Lớp 10:
- Này, không biết sau này ra trường mình như thế nào nhỉ?
- Hâm, chưa gì đã lo ra trường. Còn lâu lắm.
Lớp 11:
- Hôm tổng kết nhìn các anh chị lớp 12 khóc tự nhiên tớ cũng thấy xúc động. Không biết lúc ra trường tớ có khóc không nữa?
- Trông vậy thôi chứ còn lâu. Cậu an tâm.
Lớp 12:
Cô giáo phát bài kiểm tra. Có tiếng đứa nào nói cuối lớp: “Bài kiểm tra 15 phút toán cuối cùng của đời học sinh”.
...
Mới đầu tháng 5, tiết trời bắt đầu oi bức. Đây cũng là lúc khối 12 hối hả bước vào kỳ thi quan trọng nhất đời mình. Lo âu, bồn chồn và cả tiếc nuối nữa. Giờ ra chơi, đề tài bàn tán không còn là những bộ phim hay ca sĩ nào đó nữa mà là việc thi cử: nộp đơn vào trường nào, quy chế thi thay đổi ra sao... Nhìn mọi người tất bật, hối hả khiến ngay cả một đứa xớn xác, vô lo như tôi cũng đâm ra có chút hồi hộp. Và đến bây giờ, cầm trên tay cuốn lưu bút ghi lại bao nhiêu sự kiện những năm tháng cấp ba, lòng tôi như vỡ òa ra.
Lớp chuyên văn chúng tôi nói như thuật ngữ chuyên ngành sinh học thì bị coi là mất cân bằng giới tính trầm trọng khi có tới 35 nữ và chỉ độc nhất 1 đứa con trai. Ban đầu mới vào lớp 10, cũng như bao tập thể khác, tất cả đều có vẻ xa cách, đặc biệt là Dũng - bị các chị em săm soi đúng kiểu “Mục đích mày đến Trái Đất là gì?”. Nhưng khi đã thân thiết rồi thì ôi thôi, bao nhiêu là trò đùa nghịch. Lớp 11 là khoảng thời gian đáng nhớ nhất: nào văn nghệ, tập kịch, hội trại, quay phim... Tất nhiên, luôn có mâu thuẫn của cánh con gái nhưng sau tất cả, mọi người vẫn cười đùa vui vẻ.
Lớp tôi may mắn được học hai cô giáo tuyệt vời là cô Nhu và cô Hà. Cá nhân tôi thì thấy tính cách hai cô khá đối lập: một bên hiện đại, hài hước và một bên tỉ mỉ, trang nghiêm. Thích nhất ở lớp văn là các cô không chỉ dạy kiến thức trên sách vở mà còn uốn nắn chúng tôi kỹ năng sống. Cô Nhu hay kể chuyện cho chúng tôi, thoạt nghe có vẻ là để vui, để giải trí nhưng đằng sau luôn là những lời khuyên thấm thía, “ đặc biệt với mấy Thị Nở này” - cô bảo thế. Cô Hà thì luôn chỉn chu, mẫu mực và hiền từ, khoan dung. Tôi nhớ lần lớp tổ chức sinh nhật cho cô, mọi người lên cắt bánh kem và ăn uống. Chỉ có tôi ngồi thộn ra một mình (thật ra lúc ấy tôi đang buồn ngủ). Nhưng cô lại tưởng tôi bị làm sao, cô xuống tận nơi hỏi thăm và đưa tôi phần bánh của cô. Tôi cảm ơn cô và cúi mặt để khỏi cười. Nhưng lúc ấy tôi đã nhận ra sự quan tâm của cô dành cho học sinh - ân cần và nhẹ nhàng.
...
“Bài thơ Sóng đã thể hiện hồn thơ nữ tính, dịu dàng của Xuân Quỳnh...”.
Diệu ngồi cạnh đột nhiên nắm chặt lấy tay tôi. Tôi quay sang nó, định bảo nó bỏ ra bởi tôi sắp xỉu vì nóng đến nơi rồi nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Giọng cô Nhu vẫn đều đều. Một cái gì đó chợt lóe qua đầu tôi.
Tôi vẫn chưa biết sắp tới tụi tôi sẽ tốt nghiệp như thế nào hay lúc ra trường tôi có khóc không, nhưng tôi nghĩ chúng không quan trọng nữa. Quan trọng là tất cả đã ở trong trái tim tôi rồi. 35 con người này sẽ theo tôi hết đời. Chỉ có khoảnh khắc này mới là quan trọng, nên thay vì lo lắng và đặt những câu hỏi như “Liệu cậu có quên tớ không?” thì tôi cứ sống hết mình cho giây phút này đã.
Tôi cười. Diệu liếc tôi, chắc nó đang thắc mắc sao tôi cười. Trên bảng là nét chữ bay bay như thư pháp của cô Nhu:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?”.
VŨ THÙY LINH (Lớp 12 văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi)