Phải tuyên truyền, dạy bảo cho các cháu về chủ quyền biển đảo của ta ngay từ khi chúng còn nhỏ thì sau này lớn lên chúng mới có trách nhiệm với Tổ quốc.
Thấy cháu gái mấy hôm nay đều về muộn vì phải tập văn nghệ chuẩn bị cho hội thi, bà Minh không hài lòng nhắc:
- Trời nắng nóng, học xong cháu không về ngay mà còn văn nghệ văn gừng gì cho mệt ra. Năm nay thời gian học kéo dài tới giữa hè thế này, lẽ ra nhà trường phải giảm các hoạt động ngoại khóa đi chứ?
- Dạ, chúng cháu đang tập văn nghệ để chuẩn bị cho hội thi "Em yêu biển đảo quê hương" bà ạ. Nhà trường tổ chức hội thi này để hưởng ứng Tuần lễ Biển và hải đảo, lớp nào cũng hăng hái tham gia. Chúng cháu thì tập hát múa các tiết mục về biển đảo, còn nhiều bạn thì tham gia vẽ tranh, tập diễn kịch... Tan học xong, chúng cháu dẹp bàn ghế và tập ngay trong lớp, có điều hòa nên mát chứ không nóng đâu bà.
- Gớm, nhà trường cứ vẽ chuyện. Các cháu còn nhỏ cả, biết gì mà đã biển với đảo.
Nghe bà Minh than phiền, ông Thế chồng bà nói ngay:
- Bà nói hay nhỉ? Biển đảo là vấn đề lớn được cả thế giới cùng quan tâm, bao nhiêu là tranh chấp diễn ra trên biển vì những lợi ích mà biển mang lại. Trung Quốc gần đây liên tục gây hấn trên Biển Đông, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước mình càng phải được tăng cường. Không thể chủ quan, lơ là được đâu.
- Thì biết là vậy nhưng đó là nhiệm vụ của người lớn chứ lôi cánh trẻ con vào làm gì?
- Cái bà này nói rõ ngang. Phải tuyên truyền, dạy bảo cho các cháu về chủ quyền biển đảo của ta ngay từ khi chúng còn nhỏ thì sau này lớn lên chúng mới có trách nhiệm với Tổ quốc chứ.
Thấy bố mẹ chồng tranh luận, chị Hân góp chuyện:
- Ngoài thời gian học chính khóa ra, con nghĩ để bọn trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa như thế này cũng tốt mà mẹ. Tỉnh mình ở miền đồng bằng, không có biển nên hiểu biết của các cháu về biển đảo rất ít, những hội thi như thế này rất bổ ích mẹ ạ.
Thấy bà Minh có vẻ chưa thông, chị Hân lại kể:
- Bây giờ ở nhiều trường áp dụng những hình thức sinh động vào giảng dạy môn lịch sử nên bọn trẻ ham thích lắm mẹ ạ. Bạn con là giáo viên dạy sử, suốt ngày thấy cô ấy mày mò soạn giáo án điện tử, sưu tầm hình ảnh, clip để minh họa. Rồi việc tổ chức những hội thi như ở trường cháu Bảo Trâm cũng là một cách dạy lịch sử rất hay. Bọn trẻ sẽ chủ động tìm hiểu tài liệu trên internet, trên thư viện... Mỗi lần thi là thêm những kiến thức mới, càng ngấm, càng thuộc lịch sử mẹ ạ.
Nghe mẹ nói, Bảo Trâm gật lia lịa. Con bé ôm bà Minh nũng nịu:
- Trước giờ cháu vẫn ngưỡng mộ những cảnh sát biển như chú Trung chồng cô Thi ở xóm mình. Rồi còn nghe anh Lâm từng đi bộ đội ở đảo Trường Sa Lớn về kể chuyện thích ơi là thích. Cháu ước sau này lớn lên được một lần ra thăm Trường Sa. Giờ cháu còn bé, tham gia thi cũng là một lần đi thăm trước qua sách vở, hình ảnh bà ạ. Bà đồng ý để cháu tham gia nhé.
- Ừ, cả nhà đều nói thế thì bà còn gì mà không ủng hộ cháu nữa. Cháu gái của bà còn bé mà đã hiểu được như vậy bà mừng lắm!
KIM THANH