Thầy giáo đầu tiên dạy tôi biết chữ a, b, c... là mẹ tôi. Sau này đều đặn mẹ lấp ló ở cổng trường vào dịp bế giảng cuối năm xem tôi có được giấy khen không.
Mẹ dạy tôi học ăn, học nói, học gói, học mở... Xem ra tôi chẳng lĩnh hội được bao.
Mỗi khi có thầy giáo đến nhà chơi, mẹ tôi vui mừng y như có người vào cho của. Mẹ chào thầy lễ độ, mời cơm ân cần dù phải chạy vạy đi mua vài ba quả trứng; có khi chỉ đãi thầy bằng mấy củ khoai luộc không bao giờ quên khẩn cầu: Nhờ thầy giúp đỡ cháu!
Năm 1952, Pháp về đóng đồn ở đầu làng tôi, làng Bất Nạo, xã Lê Bình, nay là thị trấn Thanh Miện, gọi tất cả trẻ con ra chủng đậu. Tôi trốn không đi. Mấy ngày sau mẹ tôi mới biết, tức giận vô cùng. Nhưng người vẫn dùng mấy cái kẹo bột dỗ dành tôi đi bộ vượt qua bao đồn bốt gọi vào xét hỏi để lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tha thiết trình bày xin tiêm chủng cho đứa con bướng bỉnh.
Từ Thanh Miện đến Mỹ Hào khoảng 30 cây số hầu như không gặp bóng người. Thỉnh thoảng tôi có gặp vài chiếc xe nhà binh bụi đất bám đầy, chở lính da đen chạy trên đường nhiều ổ gà nghiêng ngả, lồng lộn như sắp lật. Mẹ con tôi may mắn vẫy được chiếc xe hàng cũ kỹ vắng khách. Trong xe chỉ có hơn chục người, áo quần lành lặn có, rách vá có nhưng đều chung nét phảng phất buồn. Lần đầu tiên tôi được đi ô tô sặc mùi xăng, dạ dày đẩy tất cả cơm rau thốc tháo ra tung tóe. Những người ngồi cùng xe đều ngoảnh mặt nhìn đi chỗ khác. Mẹ lấy cái khăn mặt cũ mèm lau miệng cho tôi.
Đến bờ hồ Hoàn Kiếm, gặp hàng phở gánh, mẹ tôi chỉ mua một bát, bảo tôi ăn. Mới được vài miếng, nhất định tôi không nuốt nữa. Tiếc rẻ, mẹ tôi bê lên dùng nốt, nước mắt ứa hai hàng. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lúc ấy mẹ tôi lại khóc!
Dạy đến x, y là mẹ tôi hết vốn, phải đưa tôi đến nhà thầy giáo Phẩm dạy hộ. Nhưng mẹ cứ giả vờ như biết nhiều chữ để kiểm tra tôi.
- Hiền, đọc bài "Xuân đi học" xem nào?
Tôi đọc dễ ợt:
- Xuân đi học coi người hớn hở
Gặp cậu Thu đi ở giữa đường
Nói rằng sao phải vội vàng
Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi
Thôi hãy hượm đừng đi anh ạ
Này con khăng tôi đã sắm rồi...
Thế là lại đúng như giờ thời sự: Con tôi ngoan quá, cộng thêm cái kẹo ướt nhoét.
Dáng thầy Phẩm cao đậm, da nâu sáng, đi guốc mộc, áo quần bằng đũi phẳng phiu. Chả biết thầy dạy thế nào mà sau bốn tháng, mấy đứa bé mới bốn năm tuổi đã biết đọc.
Không ai cử thầy làm giáo viên. Thầy tự mở lớp dạy miễn phí cho gần hai mươi đứa trẻ trong làng. Thầy giao ước với phụ huynh bằng vài câu đơn giản:
- Nhắc các cháu đi học đúng giờ, áo quần sạch sẽ, tuyệt đối không được biếu thầy một thứ gì dù nhỏ nhất.
Điều đặc biệt là mỗi khi đến lớp chúng tôi đã thấy thầy ngồi đấy tự bao giờ.
