Nhu cầu điều trị phục hồi chức năng tăng cao

03/10/2015 07:06

Số lượng bệnh nhân đến các cơ sở điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ngày càng tăng đòi hỏi các bệnh viện phải đầu tư thêm trang thiết bị...




MTTQ TP Hải Dương phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố
hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Minh Nhượng (ở Đồng Ngọ, xã Nam Đồng) xây nhà


Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến các cơ sở điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ngày càng tăng. Điều đó đòi hỏi các bệnh viện phải đầu tư thêm trang thiết bị, tăng cường nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh.

Nhu cầu lớn

Ngay từ sáng sớm, tại Khoa Vật lý trị liệu (Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh), người bệnh đã tập trung kín dọc hành lang để chờ đến lượt trị liệu. Ông Nguyễn Văn Hùng ở phố Sơn Hòa (TP Hải Dương) bị tai nạn ô tô, liệt hoàn toàn tứ chi sau khi được điều trị tích cực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã trở về đây điều trị vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hoạt động của tay, chân. Hiện nay, ông Hùng đang điều trị đợt 2, chân tay đã cử động được, các bác sĩ cho biết điều trị hết đợt này ông có thể tự sinh hoạt cá nhân. Để có thể đi lại được, ông Hùng còn cần phải điều trị nhiều đợt nữa. Những bệnh nhân bị chấn thương nặng như ông Hùng hay các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, trẻ bại não... mỗi đợt vào điều trị tại khoa thường kéo dài khoảng 50 ngày. Nhiều người phải theo đuổi thời gian điều trị kéo dài nhiều năm liền.

Chỉ tiêu của Khoa Vật lý trị liệu hiện có 50 giường bệnh nhưng số giường thực kê đã lên tới 84 giường. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày từ 100-110 người. Số lượng bệnh nhân này cũng tăng gấp đôi so với 3-4 năm trước. Ở bệnh viện, số lượng bệnh nhân về phục hồi chức năng (PHCN) hiện cũng tăng cao, chiếm 70% tổng số bệnh nhân điều trị. Với 145 giường bệnh kế hoạch, bệnh viện đã phải kê thêm 69 giường nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu điều trị từ 230-270 người. Công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt từ 120-140%/năm.

Không chỉ ở tuyến tỉnh, tại bệnh viện tuyến huyện số lượng bệnh nhân có nhu cầu điều trị PHCN cũng tăng cao. Bệnh nhân đến khám và điều trị PHCN tại Khoa Y học cổ truyền-PHCN (Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc) hiện cũng tăng gấp 10 lần so với vài năm trước. Trước đây, khoa nằm ghép trong Khoa Nội-Nhi, mỗi ngày chỉ có từ 17-20 bệnh nhân đến khám thì nay đã tăng lên 60-100 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú cũng ngày càng đông. Khoa được giao 20 giường bệnh đã phải kê thêm 8 giường, trong khi lượng bệnh nhân điều trị trung bình hằng ngày khoảng 50 người. Bệnh nhân không chỉ ở trong huyện mà còn ở các huyện lân cận như Ninh Giang, Bình Giang, Tứ Kỳ và TP Hải Dương.

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Hiện nay, người dân có điều kiện kinh tế khá giả hơn, nhận thức cũng được nâng lên nên đã chủ động theo đuổi việc điều trị PHCN sau các đợt điều trị cấp do tai nạn, chấn thương, tai biến mạch máu não... Để đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, các bệnh viện đã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại.

Để nâng cao chất lượng và chuẩn hóa về PHCN cho bệnh nhân sau điều trị, Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN đã tập trung đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy điều trị bằng ô-xi cao áp, đo độ loãng xương toàn thân, kéo giãn cột sống, điều trị sóng ngắn, kích thích phát âm, điện xung, hồng ngoại, điện từ trường… Bệnh viện đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tổ chức lớp đào tạo chuyên sâu PHCN cho cán bộ bệnh viện và một số cán bộ bệnh viện trong và ngoài tỉnh.

PHCN ở tuyến y tế cơ sở hiện chưa thực sự hoàn chỉnh do thiếu cán bộ y tế có chuyên môn sâu. Các cơ sở y tế thường chú trọng đến khâu khám và chữa bệnh chứ chưa quan tâm nhiều đến việc PHCN sớm giúp bệnh nhân phòng ngừa được các thương tật thứ cấp và dự phòng một số biến chứng xảy ra. Khóa học trên giúp các học viên có thể tích cực tham gia chương trình PHCN vật lý trị liệu cho người bệnh tại bệnh viện và cộng đồng.

Theo ông Trương Mậu Sơn, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh, hiện nay, hầu như các gia đình bệnh nhân thường phó mặc cho bệnh viện thực hiện hoạt động PHCN cho bệnh nhân mà chưa chú trọng PHCN tại nhà, tại cộng đồng. Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN nói riêng và hoạt động điều trị PHCN nói chung cần phải hướng tới các hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng. Để làm được điều này thì cần có nhiều nguồn lực, từ kinh phí đến con người mới có thể quản lý, hỗ trợ từng gia đình bệnh nhân cách xây dựng các dụng cụ hỗ trợ PHCN phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng gia đình. Hoạt động trị liệu không chỉ hỗ trợ về vận động mà còn hỗ trợ về ngôn ngữ, tâm lý... giúp bệnh nhân phục hồi nhanh và toàn diện hơn.

MINH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhu cầu điều trị phục hồi chức năng tăng cao