Nhớ ngày tiếp quản thị xã

30/10/2014 14:15

60 năm đã qua nhưng ấn tượng về ngày giải phóng thị xã Hải Dương 30-10-1954 vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí nhiều người.




 Những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi thị xã Hải Dương qua cầu Phú Lương ngày 30-10-1954. Ảnh tư liệu

Thời khắc quyết định

Theo tinh thần Hội nghị quân sự Trung Giã, thị xã Hải Dương thuộc khu vực quân Pháp tập kết 100 ngày kể từ khi Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực (20-7-1954). Ngày tiếp quản thị xã Hải Dương được ấn định là 30-10-1954. Lịch sử Trung đoàn 42 ghi lại, thị xã Hải Dương năm 1954 là trung tâm để địch điều hành cả một vùng. Thời kỳ này, để chuẩn bị rút khỏi miền Bắc, địch dồn mọi lực lượng về đây, biến thị xã thành một trại lính khổng lồ. Ngoài cơ sở chỉ huy của Liên khu Bắc, sở chỉ huy Sư đoàn 2, địch còn đóng 54 điểm trong thị xã và 18 boong-ke độc lập. Cùng thời điểm này, rất đông giáo dân ở các tỉnh về đây lưu trú, chờ đi Hải Phòng, xuống tàu biển vào Nam. Số giáo dân lưu trú có ngày lên tới trên 15 nghìn người. Tình hình nội thành phức tạp, đòi hỏi quân và dân ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác tiếp quản, chủ động đấu tranh và đề phòng âm mưu chống phá của kẻ thù. Ở các vùng tự do lân cận, các đơn vị bộ đội tích cực tuần tra canh giác, học tập các chủ trương, chính sách, 10 điều kỷ luật trong vùng mới giải phóng...

Đại tá Trịnh Quang Thuận (năm nay 86 tuổi), nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng, khi đó là Chính trị viên phó Tỉnh đội là một trong những người trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ huy công tác tiếp quản. Ông Thuận cho biết: “Các đơn vị bộ đội phải chuẩn bị cả tháng trời cho ngày tiếp quản. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ được cử lên Thủ đô Hà Nội để học tập kinh nghiệm tiếp quản. Các chiến sĩ tập kết ở vùng tự do được giáo dục phải luôn luôn giữ gìn phẩm chất cách mạng, hết sức đề phòng những âm mưu mà kẻ thù sẽ dùng để phá hoại hàng ngũ ta. Bộ đội Cụ Hồ phải gương mẫu và giản dị, giữ nghiêm kỷ luật, tạo niềm tin cho nhân dân khi vào tiếp quản”.

Ngày 20-10-1954, Ủy ban quân quản thành lập các trung đội dân cảnh, tuần tiễu (sau gọi là quân cảnh) mỗi trung đội 50 người gồm 6 tiểu đội của 3 tiểu đoàn 664, 652, 234 đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn 42. Ngày 27-10, các đơn vị diễn tập hành quân. Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Như Thiết, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 lấy giấy tờ của Ban Liên hiệp đình chiến Bắc Bộ, mang tên Nguyễn Thịnh, cùng đồng chí Phú Khang, cán bộ tham mưu từ Ninh Giang theo đường 17 vào thị xã Hải Dương để nắm tình hình, ký thỏa thuận tiếp quản với địch.

Từ 6 giờ sáng 30-10-1954, các đội tuần tra, bảo vệ đầu tiên của quân ta lần lượt tiến vào tiếp nhận các vị trí của địch tại các điểm trọng yếu, làm nhiệm  vụ giữ gìn trật tự an ninh, chuẩn bị cho lực lượng quân đội, công an, các cơ quan công khai vào tiếp nhận thị xã Hải Dương. Lực lượng tiếp quản thị xã của ta gồm có bốn tiểu đoàn và Trung đoàn bộ 42, phân công phụ trách 5 khu vực. Tiểu đoàn 664 và Tiểu đoàn 652 tiến quân theo đường 191 và đường 17 tiếp quản khu Cổng Trông, khu Vọng Cung, nhà ga, cầu Phú Lương, cầu Lai Vu. Tiểu đoàn 234, Tiểu đoàn 554 (bộ đội tỉnh), Trung đoàn bộ 42 tiến vào từ quốc lộ 5 chiếm lĩnh khu Máy Chai, khu bảo an binh, khu Sở Rượu. Quân ta tiến đến đâu, cờ đỏ sao vàng tung bay đến đó. Hàng nghìn người tràn ra phố hân hoan đón chào đoàn quân giải phóng. Suốt 9 năm kháng chiến, người dân không được thấy bộ đội Cụ Hồ thì nay đã thỏa ước mong. Tiếng vỗ tay, tiếng hô khẩu hiệu cách mạng vang dậy cả một góc trời.

Mở ra trang sử mới


Sau già nửa thế kỷ, đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng dường như trong tâm trí ông Nguyễn Ngọc Hồ, khí thế của ngày trọng đại 30-10-1954 vẫn nguyên vẹn. Ông Hồ quê ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ), khi đó 22 tuổi, là chiến sĩ Trung đoàn bộ 42. Ông kể, đêm trước ngày tiếp quản, cánh lính trẻ như ông rạo rực không sao ngủ được, ai cũng nóng lòng chờ trời sáng để được vào thị xã. Trước đó ông Hồ đã nhiều lần thâm nhập vào nội thị để thu thập thông tin tình báo nên phải đóng giả người ăn xin, người nhặt rác. Lần này, vác trên vai nòng súng đại liên nặng hàng chục cân nhưng ông Hồ thấy bước chân nhẹ bẫng, oai phong lạ thường. “Đời lính chúng tôi không thể nào quên được ngày hôm đó. Đó là lần đầu tiên tôi được mặc quân phục, được vác súng công khai. Cảm xúc được đứng trong đại quân ba hàng dọc rầm rập tiến vào thị xã, được hàng nghìn người dân hoan hô chào đón không từ nào tả hết được”, ông Hồ xúc động.

Ngay sau khi tiếp quản thị xã, bộ đội, công an, cán bộ các ngành lần lượt tiến vào các vị trí, các công sở đã được phân công để nhận bàn giao và điều hành các công việc. Trong buổi sáng cùng ngày, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi thị xã, đi theo trục đường số 5 xuống Hải Phòng. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội địa phương Nam Sách, Kim Thành và quân dân du kích tiếp quản đến đấy. Cờ đỏ sao vàng cắm trên nhà ga Phú Thái đánh dấu ngày Hải Dương được cơ bản giải phóng, chỉ còn một số xã của Kim Thành nằm trong vùng tạm chiếm 300 ngày. Đến 15 giờ chiều 30-10-1954, hơn 2 vạn bộ đội, cán bộ và các tầng lớp nhân dân thị xã Hải Dương và vùng phụ cận tham gia mít-tinh tại vườn hoa Độc Lập chào mừng việc tiếp quản thành công thị xã Hải Dương. Ủy ban quân quản thị xã do đồng chí Nguyễn Như Thiết làm Chủ tịch ra mắt đồng bào. Kể từ giây phút này, thị xã Hải Dương sạch bóng quân thù.

Ông Nguyễn Văn Hài, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Hải Dương khi đó còn là một thanh niên trẻ tuổi, nhân chứng của những ngày thu lịch sử khẳng định, ngày 30-10-1954 đánh dấu một trang sử mới của thị xã Hải Dương. Kể từ thời khắc này, người dân được cởi trói, được hít thở không khí của tự do. Ngày giải phóng ấy chính là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Thành Đông - TP Hải Dương.

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ ngày tiếp quản thị xã