Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21 - 29.3.1975) là một trong ba chiến dịch lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
Ông Phạm Hữu Thân ở thôn An Lại, xã An Phượng (Thanh Hà) kể lại những ngày tham gia chiến dịch Huế - Đà Nẵng
Cùng với chiến dịch Tây Nguyên, thắng lợi của chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã mở toang cánh cửa thép để quân và dân ta đi tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. 45 năm trôi qua, ký ức về những ngày cuối tháng ba lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những bộ đội năm xưa.
Rót chén trà nóng, ông Phạm Hữu Thân ở thôn An Lại, xã An Phượng (Thanh Hà) bồi hồi nhớ lại những ngày tháng ba lịch sử khi ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu giải phóng Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 2.1975, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 của ông được lệnh hành quân từ Quảng Trị vào Thừa Thiên - Huế để chuẩn bị cho trận đánh lớn.
Sư đoàn của ông được giao nhiệm vụ chốt giữ đường 1, khu vực huyện Phú Lộc ngăn địch đi sâu vào TP Huế, đồng thời chiếm đánh các cứ điểm. Theo lời ông Thân, sáng 21.3, quân ta nổ súng tiến công địch. Hỏa lực của ta áp chế, tạo điều kiện thuận lợi cho 8 mũi tiến công.
Khoảng 6 giờ, khi hỏa lực của pháo binh khai hỏa, từ các hướng quân ta tràn lên, đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Tiểu đoàn 2 được lệnh chiếm đánh điểm cao 312. Địch dùng hỏa lực ngăn chặn dữ dội buộc ta phải lùi về.
Trước tình hình đó, sư đoàn đã bổ sung lực lượng cho tiểu đoàn. Sau 6 giờ giằng co quyết liệt, đến 12 giờ trưa, địch thất thủ, ta đã chiếm giữ được điểm cao, giành thế chủ động, đánh địch phản kích. Đến 16 giờ cùng ngày, các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 đã làm chủ khu vực dãy Kim Sắc (khu vực then chốt của chiến dịch Huế).
Sáng 22.3, Tiểu đoàn của ông Thân tiếp tục nổ súng đánh chiếm điểm cao 162, khu vực Lộc Điền. Mặc dù trận đánh chiếm điểm cao này chỉ diễn ra trong vòng hơn 4 giờ nhưng chiến sĩ của ta hy sinh và bị thương nhiều. "Nhìn đồng đội mình hy sinh ngay trước mắt, càng sục sôi căm hận, chúng tôi càng quyết tâm bằng mọi giá phải đánh địch, chiếm giữ điểm cao", ông Thân bùi ngùi. Sau chiếm giữ điểm cao 162, Tiểu đoàn 2 tiếp tục được lệnh nhanh chóng tiến xuống đánh cắt đường 1, ngăn không cho địch từ Quảng Trị rút về, từ Huế đẩy ra.
Sáng 25.3, sau khi nghe tin các tiểu đoàn của đơn vị phối hợp với các lực lượng quét sạch quân địch, làm chủ TP Huế, ông Thân và đồng đội đã ôm chầm lấy nhau mà khóc. Ngày 26.3, ông và đồng đội di chuyển về Phu Văn Lâu, dừng ở đó ít ngày để củng cố lực lượng, bổ sung vũ khí tiếp tục hành quân theo hương Nhơn Trạch - Ninh Thuận để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Kể về những ngày tham gia giải phóng Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Nạp ở thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) vẫn nhớ như in những ngày hành quân đầy gian nan. Đầu quân vào Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, ông Nạp được giao nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc.
Đường hành quân gian nan, lính bộ binh vốn đã vất vả thì lính thông tin còn vất vả hơn nhiều bởi ngoài đồ dùng cá nhân, mỗi người chúng tôi còn phải mang từ 15 - 20 kg máy móc phục vụ bảo đảm thông tin. Khó khăn là thế nhưng chúng tôi vừa đi vừa động viên nhau.
Những ngày cuối tháng 3.1975, khi chiến dịch Huế - Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn nước rút, ông Nạp với cương vị là Đại đội phó Đại đội Vô tuyến điện đã cùng đồng đội tổ chức bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc thông suốt cho toàn sư đoàn.
Trong trận đánh chiếm các mục tiêu của đơn vị ở ngoại thành Đà Nẵng, ta phải sử dụng nhiều trọng pháo để áp đảo đối phương nên hệ thống thông tin liên lạc, điện đàm phải bảo đảm thông suốt. Đại đội vô tuyến điện đã cải tiến bằng cách tăng âm cho các máy điện đàm, giúp các cấp chỉ huy của sư đoàn không cầm ống nghe mà vẫn có thể nghe mệnh lệnh của cấp trên và nhận báo cáo của các đơn vị về tình hình chiến sự.
Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ông Nạp nhớ nhất sáng 29.3.1975, khi các mũi tiến công của ta đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu ở ngoại thành Đà Nẵng, ngồi trong hầm giữ thông tin liên lạc, nhìn ra khu vực Phước Tường, ông thấy pháo ta từ trên đèo nã xuống, quân địch mặc dù đang tháo chạy vẫn chống trả quyết liệt, liên tiếp tổ chức phản công. Hơn 11 giờ trưa, ông nhận được điện báo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng.
"Tôi chạy ra ngoài hô tô to Đà Nẵng giải phóng rồi anh em ơi! Mọi người chạy ùa ra hò reo. Từ trên dãy núi Phước Tường nhìn xuống, các căn cứ quân sự của địch không một bóng người, chỉ thấy ngổn ngang thiết bị địch bỏ lại khi rút chạy", ông Nạp kể. Sau khi Đà Nẵng giải phóng, ông Nạp và đồng đội lại nhận lệnh gấp rút hành quân chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
45 năm trôi qua, ký ức về những ngày cuối tháng ba lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính năm xưa như ông Thân, ông Nạp và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh đã từng tham gia chiến đấu. Câu chuyện của những người lính ấy luôn là bài học lịch sử vô giá với các thế hệ đi sau.
PV