Binh trạm vận tải Trường Sơn ấy ngày đêm chỉ có việc gùi đạn, gùi gạo cho chiến trường. Lính ở đây quần áo lúc nào cũng ướt sũng, ghẻ lở đầy người...
Để động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, binh trạm bộ cho tìm một số chiến sĩ có năng khiếu, lập đội văn nghệ xung kích. Trợ lý tuyên huấn là anh Xuân Thông, rà soát danh sách từng người. Anh vỗ tay đánh đét một cái: "Đây rồi, có con trai nghệ sĩ Tân Nhân, người nổi tiếng với bài Xa khơi, ai ai cũng biết". Chính Xuân Thông đã viết không dưới 50 lá thư đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi phát lại bài đó "theo yêu cầu thính giả".
Con trai nghệ sĩ Tân Nhân ở đơn vị này tên là Lê Khánh Hoài. Nhận được quyết định điều về tuyên huấn, anh sung sướng lắm. Anh báo cáo với cấp trên: mình đúng là con mẹ Tân Nhân. Cứ nghĩ "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" nhưng khi anh Xuân Thông khéo léo kiểm tra, thì hơi bất ngờ: Hoài không có một chút năng khiếu nào về hò hát, đàn, chèo, kịch... Thế là phải trả về đơn vị làm nhiệm vụ vác, thồ thôi. Nhưng trước khi chia tay, bộ phận tuyên huấn mở bữa liên hoan nhỏ nhẹ, có mời mấy cô thanh niên xung phong lên góp vui vài làn quan họ. Trong không khí hào hứng, Khánh Hoài xin... đọc một bài thơ do anh sáng tác. Anh Thông gật đầu. Anh đọc: Mày lên đường hôm trước/Tao ra đi hôm sau/Trường Sơn gánh cả nước/Hai đứa mình đuổi nhau... Nghe bài thơ, Xuân Thông sửng sốt hỏi: "Có đúng là của cậu không?". "Đúng!". "Thế sao tao chép ở báo văn nghệ lại đề tên tác giả là Châu La Việt?". Lê Khánh Hoài mới trình bày: "Đó là bút danh của em: Châu (làng Châu Phong), La (con sông La), Việt (Cửa Việt), là nơi sinh em..."
Sau đó, Lê Khánh Hoài đã đọc trọn vẹn 37 câu thơ trong bài Tuổi trẻ Trường Sơn của anh làm năm 16 tuổi khi nhập ngũ mà chính Xuân Thông rất mê bài này. Thế là nhờ một bài thơ, từ anh lính vận tải, Hoài được chuyển thành lính văn nghệ. Nay Châu La Việt là một nhà văn, dẫu không được thừa hưởng chút gì là cái "gien" ca hát của người mẹ.
VƯƠNG BẠCH