Đến bây giờ tôi cũng không thể quên cái đêm 27-12-1972 lịch sử ấy.
Xác B52 trên hồ Hữu Tiệp
Ngay từ chập tối, không khí chờ đợi đã căng thẳng, nặng nề, bởi mấy đêm trước chúng đã dùng B52 đánh vào khu dân cư Khâm Thiên và An Dương, gây cho ta nhiều tổn thất về người và của.
Rồi... còi báo động vang lên, tiếng loa nhắc nhở mọi người cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Máy bay địch đã vào cách Hà Nội vài trăm cây số, khoảng cách ngắn dần. Cuối cùng đèn thành phố vụt tắt, cả Hà Nội bỗng tối sầm, yên lặng một cách lạnh lùng, chỉ còn tiếng rít của máy bay F4H từ hạm đội bay vào dọn đường. Tiếng pháo cao xạ, các loại súng phòng không nhất loạt bắn lên dữ dội, ánh chớp sáng lòe của bom giặc và những đường đạn đỏ lừ từ mặt đất xé màn đêm lao thẳng vào bọn quạ sắt Hoa Kỳ. Tiếng gầm thét của động cơ máy bay vang động bầu trời Thủ đô. Cả Hà Nội vào trận.
Sáng hôm ấy, chúng tôi đã được thông báo là máy bay B52 của giặc Mỹ sẽ rải thảm (bom) dọc đường Hoàng Hoa Thám ra đến cầu Long Biên. Lực lượng tự vệ chúng tôi xác định là mình sẽ nằm dưới làn bom B52, nhưng không ai nao núng vì người già, phụ nữ, trẻ em đều được đưa tới nơi an toàn từ mấy hôm trước, nên ai nấy yên tâm trực chiến và sẵn sàng chiến đấu.
Sau một hồi quần đảo uy hiếp tinh thần, khống chế lực lượng phòng không của ta, bọn máy bay F4H rút hết. Từ phía tây bắc xuất hiện từng tốp máy bay B52 ì ầm bay vào Hà Nội, đèn nháy ở hai bên cánh lập lòe. Chúng vẫn chủ quan như mọi lần, coi thường các loại pháo phòng không của ta bắn không tới. Hai quả tên lửa từ hai phía Gia Lâm, Chèm đều cùng lúc được phóng lên và cùng nổ tại một điểm. Sau tiếng nổ ấy màn đêm lại trở về đen đặc và... chỉ 7 - 8 giây sau, bầu trời Hà Nội lại rực rỡ như đêm pháo hoa, các màu xanh đỏ, tím, vàng lung linh, óng ánh như hoa lửa của thợ hàn. Liền sau đó là từng mảng cháy nối nhau rơi xuống. Một góc trời Hà Nội rực sáng, đâu đó vang lên tiếng hét: "Cháy rồi! B52 cháy rồi bà con ơi!". Thế là chúng tôi lao ra đường hò hét khản cổ và sung sướng đến trào nước mắt. Trong giây lát, từ phía Nhà máy Bia Hà Nội vọng lại một tiếng rơi của sắt thép xuống đường. Sau này tôi được biết, vì quá khiếp sợ, các tốp B52 còn lại đều tháo chạy.
Phải tới 15 phút sau mới thấy còi báo yên. Đèn Hà Nội lại bật sáng. Chúng tôi quên cả kỷ luật quân sự, bảo nhau chạy đi bắt giặc lái. Chạy lên đến cổng Nhà máy Bia Hà Nội thì thấy một phần cánh B52 nằm ngang đường đang cháy rực. Dân quân tự vệ đang tích cực dập lửa, một phần buồng lái rơi ở cạnh đường gần đó và một phần cánh nữa rơi xuống, dựng ngay cạnh cửa sổ ngôi nhà họa sĩ Lê Huy Hòa, ngay sau Nhà máy Xe điện Hà Nội và cũng đang cháy dữ dội. Liền đó là công viên Bách Thảo và trong làng Ngọc Hà đều có mảnh máy bay rơi vãi. Một phần lớn thân máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp hất bùn, đất, nước ra khu vực xung quanh. Toàn bộ 30 tấn bom chưa kịp cắt ngòi nổ đã rơi xuống làng Ngọc Hà, có những quả bom khoan sâu vào lòng đất.
Sáng hôm sau 28-12-1972, công binh đến, vô hiệu hóa và đưa số bom chưa nổ ra xếp đống ở đầu làng Ngọc Hà. Trên thân các trái bom tôi thấy in ngày sản xuất đều cuối tháng 11-1972, có nghĩa là giặc Mỹ đã dốc đến những quả bom cuối cùng cho trận chiến này. Và sau đó là hình ảnh khó quên, từng đoàn xe xích lô thường dùng chở các thùng bia hơi, bây giờ mỗi xe chở 2 quả bom về nơi tập trung của bộ đội.
Ngay đêm đó tôi được biết là quân và dân ta đã bắt được 5 trong 6 tên giặc Mỹ, còn 1 tên đang trốn ở đâu đó. Nghe nói, hàng tuần lễ sau người ta mới tìm thấy vết dầu loang trên mặt hồ Bát Mẫu (trong làng Ngọc Hà), mò được tên cuối cùng đã chết khi bật ghế khỏi máy bay và trúng mảnh tên lửa khi dù chưa kịp mở.
Ngay ngày hôm sau, phía Hoa Kỳ đã đơn phương ngừng chiến và xin trở lại bàn đàm phán ở Pa-ri.
Tôi là người may mắn được chứng kiến trận đánh và cũng may mắn còn giữ lại được bức ký họa cách đây 40 năm. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc để nhớ lại những ngày hào hùng của Hà Nội và của dân tộc nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
THẾ ĐỨC