Cùng với sự tiến bộ của y học và khao khát chinh phục căn bệnh thế kỷ, năm 2011 đánh dấu nhiều đột phá trong việc điều trị HIV.
Trước đây, đối với người mẹ nhiễm HIV, các bác sĩ thường khuyên việc lựa chọn cho con uống sữa bột thay vì bú mẹ để nhằm giảm nguy cơ truyền nhiễm.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây được công bố tại Hội thảo về virus retro và Nhiễm trùng (CROI) lần thứ 18 tại Boston hồi tháng 3-2011, việc cung cấp cho trẻ sơ sinh một liều nevirapine mỗi ngày trong suốt 6 tháng đầu tiên sẽ làm giảm một nửa nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Thậm chí, với những bà mẹ có tỉ lệ tế bào T cao, mức giảm có thể tới 75%. Hiệu quả của phương pháp này cao hơn các con số trong nghiên cứu trước đây với thời gian sử dụng nevirapine ngắn ngày (khoảng 6 hoặc 15 tuần - phương pháp PEPI-Malawi).
Tuy nhiên, có một hạn chế là chỉ áp dụng việc điều trị với những bà mẹ có tỉ lệ tế bào CD4 lớn hơn 350 và chưa thực hiện điều trị bằng thuốc chống virus retro (dạng HIV phổ biến nhất).
Như vậy, bà mẹ vẫn yên tâm nhất định với việc cho con bú bằng sữa mẹ để bảo đảm các chất dinh dưỡng quý giá.
Mặc dù vẫn còn nguy cơ truyền nhiễm HIV thông qua nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng một nghiên cứu khác chỉ ra, các kháng thể có trong sữa mẹ, khi được cô lập, có thể tiêu diệt HIV và các tế bào bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu vẫn tích hợp trong sữa mẹ, các kháng thể này có tính hạn chế virus rất thấp do tác động của kháng thể khác có tên IgG. Các nhà khoa học đang cố gắng tính toán nhằm làm tăng khả năng của các kháng thể chống HIV trong sữa mẹ.
Các nhà khoa học thuộc Hội đồng nghiên cứu khoa học tối cao (CSIC) ở Tây Ban Nha đang thử nghiệm một loại vắc-xin phòng tránh HIV, đã có tác dụng rất tích cực thông qua những người tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc-xin.
Sau một năm thử nghiệm vắc-xin MVA-B trên người, 95% trong số 24 bệnh nhân đã có thể tạo ra hệ thống miễn dịch chống lại virus; 85% trong số này duy trì hệ này trong một năm.
Tác dụng chính của vắc-xin là kích thích việc sản sinh tế bào lympho B - cỗ máy sản xuất các kháng thể tấn công HIV, ngăn ngừa virus lây nhiễm sang các tế bào khỏe.
Mariano Esteban, trưởng nhóm nghiên cứu nhận định: “Đặc điểm của hệ miễn dịch MVA-B, bước đầu đã đạt những yêu cầu cần thiết cho một loại vắc-xin hiệu quả chống HIV. Dù không loại bỏ virus khỏi cơ thể, hệ miễn dịch phản ứng tốt nhờ vắc-xin, qua đó kiểm soát virus bằng việc tấn công tế bào nhiễm bệnh”.
Việc thử nghiệm sẽ tiếp tục trong giai đoạn II và III để đảm bảo hiệu quả thực sự và đưa vào sản xuất hàng loạt.
Những thử nghiệm thuốc trước đây chỉ cho kết quả khoảng 25 %. Tuy nhiên, loại vác-xin này có tính đặc chủng với một phân nhóm của HIV phổ biến ở châu Âu, Nam Mỹ và Bắc Mỹ.
Một trong những bước đột phá đáng chú ý trong năm 2011 là việc tìm ra loại thuốc giúp tránh lây nhiễm từ người vợ hoặc chồng nhiễm HIV với đối tác chồng hoặc vợ của mình (âm tính với HIV).