Năm 1952, dân cử thầy ra làm hương chủ để giao dịch với đồn. Đêm về, thầy nuôi giấu cán bộ. Địch phát hiện được, chúng trói thầy cùng cô Phượng (em ruột thầy mới 18 tuổi) giải ra đồn đánh đập dã man. Chúng bắn chết cô Phượng để uy hiếp thầy. Lòng son đỏ chói vượt lên gông cùm, quên đi nỗi đau thể xác, giằng xé tâm hồn, thầy quyết không khai. Giặc vứt ra cổng đồn, nhân dân khênh thầy về. Đớn đau trùm khắp đường làng. Thầy chưa tan xương nhưng thịt nát, chỉ mặc một cái quần cộc loang lổ máu.
Thầy vẫn nuôi giấu cán bộ, vẫn "giao lưu" với đồn bằng đòn roi, báng súng vài lần nữa!
Giặc đóng đồn ở quê tôi ba năm, thì cả ba rằm Trung thu trẻ con trong làng đều được ra cái sân rộng phá cỗ. Mỗi đứa được vài múi bưởi, đẵn mía, được thầy và các cán bộ địch vận khuyên nhủ học hành, tin tưởng kháng chiến sắp thành công.
Thầy Phẩm chỉ dạy chúng tôi một thời gian ngắn. Sau đó thầy Bạng đứng lớp thay.
Thầy Bạng cao đậm, trắng trẻo, khoan thai, đôn hậu. Thầy dạy bằng cái tâm của người đi gieo chữ vào nơi nghèo khổ mong nhú mầm tương lai. Cũng chẳng có ai cử thầy làm giáo viên, cũng chẳng có ai phải biếu thầy ấm chè, nải chuối. Thầy dạy hai buổi, sáng lớp một, chiều lớp hai, miễn phí tất tật. Mỗi lớp chưa đến hai mươi trò. Hôm nào có học sinh vắng mặt, thầy lại đến nhà nhẹ nhàng hỏi nhỏ phụ huynh:
- Sao hôm nay cháu không đi học? Nếu ốm đến tôi lấy thìa đường cho cháu ăn với cháo... Rồi nhắc nhở học trò giữ gìn sức khỏe.
Một lần trung úy Phan Đình Niệm vào mời thầy dẫn học sinh ra đồn chơi. Thầy từ chối khéo không đi. Chỉ có chúng tôi theo ông Niệm vào đồn. Ông cho ăn kẹo rất ngon, xem phim hoạt hình rất thích. Nhưng chỉ mấy tháng sau, lính của ông vào đầy làng bắt nhiều người đánh đập vì nghi là Việt Minh. Thế là từ trung úy Niệm chúng tôi gọi là thằng Niệm. Thầy Bạng bảo chúng tôi đừng nhắc đến ông ta nữa. Chắc thầy không muốn trò mình gọi người lớn bằng thằng.
Khi lính rầm rập chạy vào sân nhà thầy tìm Việt Minh, thầy nói một câu tưởng như bâng quơ nhưng đầy ẩn ý:
- Sao trung úy kể với tôi ông ta là cháu năm đời của cụ Phan Đình Phùng?
Bọn lính không hiểu, hoặc không muốn hiểu, lại hùng hục chạy sang nhà khác lùng Việt Minh. Bất ngờ có anh Vũ Trung, cán bộ địch vận chạy vào. Nhanh trí, thầy kéo anh vào lớp ẩn dưới gầm bàn có chúng tôi đang ngồi học che chở.
Thầy còn giác ngộ người lính tên là Mộc quê ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Thầy cho anh một bộ quần áo, nhờ người đưa ra vùng tự do.
Thầy mất năm 1970 sau ngày con trai Xuân Chiến hy sinh mấy tháng.
Thầy là khuôn vàng thước ngọc trong cư xử. Thầy được cả dân làng kính nể, quý trọng. Số học trò trai của thầy ngày đó gần một nửa đã hy sinh. Số còn lại cứ đến ngày giỗ thầy lại tập trung đến trước bàn thờ dâng hoa tưởng niệm, đọc lời biết ơn, tôn kính đầy cảm thán, nhớ lại dáng dấp thầy xưa bao dung, độ lượng thương người.
Tôi viết mấy dòng trên để tri ân ba thầy giáo làng mà tôi biết ơn, tôn trọng, yêu kính nhất!
LÃ THỊ HIỀN (Bài rút từ cuốn "Tình bạn nghĩa thầy, mái ấm yêu thương" của đồng môn Trường cấp II Thanh Miện tại TP Hải Dương)