Nhớ Trần Phong Sơn

30/10/2010 06:09


Hồi đầu tháng mười năm 2010 tôi đột ngột nghe tin Trần Phong Sơn yếu nặng. Không tin ở tai mình tôi phải hỏi thêm bạn bè và điện thoại về Báo Hải Dương ở đường Đức Minh để kiểm tra thông tin. Thật rồi. Tôi và Nguyễn Việt Thanh, Trưởng Ban thơ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh vội vã xuống thăm anh. Đồng đất Kim Xuyên, Kim Thành quê anh ngày nào lam lũ chiêm khê mùa thối mà bây giờ đổi mới giàu có, đường nhựa, đường bê-tông, nhà cao tầng, thấp tầng san sát, không nhận ra đường về nhà Sơn.

Chao ôi! Con người Trần Phong Sơn sức vóc khỏe khoắn là vậy mà bây giờ nằm bất động thoi thóp thở với bình ô-xi. Đôi mắt mờ đục lúc nhắm, lúc mở nhìn vào khoảng không vô định. Vợ anh cùng các con đang lặng lẽ chăm sóc ngày đêm bên giường bệnh.

Sơn bị xuất huyết não đột ngột sau một đêm trở giời. Thuốc thang hết sức rồi. Thương lắm bạn ơi, biết làm sao đây.

Do cái duyên văn chương chữ nghĩa mà chúng tôi biết nhau từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Lớn lên Trần Phong Sơn đi học, đi cày rồi làm thợ đá ở mỏ đá Kinh Môn, sau nữa về Hội Văn học nghệ thuật... Những năm ấy đất nước chiến tranh giặc giã ai ai cũng gồng mình lên để mưu sinh, để góp phần nhỏ bé cho cuộc kháng chiến. Người thợ đá Trần Phong Sơn dành những ngày nghỉ, ngày chủ nhật cho văn chương. Anh chịu đọc, chịu nghe và thăm thẳm nhìn vào cuộc sống với con mắt đầy nhân ái. Sơn bắt đầu từ những bài tản văn ngắn, tiếp sau là những trang bút ký, truyện ngắn, truyện dài. Đời anh đã để lại mấy tập sách tới nghìn trang văn. Hay có, chưa vừa lòng cũng có, nhưng ở anh đã cầm bút là hết sức, hết lòng. Bạn văn và người đọc Hải Dương còn nhớ mãi bút ký "Dáng cây bồng bồng" giải thưởng Báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1983. Trần Phong Sơn là lớp hội viên đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Nhưng có lẽ đời Sơn ấn tượng nhất, đẹp nhất là quãng đường gần 10 năm từ khi nghỉ hưu cho tới lúc anh nhắm mắt chia tay với đời. Nghỉ việc ở Hội Văn học nghệ thuật, anh sang làm hợp đồng cho Báo Hải Dương. Từng quen sống ở làng, ở mỏ, vốn sống phong phú lại được lãnh đạo và đồng nghiệp ở báo quan tâm nên Sơn như ngọn nến bền bỉ bùng cháy đến phút cuối cùng. Nghề báo tiếng thì sang nhưng vất vả lắm. Bất kể thời tiết nắng mưa bão bùng, ngày ngày cũng phải có tám trang báo đến tay bạn đọc, rồi sau này có thêm báo điện tử nữa... Dù tuổi đã cao nhưng với ý thức trách nhiệm, nhà báo Trần Phong Sơn cùng chiếc xe máy cũ kỹ ngày ngày đi xuống cơ sở chằm bặp tìm hiểu, hỏi han, ghi chép, chụp ảnh... để có nhiều tư liệu. Nghề báo càng nhiều tư liệu, càng nhiều chi tiết sống động thì bài viết càng hấp dẫn. Tôi còn nhớ mãi một lần cùng Trần Phong Sơn về miền lũ lụt gió bão Thanh Hà. Trời tối rồi, chúng tôi không dám nghỉ lại mà phải sang đò vượt sông Thái Bình về tòa soạn để có bài viết cho ngày mai. Nước xoáy đò trôi suýt nguy đến tính mạng. Gần mười năm ở Báo, Trần Phong Sơn để lại hàng mấy nghìn bài. Tính Sơn điềm đạm, ít nói, cẩn thận, nhã nhặn nhưng kiên quyết. Những bài báo của anh cũng thế, chắc chắn, chính xác, quan điểm sai đúng rõ ràng. Anh cũng không ngại đi vào những vấn đề khó, những chuyện bức xúc trong đời sống mà không ít người viết khác thường né tránh. Bạn đọc và đồng nghiệp vân nhớ loạt bài điều tra "khu di tích Kính Chủ kêu cứu" của Trần Phong Sơn phản ánh việc khai thác đá có thể xóa sổ cả một khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Sau bài thứ nhất, bị một số cá nhân đe dọa, nhưng anh vẫn viết tiếp bài thứ hai. Loạt bài sau này được tỉnh trao Giải thưởng báo chí Nguyễn Lương Bằng, nhưng quan trọng hơn là đã cứu được cả một khu di tích. Nhờ sự chi chút của vợ chồng anh, các con anh bây giờ có người đã gia thất yên ấm, có người đang làm tiến sĩ ở Nhật Bản, người làm ăn ở miền Nam. Người thân và bạn bè không bao giờ quên Trần Phong Sơn. Trần Phong Sơn đi thật rồi, anh để lại cho người thân yêu bao tiếc thương.

Bài viết này như một nén tâm nhang tưởng nhớ người bạn, người đồng nghiệp vất vả đắng cay và tự hào một thời. Sơn ơi!

NGUYỄN NGỌC SAN

Nhà báo Trần Phong Sơn, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, sinh ngày 3-6-1946 tại Kim Xuyên (Kim Thành), mất ngày 27-10-2010.

Các tác phẩm vàgiải thưởng:
- Bút ký “Dáng cây bồng bồng”, giải ba cuộc thi viết ký của Báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam.
- Chùm truyện ngắn được tặng giải C Giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ nhất.
- Tập truyện ngắn “Bao giờ mới hiểu lòng nhau”, giải C Giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ 3.
- Tập truyện ngắn “Quán ba cô”, giải khuyến khích Giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ 4.
- Loạt bài điều tra “Khu di tích Kính Chủ kêu cứu”, giải C Giải thưởng báo chí Nguyễn Lương Bằng lần thứ 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ Trần Phong Sơn