Sau Cách mạng Tháng Tám, sự chuyển biến về đội ngũ sáng tác, đề tài đi liền với thời đại mới tạo ra những dấu ấn trong sự phát triển của văn học Hải Dương.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa thường xuyên về giảng dạy cho các lớp sáng tác văn học trẻ do
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức
Kỷ nguyên mới trong văn chươngCách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng được thành lập đã làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và cũng tạo ra một kỷ nguyên mới trong văn học Hải Dương. Những nhà văn của giai đoạn trước như Thâm Tâm, Vũ Đình Liên, Mạnh Phú Tư tiếp tục sáng tác trong cảm hứng mới về sự đổi thay của quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, sự thay đổi về thời cuộc còn làm xuất hiện một lớp nhà văn mới là những thanh niên có học, lớn lên trong kháng chiến chống Pháp và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Họ là cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, là công nhân, nông dân… Họ cầm bút sáng tác với tấm lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội nồng nàn. Vì thế, theo tiếng gọi của Đảng, nhiều người không ngại gian khổ, khó khăn, xung phong tới những nơi còn gian khó, thậm chí hiểm nguy để chiến đấu và sáng tác.
Lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, căm thù giặc, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là nội dung sáng tác chủ yếu trong giai đoạn 1945-1975. Nhiều cây bút viết văn, làm thơ bắt đầu định hình phong cách sáng tác, gây dựng được tên tuổi trên văn đàn của cả nước. Trong lĩnh vực văn xuôi, có các tác giả như: Nguyễn Luận, Triều Dương, Nguyễn Phúc Lai...Trong sáng tác thơ có các tác giả: Nguyễn Hữu Phách, Vũ Đức Dật, Văn Anh, Mai Thanh Chương... Có những tác phẩm đã đoạt giải trong các cuộc thi sáng tác văn học của Trung ương như: Bài thơ “Một tổ trồng cây” (Mai Thanh Chương) đoạt giải nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1965-1966; hai bài thơ: “Suy nghĩ trong buổi đón Huy hiệu Bác Hồ” và “Cánh đồng năm tấn Nguyễn Văn Bé” (Nguyễn Hữu Phách) đoạt giải ba cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1969-1970; truyện ngắn “Mắt bão” (Triều Dương) đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1970-1971. Qua những tác phẩm đoạt giải này, văn học và con người Hải Dương được biết đến rộng rãi hơn trong cả nước, đồng thời cũng khích lệ tinh thần sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Nhắc đến văn học Hải Dương giai đoạn này, không thể không kể đến hiện tượng “Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách). Là cậu bé gắn bó với con sông, cánh đồng, cuộc sống chân chất của người dân thôn quê, Trần Đăng Khoa đã chuyển tải tất cả những hình ảnh đó vào thơ một cách hồn nhiên, chân thật mà tinh tế. Có những câu thơ tinh tế đến độ nhiều người lớn sành sỏi thơ ca cũng phải ngả mũ như hai câu thơ tái hiện không khí linh thiêng, tĩnh lặng ở Côn Sơn:
“Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”7 tuổi bắt đầu làm thơ, 8 tuổi nổi tiếng, 10 tuổi in tập thơ đầu tiên “Góc sân và khoảng trời", Trần Đăng Khoa đã khơi nguồn cảm hứng thơ ca cho rất nhiều các cây bút cùng thế hệ ông và cả sau này. Ông đã ba lần được tặng giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong (các năm 1968, 1969, 1971), Giải nhất báo Văn nghệ (1982) và Giải thưởng Nhà nước (năm 2000).
Có thể nói giai đoạn 1945-1975 là bước chuyển mình mạnh mẽ của văn học Hải Dương với đội ngũ, cảm hứng và đề tài sáng tác mới, gắn liền với sự chuyển mình của địa phương trong bối cảnh đổi thay chung của toàn đất nước. Đó là nền móng vững chắc cho sự phát triển của văn học tỉnh nhà những năm tháng sau này.
