Cách đây tròn 60 năm, mùa xuân năm 1959, sau khi thăm khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) và TP Hải Phòng, ngày 1.4 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hải Dương.
Đây là lần thứ 3 trong 5 lần Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương vinh dự được đón Bác về thăm.
.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ngày 1.4.1959
Nguồn động viên lớn
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng mỗi lần nhớ về Bác, đồng chí Nguyễn Hoài Bắc, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh không khỏi xúc động, bồi hồi. Năm 1959, khi đang là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Bắc cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh vinh dự được đón Bác về thăm và làm việc vào ngày 1.4. Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những ấn tượng sâu đậm về Người dường như vẫn còn nguyên vẹn đối với đồng chí Bắc. “Trong thời gian công tác, tôi từng nhiều lần được gặp Bác. Việc tiếp đón khi ấy được làm rất cẩn thận nhưng không cầu kỳ, phô trương vì Bác hết sức giản dị, sâu sát, thân tình, gần gũi với mọi người. Bác không bao giờ đòi hỏi một sự ưu đãi nào cả. Cách làm việc của Người cũng hết sức dân chủ, cái gì cần bàn thì bàn tập thể, không gò ép, áp đặt. Mỗi lần Bác về, phong trào tỉnh ta lại có bước trưởng thành mới”, đồng chí Bắc hồi tưởng lại.
Sáng hôm ấy, tại trụ sở của Tỉnh ủy, Bác dành toàn bộ thời gian làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính cùng cán bộ các ban, ngành của tỉnh. Sau khi hỏi han về tình hình, Bác đã khen ngợi những thành tích của nhân dân, cán bộ Hải Dương, nhất là về sản xuất nông nghiệp và phong trào đổi công HTX. Bác căn dặn tỉnh nhà cần phải cố gắng đẩy mạnh tăng năng suất để bảo đảm hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Phải chú trọng chống hạn và bón thêm phân cho lúa, hoa màu. Về công tác đê điều, tỉnh phải cố gắng hoàn thành cho tốt trước mùa mưa. Thực hiện hiệu quả việc đổi công hợp tác, phát triển phải đi đôi với củng cố và bảo đảm tốt về đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Mong muốn tỉnh ta hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh lãnh đạo, cán bộ phải quyết tâm và biến quyết tâm của Đảng, Chính phủ thành quyết tâm của quần chúng. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải gương mẫu trong mọi công việc. Cán bộ lãnh đạo phải đi sát thực tế, nắm vững trọng tâm và toàn diện, chú trọng áp dụng chỉ đạo riêng..
Thực hiện lời dạy của Bác, với quyết tâm chính trị cao nhất, từ năm 1959-1960, tỉnh ta đã đạt được nhiều thắng lợi vượt bậc trong phong trào làm thủy lợi, củng cố, phát triển tổ đổi công, phong trào hợp tác hóa, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển lên một bước mới. Đến giữa tháng 4.1959, Hải Dương đã cứu được trên 14.800 mẫu ruộng bị hạn. Toàn tỉnh cấy được trên 95% diện tích lúa chiêm chính vụ, tăng trên 2.600 mẫu so với năm 1958. Năm 1960, hàng vạn người hăng hái tham gia đào đắp các công trình thủy lợi với trên 19triệu m3 đất, khôi phục được gần 8.000 mẫu ruộng bỏ hoang nhiều năm do không có nước tưới, đưa trên 70% diện tích cấy lúa 1 vụ thành 2 vụ. Với những thành tích tiêu biểu về công tác thủy lợi, ngày 30.9.1960, tỉnh Hải Dương vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua luân lưu khá nhất. Cũng về thành tích thủy lợi, năm 1961 Người tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho tỉnh. Phong trào hợp tác hóa phát triển với tốc độ nhanh, năm 1960 toàn tỉnh căn bản hoàn thành HTX bậc thấp với tổng số 1.814 HTX nông nghiệp quy mô thôn, chiếm 91,6% tổng số hộ nông dân.
Khắc ghi lời Bác dạy, 60 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương luôn nỗ lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn khác nhau. Đặc biệt sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh, Hải Dương vượt lên những khó khăn, thách thức, đạt được kết quả tích cực. Kinh tế tỉnh nhà liên tục có những bước tăng trưởng khá. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,1%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 5 trong khu vực các tỉnh trọng điểm kinh tế Bắc Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đứng thứ 4 trong khu vực và đứng thứ 13 trên cả nước.
Tình cảm đậm sâu
Với cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân Hải Dương tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Từ những chủ trương lớn đến những tấm gương, công việc cụ thể ở tỉnh luôn được Người quan tâm sát sao và động viên, khích lệ kịp thời.
Cùng với lần về thăm ngày 1.4, trong năm 1959, Hải Dương còn nhiều lần được Bác đặc biệt quan tâm, biểu dương. Sáng 4.3.1959, trong chuyến thăm nước Cộng hòa Indonesia, Người đã tặng nhân dân thành phố Xô-lô (này là TPSurakarta) lá cờ của tỉnh Hải Dương. Lá cờ đề chữ “Tình hữu nghị giữa nhân dân Indonesia và nhân dân Việt Nam muôn năm” bằng hai thứ tiếng của hai nước và ký: Nhân dân Hải Dương. Trong buổi lễ trao tặng cờ, Bác giới thiệu thành tích kháng chiến của tỉnh ta đến lãnh đạo và nhân dân nước bạn. Phấn khởi trước vinh dự đó, Tỉnh ủy đã phát động một đợt thi đua nhằm bảo đảm sản xuất vụ đông - xuân năm 1959 thắng lợi vượt bậc. Tập trung lực lượng chống hạn, tăng cường phân bón, đẩy mạnh phong trào đổi công hợp tác hóa và hoàn thành cuộc bầu cử HĐND cấp xã.
Năm 1959, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất cũng đã được Bác khen thưởng. Ngày 9.3.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho xã Hiệp An (Kinh Môn). Ngày 28.5.1959, Bác tặng Huy hiệu cho ông Đỗ Tịnh Tú ở xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) bị mù nhưng rất hăng hái vào tổ đổi công và HTX. Ngày 27.11.1959, Bác gửi tặng Huy hiệu cho anh Vũ Đình Khàng, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, công tác tại công trường xây dựng Nhà máy Sứ Hải Dương có sáng kiến làm cần trục bằng gỗ chỉ tốn khoảng 100 đồng nhưng đưa được cốp pha đổ bê tông lên cao bốn, năm thước, đỡ phải làm giàn giáo, vừa lợi thời gian, vừa tiết kiệm được trên một vạn đồng nguyên liệu. Trong năm có nhiều học sinh trong tỉnh làm việc tốt cũng được Bác tặng Huy hiệu khen thưởng.
Sự kiện Bác Hồ về thăm ngày 1.4.1959 và tình cảm đậm sâu của Người dành cho Hải Dương đã để lại những kỷ niệm sâu sắc, mãi không thể quên trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh nhà. Những lời dạy bảo ân cần, mộc mạc của Bác không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ mà còn là những định hướng lớn cho Hải Dương trong suốt quá trình xây dựng, phát triển.
HOÀNG BIÊN