp: Ngọc Sơn, Kỳ Sơn, Văn Tố, Nguyên Giáp với tổng diện tích hơn 249 ha. Để kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, huyện đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát triển các làng nghề. Đến nay, huyện đã giữ vững và phát triển được 8 làng nghề, giải quyết việc làm cho 5.500 lao động với mức thu nhập khá. Đồng chí Nguyễn Đức Triển, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đạo cho biết: “Thời gian qua, xã Hưng Đạo tiếp tục duy trì và phát triển mạnh nghề thêu ren truyền thống. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã phối hợp với nhau xây dựng nhà xưởng để phát triển nghề may. Do đó, hiện toàn xã đã có 1.500 lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp với mức thu nhập từ 1,8 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tích tụ đất đai, mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao”.
Những mảng sáng trong bức tranh kinh tế của huyện Tứ Kỳ vừa thể hiện sự đúng đắn trong chỉ đạo, sự cố gắng của Đảng bộ và nhân dân trong việc tổ chức thực hiện các đề án, dự án, vừa là tiền đề quan trọng để Tứ Kỳ tiếp tục vươn lên trong những năm tới.
VŨ ÚY