Tháng 5-2011, Viện Y tế quốc gia Mỹ công bố nghiên cứu thực hiện trong 4 năm qua. Trong số 1.763 cặp vợ chồng trong đó có vợ hoặc chồng bị nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus “anti-retroviral”.
Các bệnh nhân nhiễm HIV được chia thành 2 nhóm: 1 nhóm dùng thuốc kháng virus “anti-retroviral”, nhóm còn lại không dùng. Kết quả, đối với nhóm sử dụng thuốc kháng virus, chỉ có 1 trường hợp có hiện tượng lây nhiễm (vợ lây nhiễm cho chồng hoặc ngược lại). Trong khi đó, đối với nhóm không dùng thuốc kháng virus, có tới 27 trường hợp lây nhiễm.
Tuy nhiên, cần lưu ý là nghiên cứu chỉ áp dụng cho các cặp vợ chồng khác giới mà không thực hiện trên những cặp vợ chồng đồng tính.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tích cực tài trợ để tiến hành sản xuất thương mại loại thuốc trên nhằm giúp những người nhiễm HIV có thể sống chung với gia đình và bảo vệ người thân.
Các nhà nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu y khoa Mayo, thuộc ĐH Mayo ở Rochester, bang Minnesota (Mỹ) đã tìm ra một cách “đầy màu sắc” nhằm phát triển một chiến lược dựa trên gene để chống lại virus suy giảm miễn dịch ở mèo (FIV- phiên bản HIV ở mèo). Phát hiện này sẽ giúp các bác sĩ thú y tìm ra giải pháp cho hàng triệu con mèo hoang dã chết vì FIV mỗi năm và ngăn ngừa việc lây nhiễm cho loài khác thuộc họ mèo.
Mèo phát sáng giải quyết vấn đề HIV của mèo
Ba chú mèo một năm tuổi (GM) được cấy một gene nhất định chứa protein huỳnh quang màu xanh lá cây (GFP) được lấy từ loài sứa, nhằm đánh dấu các tế bào mang một gene thứ hai có sức đề kháng với FIV. Chúng còn được mang thêm loại gene khỉ khác là TRIMCyp, đã có tác dụng bảo vệ loài khỉ nâu đuôi ngắn không bị nhiễm FIV.
Nhờ các gene huỳnh quang khiến mèo phát sáng và các nhà khoa học có thể theo dõi chuyển động tế bào và chức năng mô nhằm tìm ra cơ chế hoạt động rõ ràng của tế bào nhiễm FIV.
Eric Poeschla, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay: “Các chú mèo có gene bảo vệ trong hầu hết các mô như hạch bạch huyết, tuyến ức, lá lách. Cơ chế của FIV tác dụng lên mèo sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn việc virus HIV phá hủy tế bào lympho T ở người”.
Mỹ đang tích cực triển khai những bước đi mới trong chiến lược phòng và đấu tranh với căn bệnh AIDS thông qua việc kết hợp nhiều ứng dụng công nghệ. Tại Hội nghị Phòng chống HIV Quốc gia của Mỹ hồi tháng 8-2011, các cơ sở y tế sử dụng công nghệ để tăng cường nỗ lực phòng tránh và chăm sóc bệnh nhân HIV.
Máy tính phục vụ việc nhận diện các bệnh nhân HIV không được chữa trị đầy đủ cũng như hệ thống bản ghi để nhắc nhớ bác sĩ về lộ trình theo dõi bệnh nhân.
Ông Jonathan Mermin, giám đốc bộ phận Phòng chống HIV/AIDS, thuộc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và Phòng ngừa nói, việc áp dụng công nghệ sẽ tăng cường hiệu quả điều trị cho người bệnh nhờ hỗ trợ bác sĩ và điều trị viên về thực hiện đầy đủ lịch biểu khám chữa bệnh.
Tháng 9-2011, một nhóm các nhà khoa học từ Mỹ và châu Âu phối hợp Học viện Hoàng gia London của Anh vào đã công bố phát hiện của mình rằng việc loại bỏ các cholesterol từ màng của một phân tử HIV có thể giữ cho các vi rút không gây tổn hại đến hệ thống miễn dịch.
