Những công nhân xa quê đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống ở nơi "đất khách quê người".
Việc chăm sóc con cái luôn là nỗi lo của những công nhân xa quê
Ăn dè, hà tiệnNằm đối diện khu công nghiệp Phúc Điền, thôn Lê Xá (xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng) là nơi có nhiều công nhân ở trọ. Dù đã hơn 7 giờ tối nhưng hàng quán ở đường trục giữa thôn vẫn sáng đèn, lác đác có công nhân đi qua theo hướng vào khu công nghiệp. Một chị bán mận đang nhanh tay lựa những quả hỏng bỏ đi cho biết: “Đấy là những công nhân đi làm ca đêm. Còn muốn gặp nhiều thì phải đợi họ tăng ca đến 8 giờ mới về”.
Chờ mãi đến 8 giờ chúng tôi cũng gặp được một nhóm công nhân đi làm về. Theo chân một nữ công nhân chúng tôi vào một xóm trọ dài hun hút, phòng nào cũng đóng cửa im ỉm. Khi chị Tô Thị Chuẩn, quê ở huyện Quang Bình (Hà Giang) mở cửa phòng, sức nóng, mùi thức ăn... xộc lên muốn ngộp thở. Căn phòng chỉ rộng chừng 8 m2, phía trong phòng là khu vệ sinh khép kín đủ một người lách vào, bên ngoài kê chiếc giường sắt đã cũ sờn, một chiếc bàn ọp ẹp để nấu ăn và một kẽ hở chật chội làm lối đi lại. Mệt mỏi sau 12 tiếng lao động, chị cho biết hai vợ chồng đang làm tại Công ty TNHH Công nghệ Vĩnh Hàn Precision. Hôm nay chồng chị tăng ca nên về sau. Bữa cơm tối nay của gia đình chị Chuẩn chỉ có ít mắm thịt muối mặn mẹ gửi từ quê và chút thức ăn thừa tối qua để lại. Nhà không có tủ lạnh nên đồ ăn không còn tươi ngon. Đã vậy do vừa vội về vừa để tiết kiệm chi phí nên chị cũng không mua rau. “Phải ăn dè hà tiện thì chúng tôi mới có được chút vốn giắt lưng. Hai vợ chồng ngày nào cũng làm 12 tiếng, thỉnh thoảng lắm mới nghỉ một chủ nhật, tính ra thu nhập cũng chỉ khoảng 9 triệu đồng. Tiền nhà, tiền điện, nước mất gần một triệu. Rồi còn ăn uống, chi phí nọ kia. Ở nhà tôi còn đứa con nhỏ. Hồi cháu mới được 11 tháng tuổi đã phải gửi ông bà chăm sóc hộ. Bố mẹ hai bên đều làm nông nghiệp. Chồng tôi lại là con cả trong gia đình đông em nên bao nhiêu gánh nặng dồn hết lên vai. Dù nhớ con thì một năm cũng chỉ dám về nhà vào dịp Tết Nguyên đán và ngày nghỉ lễ 30-4", chị Chuẩn nói.
Đến dãy trọ kế bên, một đứa trẻ chừng 2 tuổi đang khóc. Thấy người lạ bé càng ôm chặt mẹ và khóc to hơn. “Cả ngày tôi gửi cháu ở điểm trông trẻ, tối về phòng trọ nóng bức quá nên cháu quấy khóc”, chị Phạm Thị Thêm quê ở huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) phân bua. Vợ chồng chị Thêm làm ở Công ty TNHH Điện tử LEO Việt Nam. Chồng chị hôm nay tăng ca vẫn chưa về, chị tranh thủ về trước đón con ở chỗ gửi trẻ với chi phí 1,5 triệu đồng/tháng. Đứa con lớn chị để ở nhà nhờ ông bà trông nom. Tằn tiện nuôi con nên trong phòng trọ nhỏ xíu ấy chỉ có chiếc ti vi và cái tủ lạnh cũ là có giá trị. Nhưng theo bà chủ nhà trọ thì đấy là những thứ vợ chồng chị đi xin được.