Sôi nổi phong trào văn học địa phươngNăm 1975, đất nước thống nhất, cuộc sống thời hậu chiến dần đi vào ổn định, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phong trào văn nghệ địa phương, trong đó văn học đóng vai trò quan trọng. Những con người trước đây còn mải lo chiến đấu với kẻ thù, sản xuất ủng hộ miền Nam ruột thịt, nay mới có điều kiện cầm bút viết lên những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Vốn là vùng đất văn hiến lâu đời nên phong trào sáng tác thơ ca, hò vè, kịch bản sân khấu của Hải Dương (khi đó là tỉnh Hải Hưng) phát triển mạnh. Các cây bút xuất hiện ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Các trại sáng tác văn học, kịch bản sân khấu được mở với sự phối hợp của các ngành: giáo dục, công an, quân đội, công đoàn. Điều đó chứng tỏ sáng tác văn học luôn được tỉnh nhà coi trọng và tạo điều kiện. Mặc dù kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn cả giấy, mực in, Ty Văn hóa vẫn tổ chức xuất bản được tập san Văn nghệ 3 tháng ra 1 số; phát hành các ấn phẩm “Người trong tuyến lửa” (năm 1967), “10 năm thơ Hải Hưng”… Từ những năm 1990 trở lại đây, phong trào sáng tác văn học ở các địa phương càng phát triển rầm rộ với sự ra đời của hàng loạt các câu lạc bộ thơ. Thành viên các câu lạc bộ này chủ yếu là những người lớn tuổi yêu thích văn chương.
Một dấu ấn quan trọng của văn học Hải Dương sau năm 1975 là sự thành lập Hội Văn học nhệ thuật tỉnh năm 1978. Hội là nơi tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, động viên mọi lực lượng văn nghệ nòng cốt của tỉnh để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật, phục vụ tích cực hơn nữa công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc. Từ khi thành lập hội, hoạt động sáng tác văn học trở nên sôi nổi trên diện rộng và có chất lượng cao hơn. Số lượng các tác giả đông lên, nhiều tác giả có sách xuất bản riêng (trước đó thường chỉ in chung). Tiêu biểu trong lĩnh vực văn xuôi có: Nguyễn Phúc Lai, Đỗ Thị Hiền Hòa, Văn Duy, Huy Khoát, Nguyễn Thị Việt Nga..., trong lĩnh vực thơ có: Văn Anh, Vũ Đức Dật, Hà Cừ, Khúc Hà Linh, Nguyễn Việt Thanh, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Ngọc San… Các tác giả đoạt các giải thưởng văn học của Trung ương cũng tăng lên, tiêu biểu có: Nguyễn Phúc Lai đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ với truyện “Ngô giống ở Châu Sa”, giải ba cuộc thi bút ký báo Văn nghệ với bút ký “Lúa Nhật ở Mỹ Văn”; Đỗ Thị Hiền Hòa đạt giải B cuộc thi sáng tác cho trẻ em do Hội Nhà văn Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em tổ chức, với tác phẩm “Trẻ con không sợ ma”; Nguyễn Thị Bích đoạt giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật năm 1995 với tập thơ “Thơ một thời yêu”… Hội Văn học nghệ thuật đã xuất bản nhiều tập sách chung và riêng cho các tác giả hội viên; cho ra đời Tạp chí Văn nghệ, sau này đổi tên là Côn Sơn, Văn nghệ Hải Dương, là diễn đàn văn học nghệ thuật thu hút đông đảo các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia.
Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn - Hải Dương được UBND tỉnh trao 5 năm một lần cho các tác giả xuất sắc là một dấu ấn ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Đến nay, giải đã được trao 6 lần, 286 tác phẩm đoạt giải, trong đó có 21 giải A, 62 giải B, 110 giải C và 93 giải khuyến khích.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, sự phát triển của văn học Hải Dương luôn gắn liền với sự đổi thay của quê hương, đất nước. Những thành tựu của nền văn học tỉnh nhà cần tiếp tục phát huy và có những điều chỉnh về đề tài, bút pháp, thể loại cho phù hợp với xã hội đang ngày càng phát triển.
VIỆT HÒA