Khi đó, các tế bào lympho T có thể tiêu diệt virus hữu hiệu hơn. Giáo sư Adriano Boasso thuộc Học viện mô tả: “Việc này giống như một đội quân đã bị tước vũ khí nhưng vẫn cầm cờ hiệu để cho đối phương có thể nhận biết và tiêu diệt chúng”.
Lớp màng chứa cholesterol là cầu nối tương tác giữa chúng với các loại tế bào. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra cách vô hiệu hóa hoạt động virus và điều trị vắc-xin phòng bệnh.
Từ trước đến nay, các nhà khoa học chỉ chú trọng xem xét cách thức mà liệu pháp gen tác động lên ảnh hưởng của HIV lên người nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra một vai trò hoàn toàn độc đáo khác của liệu pháp gien trong việc lây truyền HIV.
Bằng việc sử dụng máy tính mô phỏng để giả định người nhiễm HIV nhận được phương pháp điều trị bằng liệu pháp gen nhằm ngăn chặn tác động của virus, số liệu cho thấy, người bệnh sẽ ít có nguy cơ lây nhiễm HIV cho đối tác có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, điều đặc biệt là nếu đối tác cũng đã lây nhiễm, liệu pháp gen sẽ truyền cả các vật liệu có tính chữa bệnh sang đối tác này và làm yếu virus HIV trong người họ.
Phát hiện đặc biệt trên nhờ vào màn “đánh cược” của các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu. Khi biện pháp hóa trị liệu thất bại, các nhà khoa học thuộc ĐH Pennsylvania đã thử cách mới: họ loại tách lấy một tỷ tế bào T của bệnh nhân bằng việc lấy máu, truyền cho chúng một dạng HIV đã bị vô hiệu hóa để cho phép chúng mang theo các gen chống lại ung thư, sau đó đưa lại các tế bào T vào trong cơ thể người bệnh.
Phương pháp di chuyển tế bào đầy rủi ro nhưng có tác dụng hướng dẫn cho hệ thống miễn dịch cách tiêu diệt tế bào ung thư. Các dấu hiệu bệnh bạch cầu ngày càng thuyên giảm ở người bệnh.
Các bác sĩ đã quan sát, các tế bào biến đổi giống như “tên giết người hàng loạt” khi tấn công và phá hủy ít nhất 1.000 tế bào ung thư.
Tuy nhiên, các bác sĩ cần nhiều bằng chứng và thực nghiệm để bảo đảm hiệu quả của phương pháp này.
Tiến sĩ Carl June, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu: “Thử nghiệm đã hoàn toàn vượt quá những trí tưởng tượng điên rồ nhất của chúng tôi”.
Tháng 3-2011, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH California ở San Francisco vừa phát hiện rằng, việc đo mức độ của Reyataz-một loại chất điều trị HIV sử dụng “anti-retroviral” (ARV) của người, trong sợi tóc của người bệnh là cách tốt nhất để xác định mức độ kiên trì của họ với việc điều trị.
Việc duy trì mức ARV thích hợp trong máu là chìa khóa giúp việc ngăn HIV phát triển các dạng kháng thuốc. Vì vậy, việc kiên trì chữa trị, uống thuốc đủ liều lượng vào thời gian chính xác là cực kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, phần lớn thất bại trong điều trị diễn ra ngay năm đầu tiên khi người bệnh sử dụng thuốc ARV là do họ không tuân thủ đúng việc uống thuốc.
Nghiên cứu tiến hành trên một nhóm phụ nữ. 77 % trong số những người phải áp dụng pháp đồ điều trị thuốc, đều khăng khăng rằng mình đã sử dụng đủ 95 % số liều lượng Reyataz. Tuy nhiên, việc lấy mẫu tóc xét nghiệm đã cho kết quả ngược lại nhằm chứng minh họ đã “gian dối” trong điều trị. Chỉ 20 % trong số này đã kiên nhẫn sử dụng đủ liều thuốc.
(Nguồn: KH)