Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) trong các cụm công nghiệp (CCN) trở nên đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Nước thải trong cụm công nghiệp Tân Hồng (Bình Giang) gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước
Hải Dương hiện có 42 CCN được quy hoạch, trong đó 33 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút khoảng 300 dự án đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các CCN đạt khoảng 63%. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện mới có 5 CCN có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Trong số đó chỉ có CCN Lương Điền xây dựng xong hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước nhưng chưa xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Trong 33 CCN đã đi vào hoạt động, vẫn còn 19 CCN chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường (BVMT) chi tiết.
Các cơ sở kinh doanh trong CCN đều là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc hộ kinh doanh trong nước, vốn đầu tư, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu dẫn đến phát sinh nhiều chất thải. Do không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động BVMT trong các CCN không được chú trọng dẫn tới tình trạng ONMT ngày càng trở nên đáng báo động. Tại CCN Tân Hồng (Bình Giang), công tác BVMT lâu nay đã bị phó mặc cho các doanh nghiệp hoạt động trong CCN này. Nhiều năm qua, người dân ở thôn My Cầu thuộc xã Tân Hồng vô cùng khổ sở vì nguồn nước, không khí bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trong CCN này gây ra. Nước trên kênh trục đường tỉnh 392 nhiều lần chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối, không thể phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khói bụi từ CCN này cũng ngày đêm hành hạ người dân.
Đến thời điểm này, CCN Thạch Khôi (TP Hải Dương) vẫn chưa có chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng cơ sở. Vì vậy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc xử lý môi trường chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. CCN này cũng chưa xây dựng hệ thống đường gom nội bộ, chưa có hệ thống thu gom nước mặt. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung chưa được xây dựng. Toàn bộ nước mặt, nước thải thu gom chung vào mương thoát nước của cụm và chảy thẳng xuống kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng. Đây là một trong những nguyên nhân biến kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng trở thành con kênh "chết", mức độ ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng, hạn chế sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tình trạng ONMT diễn ra phổ biến ở tất cả các CCN. Do các CCN đã đi vào hoạt động nhưng đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên doanh nghiệp trong CCN đều phải tự xử lý cục bộ trước khi xả ra nguồn tiếp nhận chung của địa phương. Nhiều cơ sở công nghiệp đang hoạt động bên trong các CCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc đã xây dựng nhưng việc vận hành còn mang tính đối phó, không bảo đảm hiệu quả. Các CCN thường xuyên bị úng ngập khi trời mưa, gây phát tán chất thải vào nguồn nước mặt. Chất thải rắn được đổ, đốt không đúng quy định tại các vị trí diện tích chưa sử dụng cũng khiến tình trạng ONMT thêm trầm trọng. Công tác quản lý về môi trường gặp nhiều khó khăn do các cơ sở này thường xả trộm nước thải chưa qua xử lý vào môi trường. Kết quả quan trắc môi trường gần nhất cho thấy, nguồn tiếp nhận nước thải của các CCN, chủ yếu là các kênh mương nội đồng bị ô nhiễm nặng nề, điển hình là các tuyến kênh tiếp nhận nước thải của các CCN Tân Hồng (Bình Giang), Kỳ Sơn (Tứ Kỳ), Cẩm Thượng - Việt Hòa, Ba Hàng (TP Hải Dương)...
Để giải quyết tình trạng này, theo ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), các địa phương căn cứ nhu cầu đầu tư phát triển CCN cần lập hồ sơ thành lập Trung tâm Phát triển CCN hoặc xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN. Tăng cường kiểm tra đột xuất, quan trắc chất lượng môi trường định kỳ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp gây ONMT, tránh các sự cố ONMT đáng tiếc. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật BVMT. Có thể cưỡng chế, đình chỉ các cơ sở gây ONMT kéo dài nhưng không đầu tư xử lý môi trường theo quy định của pháp luật.
LÃ VỌNG