Lẽ ra vào tháng hai âm lịch thì hoa vải thiều đại trà đã nở tung trắng trời trắng đất cả một vùng Thanh Hà xứ Đông quê tôi rồi chứ. Vậy mà hầu hết vườn vải quê tôi, kẽ lá vẫn lặng lẽ ngủ im lìm, tán lá vẫn xanh rưng rức như hồi một chạp. Người làm vườn từ chờ mong mỏi mắt chuyển sang thất vọng. Bao nhiêu dự án nhỏ to đã khép lại. Lòng tôi nao nao buồn nhớ mùa hoa vải những năm trước.
Hoa vải cũng như hoa lúa, không cắm trong bình để chơi như hoa mận, hoa đào. Hoa vải cũng không lộng hương như hoa ngọc lan hay dạ hương... Hương vải chỉ thoang thoảng khi phấn hoa được ong tha về tổ làm nên mật vàng, khi ta bóc quả. Hoặc hương của quả đã sấy lên.
Nhưng hoa vải cũng rất đẹp khi ta ngắm nhìn cả tổng thể cây vải hay vùng vải trong quá trình trổ hoa kết trái. Cả một vùng như một vườn hoa vĩ đại.
Hoa vải đổi màu theo thời gian từ khi ra hoa đến kết trái. Ban đầu nụ hoa bật thành chùm trên kẽ lá. Lúc này chùm hoa chưa nở có màu xanh nhạt khác với xanh đậm của lá. Nhìn trên cao xuống vùng vải nhú nụ có thể ví như những mâm xôi đậu xanh hoặc những quả đồi tròn trịa liên tiếp.
Khi những đài hoa đực vươn rộng, nở trước, thì những nụ hoa cái ít hơn, núp sau cánh hoa đực còn đang ngậm vành. Mỗi đài hoa đực có hai ba cặp “râu” trên đầu mang bầu phấn, có màu trắng nhạt. Cả vùng vải lại như những mâm xôi trắng khổng lồ.
Hoa đực có đến vài ba lần nở. Nụ cái ít hơn hoa đực và chỉ nở một đợt, chậm, dường như đợi cho hoa cái thụ phấn hết mới tàn. Tạo hóa ấy mà.
Nhả hết phấn, đài hoa đực héo tàn. Cả vùng hoa vải lúc này chuyển dần sang màu vàng, rồi vàng thẫm, rồi đen và rời khỏi cụm hoa để lại những nụ cái đã kết thành quả cũng chuyển dần sang màu xanh như hạt đậu chè. Cả vùng như những mâm xôi màu xanh dịu.
Phải qua vài ba thập kỷ, những người làm vườn tâm huyết với cây vải mới phát hiện ra quy luật sinh trưởng và quá trình ra hoa kết trái của vải để chăm sóc như chăm con người vậy. Trông mùa vải trỗ hoa, khác nào như người nông dân trông mùa lúa trổ đòng vậy. Trông hoa để biết được mùa vải được, trông hoa để biết được mùa vàng bội thu, mặc dầu từ hoa để đến thu hoạch, người trồng vải cũng như người trồng lúa còn khó nhọc ngày đêm bên cạnh ruộng vườn. Nhưng mà hãy biết “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ” cái đã.
Người trồng vải khác mấy người trồng lúa đâu. Ngoài cái cần mẫn và khoa học trồng cấy ra, thời tiết vô cùng quan trọng, cũng phải “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Vải trổ hoa sớm gặp gió mùa đông bắc thổi muộn, không thụ phấn cũng hỏng. Nhưng ra muộn mãi tháng hai âm lịch gặp mưa rơi rả rích cả tuần, cả tháng liên miên, hoa vải không tung phấn được cũng mất mùa. Hoặc những năm mùa gió phơn khô nóng từ Tây Bắc ào ào đổ về, da người còn khô rát, huống gì hoa vải không tàn “cháy” cả một vùng, thất thu.
Để khắc phục được những gì tác hại đến mùa vải, trước hết là thời tiết, người trồng vải bằng kinh nghiệm lâu năm của mình đã điều hành để cây vải ra hoa kết trái gần như theo ý muốn, ra hoa kết trái vào đúng thời điểm. Đó là chăm sóc, vun xới, bón phân ngay sau khi thu hoạch, tỉa cành, tạo tán để vải ra tán lộc tròn. Với những cây trẻ và nơi đất tốt, vải có hai lần phát lộc, tạo bộ lá mới. Với những cây cổ thụ và nơi đất cằn thì vải chỉ phát lộc một lần. Lần phát lộc cuối vào tháng chín, tháng mười âm lịch. Bộ lá đều và đến trước mùa ra hoa xanh ngặt. Đứng trên tầng cao ngắm mùa lộc vải phát tán mỡ màng cũng rất đẹp. Khi lá vải xanh ngặt tháng chín, tháng mười là khi vải đang tích lũy dinh dưỡng để ra hoa. Với những cây quá tốt, người trồng vải thường khoanh một vòng vào thân cây lớn để vải cằn lại kích thích ra hoa.
Nếu như ong, bướm... có lợi cho mùa hoa quả, thì kẻ thù của mùa hoa trái vải là nhiều loại sâu. Sâu đục thân đục quả, sâu cuốn lá, vẽ bùa, nhậy, rầy rệp, có khi làm cho cả vườn vải “cháy”, rụng, thiệt hại nặng nề. Bệnh nào thuốc nấy. Trị bệnh cho vải vất vả và độc hại. Mấy ai thấu tình. Trùm khăn, bưng mặt, bưng mồm giữa vùng sương mù của thuốc trừ sâu, hoặc phân bón lá...
Nghĩ đến những năm “được mùa thì mất giá”, thương cho cây vải quê mình. Người trồng vải bỏ cho vải chín rụng đen đỏ cả gốc, bởi tiền thuê người bẻ nhiều hơn tiền bán quả. Kẻ buôn chê bai, người bán chen chúc rồi gánh về đổ ra sân mưa mặc cho thối nhũn. Những năm “mất mùa thì được giá”, bán vải mà bán trăm, bán chục như bán chũm cau...
Miên man nghĩ về mùa hoa vải, nghĩ về người trồng vải và cả những quy luật khí hậu đang biến đổi, tôi ao ước mùa sau...
Tản văn của NGUYỄN LONG NHIÊM