Vào khoảng 9 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân Công ty TNHH Nishoku Technology Việt Nam vừa đi làm về lại tranh thủ đi chợ ngay. Ở nhà trọ tại thôn Phú Xá, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) có mẹ chị Thanh và đứa cháu nhỏ. Căn phòng trọ vốn đã chật chội lại có đến 3 thế hệ chung sống càng trở nên bí bách. Mẹ chị Thanh cho biết bất đắc dĩ bà mới xuống ở cùng con gái và cháu. Nhà bà ở tận Yên Bái bây giờ để không. Hôn nhân của chị Thanh không trọn vẹn, cách đây mấy năm chị mang theo cả 2 đứa con về Hải Dương làm công nhân. Một mình không xoay xở được nên phải nhờ đến sự trợ giúp của mẹ già. Năm ngoái đứa con lớn không may mắc bệnh hiểm nghèo đã qua đời. Chị Thanh nén đau buồn đi làm ngày đêm để lấy tiền nuôi cả gia đình. Nhìn mâm cơm chỉ có đĩa trứng tráng và bát bí luộc cũng hiểu được chị đã phải "thắt lưng buộc bụng" như thế nào. Những lúc chị Thanh làm ca đêm thì cả nhà chỉ ăn hai bữa vào khoảng lưng chừng các buổi sáng và chiều. Tài sản suốt mấy năm đi làm công nhân chính là chiếc xe máy Wave chị chắt bóp mãi mới mua được hồi tháng trước. Thậm chí cả năm chị Thanh cũng không dám về quê một lần.
Ước mơ xa xôiCông nhân, lao động (CNLĐ) là người tỉnh ngoài làm việc đông ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp. Tại những xã như Cẩm Phúc, Tân Trường (Cẩm Giàng), các phường Ái Quốc, Tứ Minh (TP Hải Dương)... có đến hàng nghìn CNLĐ xa quê thuê trọ, trong đó có nhiều người ở các tỉnh xa. Hiện nay, nhiều công ty TNHH: Sumidenso Việt Nam, Brother Việt Nam, May Tinh Lợi... có chính sách tuyển dụng người lao động tại các tỉnh xa.
Người lao động xa quê, nhất là ở các tỉnh miền núi luôn gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp những CNLĐ này, thời gian qua đã có nhiều chính sách được triển khai như hỗ trợ về nhà ở, tặng quà, tạo ra những sân chơi tinh thần... Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó như "muối bỏ biển" vì số lượng CNLĐ đông.
Hầu hết những CNLĐ xa quê khi gặp chúng tôi đều nói: "Ước gì chúng tôi được hỗ trợ về nhà ở", "Giá như địa phương hoặc doanh nghiệp có những hình thức chăm sóc con công nhân phù hợp thì chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều"... Nhưng dường như những ước mơ để vơi bớt khó khăn ấy của họ vẫn còn rất xa xôi. Theo chị Lê Thị Thu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Công nghệ Vĩnh Hàn Precision, cuộc sống những CNLĐ xa quê vất vả nhất là về nhà ở và chăm sóc con cái. Nhiều CNLĐ xa quê trong công ty phải gửi con về quê. Điều này thiệt thòi rất nhiều cho sự phát triển của đứa trẻ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng hỗ trợ cho công nhân tiền vé xe về quê vào các dịp lễ, Tết, một phần kinh phí thuê nhà trọ, xăng xe... Về lâu dài, doanh nghiệp và chính quyền cần có những tháo gỡ thiết thực hơn trong việc hỗ trợ nhà ở và nơi gửi con cho họ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần bảo đảm đầy đủ các chế độ, không ngừng nâng cao mức thu nhập để CNLĐ nói chung, những người xa quê nói riêng có điều kiện cải thiện cuộc sống.
NGỌC THANH