Những cửa mở cuối cùng

28/04/2013 10:49

Vào những ngày cuối tháng 4-1975, khi 5 cánh quân của ta đã khép chặt vòng vây quanh Sài Gòn, thì số phận của chế độ ngụy quyền tay sai Mỹ hầu như đã được định đoạt.


Mặc dù vậy, sự kháng cự để tử thủ vẫn rất quyết liệt với những hy vọng mong manh cuối cùng của chúng.

Vì thế, các binh đoàn đều phải vượt qua những cửa mở quan trọng trước khi tiến vào thành phố. Ở hướng tây, tây bắc và đông bắc, các trận đều diễn ra dồn dập vào các ngày 27, 28, 29 và sáng 30-4-1975.

Theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Thành đội Sài Gòn, Trung đoàn 1 Gia Định mở mũi đột phá vào khu vực Hóc Môn - Bà Điểm, là điểm nút án ngữ bảo vệ Sài Gòn từ phía tây, đánh chiếm mục tiêu, giữ vững cửa mở cho Binh đoàn 232 sau khi đập tan tuyến phòng thủ Đức Hòa - Long An.

1 giờ 30 đêm 28-4, Tiểu đoàn 194 biệt động nổ súng tấn công phân chi khu Xuân Thới Thượng ở khu vực ngã ba Giồng. Bao vây bức rút bót Nhà Tô và tiêu diệt tiểu đoàn thủy quân lục chiến địch. Quân số địch tại đây gấp đôi quân số tiểu đoàn 194 và được trang bị rất mạnh. Nhưng với chiến thuật vây ép, kết hợp quần chúng làm binh vận, kêu gọi địch đầu hàng, đơn vị đã tiêu diệt và đánh tan rã hoàn toàn quân ngụy tử thủ trong vòng hơn 10 giờ đồng hồ, giải phóng toàn bộ xã Xuân Thới Thượng. Ta hy sinh một và bị thương 2 đồng chí.

Cùng ngày, Tiểu đoàn l, Trung đoàn 1 Gia Định nổ súng tấn công phân chi khu Bà Điểm vào lúc 4 giờ sáng. Địch cố thủ trong các công sự chống trả quyết liệt. Đến 8 giờ ngày 29-4, đơn vị chưa mở được cửa mở. Ta hy sinh 2, bị thương 3 đồng chí, phải chuyển sang vây lấn. Trận đánh giằng co cho đến 11 giờ mới kết thúc. Ta làm chủ toàn bộ mục tiêu và triển khai truy lùng bọn tàn binh. Như vậy các mục tiêu quan trọng trên lộ 239 chạy về cầu Tham Lương đã bị Trung đoàn Gia Định quét sạch. Cánh cửa phía tây đã mở toang.

9 giờ đêm 29-4, các chiến xa hạng nặng T54 dẫn đầu Binh đoàn 232 ào ạt tiến vào và trụ lại khu vực Bà Điểm, chờ sáng hôm sau tiến vào mục tiêu cuối cùng là Biệt khu thủ đô. Trước khi tới Bà Điểm, vào lúc 16 giờ, các mũi đột phá của binh đoàn đã đánh tan quân địch ở Hậu Nghĩa, Đức Hòa, giải phóng hoàn toàn khu vực này.

Ở hướng tây bắc, theo quốc lộ 1 (nay là lộ 22) từ Tây Ninh vào Sài Gòn, đến ngày 27-4 còn 3 nút án ngữ lớn của địch là Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn. Quân đoàn 3 với sức tấn công mãnh liệt của xe tăng T54 và K63, đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng nổi dậy tại chỗ tấn công tiêu diệt, đánh tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng nhân dân. Đặc biệt, tại căn cứ Đồng Dù - Củ Chi của Sư đoàn 25 ngụy, địch ngoan cố chống trả nhưng cũng nhanh chóng bị đè bẹp. Sau 2 đêm thức trắng, Quân đoàn 3 đã có mặt trước cửa ngõ Sài Gòn. Sáng 30-4-1975, Quân đoàn sẽ vượt qua cửa mở cuối cùng vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Chưa bao giờ đơn vị hành quân với đội hình lớn như vậy với chiều dài 15 km, rực rỡ sắc cờ giải phóng xanh đỏ trên các tháp xe tăng. Cả quân đoàn là một mũi tiến công, tất cả các quân binh chủng đều hành quân bằng cơ giới, chia làm 7 khối. Khối xung kích có xe bọc thép K63 dẫn đầu cắm lá cờ lớn, trên xe đặt một khẩu trung liên 12 ly 7, theo sau là T54 và xe bọc thép chờ lính bộ binh. Các pháo thủ cao xạ trên xe tăng sẵn sàng bắn máy bay và diệt địch cố thủ trên các cao ốc, bảo vệ bộ phận xung kích.

