Những chú ý trong chăm sóc trẻ mùa tựu trường

10/09/2019 14:27

Mùa hè qua thật nhanh, những ngày tháng vui chơi thỏa thích cùng bạn bè, du lịch đây đó cùng gia đình đã qua.

Các em đã bước vào năm học mới. Tạm biệt những buổi sáng ngủ nướng không phải đến trường, tạm biệt những bữa cơm trưa của mẹ, các em đến trường.

Rất nhiều thứ, nào sách vở, áo mới, cặp mới, dép mới... rất cần thiết, nhưng đừng quên chuẩn bị tâm lý cho con nhé.

Chăm sóc sức khỏe

Năm nào cũng vậy, thời điểm các bé trở lại trường học cũng là thời điểm thời tiết oi bức khiến các bé thường dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm kết mạc, tiêu hóa như tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm và các bệnh sốt  siêu vi,... Ngoài ra, các bé rất dễ lây nhiễm từ môi trường hay từ các bạn cùng lớp. Để phòng tránh những bệnh này cần thực hiện theo khuyến cáo sau:

Tiêm phòng đầy đủ: tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc-xin sẵn có, giúp trẻ có kháng thể chống lại các bệnh.

Bổ sung vitamin C vào chế độ ăn để nâng cao sức đề kháng cho bé vào mùa nắng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: bàn tay là nơi chứa rất nhiều loại vi khuẩn do đó rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.

Tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo cho bé ngay sau đi học về để loại bỏ bụi bẩn cũng như vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến bé.

Hàng ngày nên nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ vài lần bằng dung dịch nước muối loãng natri clorid 0,9% để làm sạch mũi, mắt mỗi khi trẻ ra đường có nguy cơ hít phải bụi bẩn, tiếp xúc chất gây ô nhiễm.

    Ngoài ra, khi bé có biểu hiện mắc bệnh hoặc nghi ngờ cha mẹ cần đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là biểu hiện của bệnh nguy hiểm hay gặp ở các bé như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng. Dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết, cần đưa đến bác sĩ ngay: sốt cao đột ngột, đau đầu (thường đau sau hố mắt), mệt mỏi, đau cơ, khớp, buồn nôn và nôn, chảy máu cam, chân răng...

    nhung-chu-y-trong-cham-soc-tre-mua-tuu-truong-1
    Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng để ngừa bệnh

    Chế độ ăn đủ dinh dưỡng

    Dinh dưỡng tốt giúp các em tăng cường sức đề kháng, phòng tránh bệnh tật tốt. Do các em phải dậy sớm để đến trường đúng giờ, cha mẹ cũng tất bật chuẩn bị đi làm, thời gian buổi sáng trở nên quá ngắn, mọi người đều vội vã, một số em ăn sáng qua loa hoặc bỏ bữa sáng. Việc bỏ bữa sáng hoàn toàn bất lợi cho sức khỏe của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bữa sáng vô cùng quan trọng. Khi ăn đủ các chất dinh dưỡng trong bữa sáng, trẻ sẽ có thể lực tốt, tinh thần khỏe mạnh cả ngày. Bữa sáng các em cần được ăn đủ các thành phần dinh dưỡng gồm các chất bột đường như ngũ cốc, gạo, mỳ... cung cấp năng lượng cho các hoạt động, học tập suốt buổi sáng.

    Chất đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa... sẽ cung cấp một phần năng lượng và các vật liệu để xây dựng cơ thể của trẻ. Các loại rau, quả tươi cung cấp vitamin, chất khoáng vừa giúp tăng cường sinh lực, vừa cung cấp một lượng chất xơ. Mặc dù không cung cấp năng lượng đáng kể, chất xơ rất quan trọng vì giúp ngăn ngừa táo bón, phòng chống một số bệnh tật, phòng tránh béo phì nhờ làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm cảm giác đói, cảm giác thèm ăn.

    Vì vậy, cha mẹ cần chú trọng bữa sáng cho trẻ, giúp trẻ tăng cường sức khỏe và trí lực, mở đầu một ngày học tập mới. Nên tập cho trẻ dậy sớm hơn để có đủ thời gian ăn sáng, thực phẩm cho bữa sáng cần bổ sung hoa quả và các thực phẩm giàu chất xơ, các món ăn buổi sáng có thể là bún thịt, cá có thêm rau, giá; phở bò, cháo thập cẩm, mỳ, nui, ngũ cốc... tráng miệng bằng trái cây hoặc nước hoa quả...

    Bữa trưa ở các thành phố lớn đa số các em được ăn tại trường. Nhà trường và phụ huynh nên kết hợp để xây dựng bữa ăn phù hợp với sự phát triển của trẻ, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nên tổ chức bữa ăn xế khi trẻ ngủ dậy nhằm cung cấp thêm một phần năng lượng và dinh dưỡng cho trẻ.

    Chú ý dinh dưỡng trong bữa cơm chiều, vẫn nguyên tắc đủ 4 nhóm thực phẩm và đừng quên tăng cường rau xanh và trái cây cho trẻ. Nên bổ sung sữa trong thực đơn của trẻ ít nhất 500ml/ngày.

    Tóm lại, ngay từ khi còn nhỏ, cả gia đình và nhà trường cần tạo cho trẻ thói quen ăn đúng giờ, ăn đa dạng thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng, không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Trong mỗi bữa ăn cha mẹ nên giải thích cho trẻ tầm quan trọng của việc ăn uống hợp lý, sẽ giúp con khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật, con sẽ phát triển cân đối, cao lớn, thông minh, học giỏi. Ăn quá ít, trẻ sẽ suy dinh dưỡng, thấp bé hơn các bạn; ăn quá nhiều con sẽ bị béo phì, dễ mệt mỏi, không lanh lợi bằng các bạn, dễ bị bạn bè trêu chọc...

    Cả gia đình và nhà trường thường xuyên giáo dục trẻ ăn như thế nào cho đúng, những món ăn tốt cho sức khỏe, món ăn không tốt, không nên cho trẻ ăn quà vặt ngoài đường không đảm bảo an toàn thực phẩm, không đảm bảo dinh dưỡng. Trẻ phải được chăm sóc dinh dưỡng tốt mới phòng tránh được bệnh tật, mới có sức khỏe để học tập và đạt kết quả như mong muốn.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    (0) Bình luận
    Nổi bật
      Tin mới nhất
      Những chú ý trong chăm sóc trẻ mùa tựu trường