Đỗ quyên, thủy tiên hay tử đằng là những loài hoa đẹp quyến rũ, nhưng lại có độc tính rất mạnh.
Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quốc Gia về Sức Khỏe An toàn Nghề Nghiệp, Mỹ công bố danh sách 10 loài cây có độc tính mạnh nhất trong tự nhiên hồi tháng 3.
Theo Live Science, nếu bạn không cẩn thận khi tiếp xúc, những loài cây, hoa rất phổ biến trong tự nhiên này có thể gây ra những cơn đau đầu, co giật, hoặc nặng hơn nữa là tử vong. 85% trường hợp trúng độc xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi. Đa số nguyên nhân là do tiếp xúc thông qua mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc cơ thể, chất tẩy rửa và thuốc uống.
Hoa thủy tiên, loài hoa cánh trắng nhị vàng nở vào mùa xuân, đứng đầu danh sách các loài cây độc. Nhiều người nhầm củ của loài cây này với hành. Nếu ăn một lượng lớn loại củ này thì cơ thể sẽ bị trúng độc. Triệu chứng thường thấy là nôn, co giật và tiêu chảy. Nếu trẻ em ăn phải thì các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn nữa. Bác sĩ khuyên sử dụng phương pháp hydrat hóa tĩnh mạch để giải độc.
Đỗ quyên là loài hoa đẹp, nở rộ vào mùa xuân. Nhưng lá và mật hoa của loài cây này rất độc. Nếu nuốt phải, miệng sẽ bị bỏng rát, sùi bọt mép, nôn, tiêu chảy và ngứa râm ran trên da. Sau đó có thể là đau đầu, mỏi cơ và giảm thị lực. Tệ hơn nữa là rối loạn nhịp tim, hôn mê và co giật.
Các cây họ sanh đều có nhựa trắng như sữa tiết ra từ cuống lá và nhánh cây. Có đến 800 loài họ sanh, nhiều loài trong số này được trồng trong nhà. Nếu trồng ngoài trời, loài cây này có thể mọc cao đến 20 m. Dính nhựa của loài cây này có thể gây ra ngứa ngáy và dị ứng ngoài da.
Từng milimet trên cây trúc đào đều có độc, chứ không chỉ hoa hay mủ cây như những loài thực vật khác. Thậm chí, nếu hít phải khói từ cây trúc đào bị đốt cháy cũng có thể gây ngộ độc.
Loài cây này sinh trưởng phổ biến ở tây nam nước Mỹ và bang California. Triệu chứng thông thường là rối loạn nhịp tim và cần đi bác sĩ ngay để dùng thuốc điều hòa nhịp tim trở lại. Bạn cũng có thể nuốt than hoạt tính để khử độc.
Hoa cúc thường được nông dân Mỹ trồng trong vườn để xua đuổi thỏ. Có đến 200 loại hoa cúc khác nhau. Dính nhựa loài cây này khiến bạn bị ngứa ngáy và dị ứng.
Cây hồng môn có những chiếc lá xanh biếc hình trái tim và bông hoa màu đỏ tươi, hồng hay trắng, là loài cây được nhiều người trồng trong văn phòng hay trong nhà ở.
Ăn phải loài cây này khiến miệng bị bỏng rát và sưng phồng. Bạn có thể bị mất giọng, khàn tiếng và cảm thấy khó nuốt. Những triệu chứng này sẽ tự biến mất nhưng nếu muốn nhanh, bạn có thể uống nước mát, thuốc giảm đau, cam thảo hoặc hạt lanh.
Hoa linh lan bé nhỏ, đáng yêu với những bông hoa trắng nhỏ xíu hình chuông, thực chất chứa độc tố trên toàn bộ thân cây. Nuốt phải một ít hoa này có thể không có hại gì, nhưng nếu ăn nhiều, bạn sẽ thấy buồn nôn, đau miệng, đau bụng, tiêu chảy và co giật. Nhịp tim có thể bị chậm lại hoặc rối loạn. Bạn cần rửa ruột hoặc uống than hoạt tính để giải độc. Trường hợp nặng, cần dùng thuốc để điều hòa nhịp tim.
Hoa tú cầu vốn là loài hoa được trồng làm cảnh rất phổ biến, với những chùm hoa lớn màu hồng, xanh đậm, trắng, xanh lá cây… trông như kẹo bông. Loài hoa đẹp mê mẩn này khiến bạn đau dạ dày sau vài giờ nuốt phải. Thông thường, nạn nhân sẽ thấy toát mồ hôi, mệt mỏi, buồn nôn và ngứa ngáy trên da. Một số trường hợp có thể dẫn tới hôn mê, co giật và đột quỵ.
Mao địa hoàng hay hoa chuông là loài cây cao 1 m với những chùm hoa màu hồng, trắng, tím, đôi khi còn có chấm ở tràng hoa. Lá của loài cây này được dùng để bào chế thuốc cho bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nếu chẳng may nuốt phải bất kỳ phần nào của loài cây này, bạn sẽ bị nôn, co giật, tiêu chảy hay đau miệng. Các bác sĩ khuyên dùng than hoạt tính để giải độc hoặc rửa dạ dày và dùng thuốc để điều hòa nhịp tim.
Những chùm hoa tử đằng màu hồng, tím, trắng thường tạo nên cảnh tượng lãng mạn thu hút nhiều du khách tới chụp ảnh. Loài hoa này mọc nhiều ở miền nam và tây nam nước Mỹ. Loài cây họ đậu này gần như chứa độc tố trên toàn bộ thân cây, trừ hoa.
Nhiều báo cáo cho thấy việc ăn loài cây này có thể gây nôn, đau bụng và tiêu chảy, và cần được cấp cứu bằng việc truyền tĩnh mạch và dùng thuốc chống nôn.
Ngô Minh (VnExprees)