Mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió không chỉ gây thương nhớ cho du khách bởi màu đất đỏ bazan mà còn bởi thiên nhiên nơi đây nên thơ và cổ tích đến nhường nào.
Tây Nguyên là vùng cao nguyên thuộc miền Trung Việt Nam bao gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Nơi đây là địa bàn cư trú của hơn 20 dân tộc thiểu số với đa dạng nền văn hóa khác nhau. Điều này đã tạo nên nét đẹp riêng biệt cho mảnh đất này.
Điều đặc biệt của mảnh đất Tây Nguyên còn gắn liền với những câu chuyện truyền miệng của người dân tộc Jrai, Êđê, Ba Na… Khi được hỏi về nguồn gốc tên gọi các địa danh nổi tiếng ở nơi đây, người dân địa phương sẽ kể những câu chuyện đầy 'huyền bí' khiến du khách vừa tò mò vừa thích thú.
1. Núi lửa Chư Đăng Ya
Núi lửa Chư Đăng Ya
Đến với Tây Nguyên chắc chắn bạn không thể bỏ qua núi lửa Chư Đăng Ya nằm cách trung tâm thành phố Gia Lai khoảng 30km.
Chư Đăng Ya theo tiếng đồng bào J’rai có nghĩa là củ gừng dại. Đây là một trong những ngọn núi lửa đã từng hoạt động dữ dội ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm. Từ trên cao nhìn xuống, Chư Đăng Ya như một cái phễu khổng lồ, miệng núi tròn rỗng mang sắc đỏ màu mỡ đã được những lớp nham thạch tạo nên qua hàng triệu năm lịch sử.
Vào mùa khô, đường lên đỉnh núi được ví như đường tiên cảnh với những rặng hoa dã quỳ nở vàng ruộm, xen giữa những tán chè xanh mơn mởn, đằng xa là ánh mặt trời lấp ló sau những rặng núi hùng vĩ.
Hành trình lên miệng núi lửa thật sự không dễ dàng khi phải liên tiếp leo những sườn dốc thoai thoải, có khi thẳng đứng. Song khi đã chinh phục được đỉnh núi, bạn sẽ thỏa sức ngắm nhìn cảnh vật vùng thôn quê mộc mạc yên bình, được hít hà hương đồng cỏ nội và thả hồn phiêu lãng cùng đám mây trắng bồng bềnh.
Núi lửa Chư Đăng Ya
2. Thác nước Dray Sáp
Tọa lạc tại xã Đăk Sôr thuộc tỉnh Đắk Nông là con thác Dray Sáp hùng vĩ nằm trên dòng sông Sêrêpốk
Thác Đray Sáp còn có tên gọi nữa là thác Chồng, nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 30 km về hướng Nam. Cách thác Đray Sáp không xa là thác Đray Nur (hay thác Vợ
Chiều cao của thác Dray Sap là khoảng 20m và chiều rộng cực kỳ ấn tượng, lên đến tận gần 100m. Dòng nước hùng vĩ đổ từ trên cao xuống tạo thành những dòng nước trắng xóa như màu khói. Và đó cũng là nguồn gồc ra đời của tên thác Dray Sáp, bởi trong tiếng Ê đê, từ này có nghĩa là khói.
Câu chuyện sự tích xoay quanh con thác này hẳn cũng sẽ khiến nhiều người tò mò. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa, khi mà con sông Sêrêpók vẫn là một dòng nước nhỏ chảy quanh và là ranh giới phân định 2 ngôi làng ở đây. Có một đôi trai gái ở 2 làng đã đem lòng yêu nhau nhưng bị gia đình 2 bên cấm đoán. Vì không còn cách nào khác để bên nhau trọn đời, đôi trai gái đã cùng nhau gieo mình xuống dòng sông. Kể từ lúc đó, địa điểm này bỗng hay nổi lên những cơn thịnh nộ với những cơn sóng to và nguy hiểm, con sóng tách dòng sông thành hai nhánh khác nhau, một trong hai nhánh sông đó đã tạo nên ngọn thác Dray Sap hùng vĩ của ngày nay.
Năm 1993, dòng thác này đã được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia. Con thác tựa mình bên vách đá sừng sững, đằng xa là bầu trời xanh trong vắt tạo nên một bức tranh thủy mặc đẹp tuyệt trần.
Thác Dray Sáp
3. Bảo tàng Thế giới cà phê
Bảo tàng thế giới cà phê
Một khi đã ghé thăm thành phố Buôn Mê Thuột, những tín đồ ưa xê dịch chắc chắn không thể bỏ lỡ một địa điểm check-in vô cùng nổi tiếng, đó là Bảo tàng Thế giới cà phê. Dù mới được xây dựng và khánh thành trong những năm trở lại đây nhưng Bảo Tàng Thế giới Cà phê lại là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất.
Bảo tàng có kiến trúc độc đáo được lấy cảm hứng từ ngôi nhà dài của người Ê đê và mái nhà rông Tây Nguyên.
Tại đây, du khách sẽ được tham quan và tìm hiểu về lịch sử cà phê Việt Nam cũng như thế giới bằng hình thức quét mã QR - một hình thức hoàn toàn khác biệt so với nhiêu bảo tàng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, mỗi ngày Bảo tàng sẽ phục vụ miễn phí một loại cà phê khác nhau, tạo nên một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và hấp dẫn.
Không chỉ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật quý, thử thức uống cà phê đặc trưng mà những background độc lạ - nơi 'sản sinh' ra những bức ảnh đậm chất nghệ thuật chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Bảo tàng thế giới cà phê
4. Buôn Đôn
Buôn Đôn
Sẽ thật phí hoài nếu đến Đắk Lắk mà bỏ qua Buôn Đôn – ngôi nhà của những chú voi. Bài hát tuổi thơ ‘Chú voi con ở Bản Đôn’ của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam chính là viết về địa danh này. Theo nhiều người kể lại, chú voi con trong bài hát là chú voi con mà nhạc sĩ đã gặp ở Buôn Đôn, Thành phố Buôn Mê Thuột.
Buôn Đôn nổi tiếng với việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Người dân ở đây phải dành cả tháng trời để săn và thuần dưỡng một chú voi.
Sau khi săn về, các gru (người săn voi) sẽ dùng những chiếc dây thừng được làm bằng da trâu vô cùng chắc chắn để thuần phục chúng. Họ đem voi đến một bãi đất trống để chăm sóc và 'dạy voi học' trong vòng một tháng. Sau đó voi sẽ được đem về và trở thành một thành viên của buôn làng.
Đến với buôn Đôn, khách du lịch sẽ được trải nghiệm dịch vụ cưỡi voi. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các tổ chức bảo vệ động vật đã kêu gọi ngừng cung cấp dịch vụ này để bảo vệ những chú voi khỏi bị tổn thương và bạo hành.
Không chỉ được trải nghiệm cưỡi voi, du khách đến buôn Đôn thường thích thú với những cây cầu treo được bắc qua hàng cổ thụ khổng lồ, nối liền Buôn Đôn với một hòn đảo nhỏ nằm giữa dòng sông Sêrêkốp. Đi qua cầu treo chòng chành theo nhịp bước chân, ngắm nhìn những tán cây cổ thụ xanh mướt, nghe tiếng dòng nước sông chảy cuồn cuộn có lẽ là một trong những trải nghiệm thú vị nhất khi đến với mảnh đất Tây Nguyên mà không nơi nào có được.
Buôn Đôn - Cầu treo
Theo Vietnamnet