Trời sáng rõ, đơn vị xung kích dồn vào đường Phạm Hồng Thái giữa hai dãy phố cao tầng. Binh đoàn như con nước cả ở khúc sông rộng đột ngột dồn vào khúc hẹp, như bị ứ nghẹn. Đến ngã tư Bảy Hiền. Đây chính là cửa mở cốt tử cuối cùng ở phía tây Sài Gòn. Anh em reo lên:

- Đến thành phố rồi!

- Ngã tư Bảy Hiền đây rồi!

Sau trận ném bom chiều 28-4 của không quân ta vào Tân Sơn Nhất, không quân ngụy như bị suy sụp. Cả đêm không thấy một chiếc nào oanh tạc. Anh em cao xạ tưởng đã "thất nghiệp". Nhưng quân địch ở trên các lầu cao bắt đầu lên tiếng. Đạn chống tăng và tiểu liên cực nhanh liên tục quét xuống. Chiếc xe tăng đi đầu bị bốc cháy, khói đen cuộn lên che kín cột đèn và biển chỉ đường. Lựu pháo chúng tuôn xuống, cả một khúc đường khét lẹt khói đạn. Các chiến sĩ ta nhảy lên tháp xe nhìn cho rõ mục tiêu và triệt từng ổ đề kháng của địch. Một chiến sĩ, rồi một chính trị viên đại đội xung kích hy sinh. Lại một xe tăng của ta bốc cháy, nhưng xung kích vẫn xông lên mở đường. Có anh la lớn:

- Được giải phóng Sài Gòn, có chết cũng sướng!

Nhiều anh em hứng khởi lặp lại câu nói "bất hủ" đó.

Các hỏa điểm địch bị dập tắt. Các quân phía tây tràn xanh cả đường Võ Tánh và Lê Văn Duyệt.
Lát sau, các chiến sĩ trinh sát reo lên:

- Chiếm được Bộ Tổng tham mưu rồi!

Mọi người đổ dồn ánh mắt về phía đó. Trên nóc nhà cao chỉ huy Bộ Tổng tham mưu, lá cờ cách mạng tung bay như ngọn lửa bùng lên trong ánh nắng ban mai rực rỡ.

Hướng bắc, Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4 mở đường tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất, đụng địch ác liệt ở Chợ Mới (Gò Vấp). Đơn vị dũng cảm chiến đấu giữ sườn trái cho Trung đoàn 115. Trong ngày 27-4, tiểu đoàn cùng nhân dân nổi dậy truy quét tàn binh địch, giải phóng toàn xã Tân Thới Hiệp và một phần xã An Phú Đông.

Hướng đông bắc, đêm 27 rạng 28-4, Tiểu đoàn 4 Thủ Đức cùng các đơn vị đặc công 115, 316 đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn. Đây là 2 vị trí tối quan trọng phải giành giật với địch 3 ngày đêm liền. Các chiến sĩ ngoan cường bám trụ trận địa, chiến đấu vô cùng anh dũng, bảo vệ bằng được 2 cầu cho Quân đoàn 4 tiến vào chiếm Bộ Quốc phòng ngụy, cảng Bạch Đằng và Đài Phát thanh ngụy. Tại đây, nhiều cán bộ, chiến sĩ ngã xuống trước giờ toàn thắng của dân tộc.

Vượt qua cửa mở cuối cùng, Quân đoàn 2 tiến thẳng vào mục tiêu dinh Độc Lập. Vào lúc 11 giờ 30 ngày 30-4- 1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn.

Đó cũng là giờ phút các cánh quân ta từ các hướng như thác lũ tiến vào Sài Gòn, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

NAM SƠN

(0) Bình luận
Những cửa mở cuối cùng