Những đóng góp xứng đáng của ngành kế hoạch và đầu tư tỉnh

30/12/2010 07:24

Trải qua nhiều giai đoạn, ngành KH-ĐT tỉnh đã trực tiếp tham mưu giúp các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH...


Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh giới thiệu với Đoàn tham tán kinh tế các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài về tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư vào Hải Dương. Ảnh: PV

Ngày 31-12- 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc và ngày này đã trở thành mốc lịch sử ghi nhận sự ra đời và trưởng thành của ngành kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT). Ngày 8-10-1955, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Kế hoạch quốc gia. Theo đó, các cơ quan kế hoạch từ Trung ương đến các địa phương trên miền Bắc được thành lập. Tỉnh Hải Dương khi đó mới hình thành Tổ Kế hoạch- Thống kê. Đến năm 1959, Ban Kế hoạch tỉnh được thành lập. Ngày 26-7-1960 được đổi tên thành Ủy ban Kế hoạch tỉnh. Ngày 21-10-1995, Quốc hội ra nghị quyết thành lập Bộ KH-ĐT, từ đó tỉnh đổi tên thành Sở KH-ĐT.

Trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, ngành KH-ĐT tỉnh đã trực tiếp tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chính quyền các cấp xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, về đầu tư nước ngoài; phối hợp với các ngành giám sát việc thực hiện kế hoạch Nhà nước ở mọi lĩnh vực.

Trong 25 năm đổi mới, chuyển từ nền kinh tế với cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự quản lý của Nhà nước, kinh tế - xã hội tỉnh ta đã có bước tiến vượt bậc. Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, ngành KH-ĐT cùng các ngành khác tham mưu cho tỉnh, hướng vào thực hiện ổn định tình hình kinh tế- xã hội và chính trị, sớm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và lạm phát, tạo tiền đề đẩy nhanh sự phát triển trong các giai đoạn tiếp theo; đưa nền kinh tế đi vào thế ổn định, có tốc độ tăng trưởng nhất định; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư theo chiều sâu, hiện đại hoá các cơ sở kinh tế, tập trung cho làm hàng xuất khẩu; tiếp tục đổi mới một cách đồng bộ cơ chế quản lý nhà nước và cơ chế quản lý sản xuất, kinh doanh, chuyển hẳn sang cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các chế tài khác. Những năm gần đây, trong kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, vừa bảo đảm lương thực, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, gắn với phân công lại lao động nông nghiệp và nông thôn. Tập trung xây dựng vùng chuyên canh rau, củ, quả, sản xuất rau sạch; hình thành nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xuất khẩu. Trong công nghiệp, phát huy lợi thế, hình thành các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN); phát triển công nghiệp mũi nhọn như sản xuất vật liệu xây dựng, may, giày xuất khẩu, cơ khí, lắp ráp chế tạo. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đi vào hoạt động, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà. Từng bước tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, nâng cao tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế. Thu ngân sách từ 500 tỷ năm 2000 lên 2.450 tỷ năm 2005 và 4.500 tỷ năm 2010.


Do thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.600 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 29 nghìn tỷ đồng. Trong ảnh: Công ty CP Thép Hòa Phát ở Khu liên hợp gang thép Hòa Phát, xã Hiệp Sơn (Kinh Môn) tạo việc làm cho trên 1.000 lao động, mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, doanh thu năm 2010 đạt 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 400 tỷ đồng. Ảnh: Thành Chung


Trong 5 năm trở lại đây, ngành KH-ĐT tỉnh đã góp phần đắc lực để tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 9,7%/năm (cả nước tăng 6,9%/ năm). Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm đạt trên 73,5 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 24,7%/năm; giá trị hàng hoá xuất khẩu tăng 55,7%/năm (năm 2010 đạt trên 1 tỷ USD); thu ngân sách nội địa tăng 16,7%/năm. Xu hướng tập trung hoá sản xuất công nghiệp ngày càng rõ nét. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 KCN tập trung nằm trong danh mục các KCN dự kiến ưu tiên thành lập đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 7 khu đã được đầu tư cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động. Quy hoạch 38 CCN trên địa bàn các huyện, thành phố. Bằng các chính sách thu hút đầu tư, đến nay toàn tỉnh có 4.644 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 29 nghìn tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có 742 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận thuê đất với tổng vốn đầu tư gần 26 nghìn tỷ đồng; 202 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 2,6 tỷ USD. Nhiều dự án mới đi vào hoạt động, làm tăng năng lực và quy mô sản xuất của một số ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, luyện thép, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, điện thương phẩm... Qua đó định hướng rõ nét Hải Dương đang trên đường trở thành một tỉnh công nghiệp.

Ngành KH-ĐT tỉnh đã tích cực cải cách hành chính, làm tốt công tác xây dựng kế hoạch với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Trong công tác cải cách hành chính Sở KH-ĐT đã tích cực triển khai thực hiện Đề án 30 về Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010. Ngành luôn đi đầu thực hiện mô hình "một cửa" và "một cửa liên thông", tiến tới hình thành trung tâm dịch vụ hành chính công hiện đại. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản và hợp lý hóa các trình tự thủ tục, nhằm rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và công dân. 100% số hồ sơ được trả đúng thời gian mà đề án quy định, trong đó có gần 30% trả sớm 1 hoặc 2 ngày. Hải Dương cũng đã được Bộ KH-ĐT, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) lựa chọn là tỉnh làm điểm về triển khai hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia. Ngày 25-5-2010, tại Sở KH-ĐT tỉnh, qua hệ thống mạng quốc gia đã đăng ký kinh doanh cho ra đời Công ty TNHH Kyoto Việt Nam, lần đầu tiên tại Hải Dương. Trên cơ sở những thành tích đã đạt được, Sở KH-ĐT đã được UBND tỉnh Hải Dương tặng Bằng khen trong dịp tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của ngành 65 năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ KH-ĐT, cũng như sự phối hợp của các cấp, các ngành ở địa phương, các thế hệ cán bộ, công chức ngành KH-ĐT tỉnh đã tiếp bước đi lên, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Nhiều năm liên tục, đảng bộ, cơ quan, công đoàn, đoàn thanh niên luôn đạt trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Với thành tích trong nhiều thời kỳ đóng góp cho phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà, Sở KH-ĐT tỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (năm 1995), hạng nhì (năm 2000), hạng nhất (năm 2005).

NGUYỄN DƯƠNG THÁI
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những đóng góp xứng đáng của ngành kế hoạch và đầu tư tỉnh