Những điểm mới cần quan tâm

15/08/2015 14:58

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo và xin ý kiến các cấp, các ngành, các DN, tổ chức, cá nhân để xây dựng Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1- 7- 2015. Sau hơn 1 tháng thực hiện, không ít doanh nhân cho rằng, cứ ngành nghề nào mà luật không cấm là doanh nghiệp được tự do kinh doanh, không phải đăng ký hoặc tuân thủ bất kỳ một quy định nào. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều vấn đề mà doanh nghiệp, doanh nhân cần quan tâm khi thực hiện.

Bình mới, rượu mới

Là người trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2014, cũng như nghiên cứu rất kỹ luật khi ban hành, trước hết tôi thấy DN vẫn phải ghi ngành nghề kinh doanh (NNKD) trong hồ sơ đăng ký DN. Mỗi khi DN thay đổi, bổ sung NNKD thì vẫn phải gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Nghĩa là hồ sơ do DN thành lập vẫn phải ghi NNKD như cũ, chỉ khác là không ghi trong giấy chứng nhận đăng ký DN do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp. Vì vậy, có DN cho rằng, vẫn chỉ là "bình mới, rượu cũ" nhưng thực sự đã có những thay đổi rất quan trọng so với trước. Trước đây, DN nhất định phải có ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký DN rồi mới được đi kinh doanh còn nay nếu DN thấy có cơ hội kinh doanh thì có thể kinh doanh ngay. Sau đó trong một thời gian nhất định, DN phải thông báo bổ sung NNKD để cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thì vẫn đúng luật. Hơn nữa, theo quy định mới, khi DN muốn bổ sung NNKD (một trong những nội dung bị thay đổi nhiều nhất) thì chỉ cần gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh mà không phải cấp mới giấy chứng nhận đăng ký DN (do giấy này không ghi ngành nghề), nên sẽ rất thuận lợi cho DN.

Tự do trong khuôn khổ

Theo Luật DN năm 2014, từ ngày 1-7-2015, DN sẽ không phải nộp chứng chỉ hành nghề, văn bản xác nhận vốn pháp định khi đăng ký DN. Đây được đánh giá là điểm thông thoáng và không gây khó khăn khi DN khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, do được đăng ký tất cả những gì mà pháp luật không cấm mà không có bất cứ rào cản nào như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định nên nhiều DN đã tranh thủ đăng ký thêm rất nhiều ngành nghề. Thậm chí đã có DN mà ngành nghề chính trong tên DN ghi là xây dựng nhưng lại đăng ký một loạt ngành nghề về bệnh viện, phòng khám đa khoa, nhà thuốc, buôn bán dược phẩm, phẫu thuật thẩm mỹ…

Sự thay đổi mạnh mẽ này đã  khiến không ít cơ quan nhà nước, người dân, DN không theo kịp. Vì vậy, đã xuất hiện trường hợp có DN cầm theo giấy xác nhận ngành nghề đến "đấu" với Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) là do phòng cấp nên DN được kinh doanh, được chữa bệnh, bây giờ vi phạm thì phòng phải chịu trách nhiệm liên đới. Có giám đốc DN khi người dân phản đối do gây ô nhiễm môi trường đã phát biểu kiểu bất cần với người dân là DN được đăng ký ngành nghề thu gom, tái chế phế liệu, phế thải, thế là hợp pháp, vì thế DN được làm, ai làm gì được DN...

Có thể thấy rằng, tâm lý đi buôn, chạy theo xu thế nhất thời được thể hiện rất rõ. Nhiều DN đã đăng ký rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau mà không có bất cứ sự liên quan, hỗ trợ gì cho nhau, dù xét về luật thì không sai và hoàn toàn được phép. Tuy nhiên, việc này chứng tỏ những DN đó chưa có một chiến lược xuyên suốt, đăng ký kiểu "đi câu". Có DN nhỏ và vừa sản xuất, kinh doanh dệt may đã khó lại đăng ký làm cả bất động sản, khai thác mỏ, vận tải cả đường sắt, đường bộ, đường không, kinh doanh dịch vụ văn phòng…

Mặc dù quy định như vậy, nhưng khoản 1, điều 7,  Luật DN năm 2014 đã quy định đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc đã được Hiến pháp quy định: Người dân được tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, “tự do” không có nghĩa DN (cả trong và ngoài nước) có thể kinh doanh bất cứ ngành nghề nào mà không gặp "rào cản" gì. Cụ thể là, Luật Đầu tư năm 2014 nêu 267 ngành nghề không thuộc danh mục cấm nhưng lại có điều kiện. Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế kinh doanh trong một số lĩnh vực. DN luôn phải đáp ứng đủ điều kiện khi kinh doanh ngành, nghề có điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới được kinh doanh ngành nghề đó, đồng thời phải bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, với NNKD bất động sản, Luật DN năm 2014 không yêu cầu DN phải có xác nhận vốn pháp định khi thành lập DN như trước, nhưng khi DN kinh doanh ngành nghề này đương nhiên phải đủ vốn pháp định là 20 tỷ đồng theo quy định tại khoản 1, điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản...

Có thể khẳng định, khâu tiền kiểm đã được thực hiện tốt theo quy định của Luật DN năm 2014 nhưng khâu hậu kiểm còn rất nhiều vấn đề. Vì vậy, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với DN phải được phân định rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể. Các cơ quan nhà nước quản lý DN theo từng ngành, lĩnh vực hoạt động kinh doanh. DN kinh doanh đa ngành nghề chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhà nước; mỗi cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của DN theo từng ngành, lĩnh vực tương ứng. Nhằm tăng cường công tác hậu kiểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo và xin ý kiến các cấp, các ngành, các DN, tổ chức, cá nhân để xây dựng Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký.

LÊ XUÂN HIỀN, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điểm mới cần quan tâm