Với mong muốn có việc làm ổn định, thu nhập tốt, nhiều người cố gắng học để lấy được tấm bằng đại học.
Tuy nhiên, sau khi ra trường, do không xin được việc làm, họ đành chấp nhận làm công nhân trong các nhà máy, công ty.
Trong ảnh: Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chị Nguyễn Thị Hải (ngoài cùng bên phải) quê ở
xã Cộng Hòa (Nam Sách) đang làm công nhân cho Công ty May Formostar Việt NamLàm công nhân cũng tốtTại một số công ty như Sumidenso, Phú Nguyên, Tinh Lợi, Shinst-BVT, Formostar, Makalot... đều có cử nhân làm công nhân. Công ty May Formostar Việt Nam ở xã An Châu (TP Hải Dương) có 1.400 công nhân, trong đó có trên 100 người trình độ từ cao đẳng trở lên. Chị Nguyễn Thị Hải quê ở xã Cộng Hòa (Nam Sách) cho biết: "Tôi làm công nhân đóng gói sản phẩm ở Công ty May Formostar Việt Nam được gần 1 năm nay. Trước đây, tôi học Trường Cao đẳng Tài chính - Kế toán ở Hà Nội. Sau khi học xong, tôi thi tiếp lên hệ liên thông của Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Trong quá trình học, 2 lần tôi được nhận học bổng của trường và tốt nghiệp loại khá. Tôi đã xin vào làm kế toán tại Công ty Hoàng Huy (TP Hải Dương). Tuy nhiên, thu nhập chỉ được 2 triệu đồng/tháng, không đủ chi phí cho cuộc sống nên tôi quyết định về gần nhà làm công nhân với mức lương trung bình trên 4 triệu đồng/tháng”.
Tốt nghiệp Đại học Dân lập Hải Phòng nhưng chị Nguyễn Thị Yến cũng đang làm công nhân kiểm định chất lượng của Công ty May Formostar Việt Nam. Hơn 4 năm học, gia đình chị Yến chi phí hết khoảng 160 triệu đồng. Để có tiền cho con ăn học, bố mẹ Yến phải làm lụng vất vả, vay mượn thêm. Sau khi tốt nghiệp, Yến xin vào một số nơi nhưng vẫn chưa được. Trong quá trình chờ đợi, Yến đi làm công nhân để có thu nhập.
Tại Công ty May Makalot (Thanh Hà) cũng có nhiều người tốt nghiệp đại học đang làm công nhân. Bà Nguyễn Kiều Anh, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: "Hiện công ty có nhiều công nhân có bằng đại học, cao đẳng. Tôi nhớ, đợt tuyển dụng gần đây nhất có 4 người tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, nhiều bạn trong hồ sơ xin việc hoặc phỏng vấn vì nhiều lý do không khai mình có bằng đại học". Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) cho biết, mặc dù thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng nhưng chị vẫn đang tìm cơ hội để có việc làm đúng với chuyên ngành du lịch, đỡ lãng phí công sức 4 năm ăn học.
Thừa thầy, thiếu thợNguyên nhân của tình trạng trên là do những năm qua, hệ thống các trường cao đẳng, đại học trong nước nở rộ. Ngoài việc các trường công lập tăng lượng tuyển sinh, mở thêm chuyên ngành đào tạo thì nhiều trường dân lập được thành lập mới. Có học sinh điểm thi đại học dưới mức điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng vẫn nhận được giấy báo nhập học của 2-3 trường. Cơ hội học đại học trở nên quá dễ dàng đối với học sinh tốt nghiệp THPT. Những năm gần đây, hình thức đào tạo liên thông mở rộng, nhiều bạn kiến thức hạn chế nên lựa chọn đi đường vòng, chấp nhận học trung cấp chuyên nghiệp, sau đó học liên thông lần lượt lên cao đẳng, rồi đại học. Ngoài ra, còn do tâm lý của học sinh và gia đình, nhiều người quyết tâm vào đại học bằng mọi giá dù kinh tế khó khăn.
Một thực tế là mặc dù đã được đào tạo qua đại học nhưng trình độ chuyên môn của sinh viên mới ra trường còn nhiều hạn chế. Theo bà Nguyễn Kiều Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty May Makalot, công ty chú trọng đến trình độ học vấn của người được tuyển dụng. Với người có trình độ, công ty sẽ bố trí vào vị trí văn phòng hoặc quản lý ở các bộ phận. Tuy nhiên, qua phỏng vấn, nhiều người có trình độ đại học nhưng không đáp ứng được yêu cầu. Người tuyển dụng không hiểu và không trả lời được các câu hỏi tiếng Anh, trình độ tin học văn phòng yếu, không có kiến thức thực tế để xử lý các tình huống trong đời sống xã hội... Do vậy, công ty buộc phải xếp họ vào vị trí công nhân.
Cần làm tốt công tác hướng nghiệp
Chia sẻ với chúng tôi về khó khăn khi tuyển công nhân có trình độ cao đẳng, đại học, bà Nguyễn Thị Oanh, cán bộ Phòng Nhân sự Công ty Shinst-BVT cho biết: Những người có trình độ cao đẳng, đại học mà xin làm công nhân thì thường là họ chỉ tìm việc lấp chỗ trống để chờ đợi ở chỗ khác. Do vậy dẫn đến tâm lý làm việc không ổn định. Họ không chuyên tâm cho công việc nên ít có ý định học hỏi nâng cao tay nghề. Khi họ tìm được việc tốt hơn, phù hợp với trình độ chuyên môn, họ sẽ nghỉ việc. Từ đó, công ty lại phải tuyển dụng người mới, mất thời gian đào tạo nghề.
Anh Đào Công Thái, Bí thư Huyện đoàn Ninh Giang cho biết, để hạn chế tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, buộc phải đi làm công nhân, hằng năm, Huyện đoàn đều phối hợp với Trung tâm Tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề huyện, một số trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tổ chức các buổi hướng nghiệp cho học sinh khối 12. Trong đó tập trung vào việc giới thiệu các ngành, nghề ở các trường để các em có thể lựa chọn cho phù hợp với khả năng và kiến thức của mình. Ông Nguyễn Trung Kiên, phụ trách công tác tuyển dụng Công ty May Formostar Việt Nam khuyến cáo, học sinh nên lựa chọn ngành, nghề phù hợp để tránh mất thời gian, công sức và tiền bạc cho việc học tập. Hiện nay, các công ty rất thiếu công nhân kỹ thuật tay nghề cao. Nếu được đào tạo bài bản và chăm chỉ học thêm, những người này có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao.
Trước thực trạng các trường đại học, cao đẳng mở ra nhiều, học sinh lại chưa có lựa chọn đúng đắn, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ để định hướng cho con. Tránh hiện tượng các em ra trường không xin được việc phải đi làm công nhân như hiện nay.
THANH HÀ