Nhìn lại nước Mỹ năm 2019 và những dự đoán cho năm 2020

02/01/2020 19:33

Kết thúc năm 2019, nước Mỹ đã trải qua những đối đầu và căng thẳng ở cả trong nước lẫn ngoài nước.


Năm 2019, nước Mỹ đã trải qua những đối đầu và căng thẳng ở cả trong nước lẫn ngoài nước

Mọi chuyển động dù là nhỏ nhất của Mỹ trong năm qua đều có tác động mạnh mẽ, tạo nên những cuộc phân cực mới sâu sắc hơn, không chỉ trong lòng nước Mỹ mà còn giữa nước này với phần còn lại của thế giới.

Thành tựu…

Năm 2019 là năm thứ ba và năm có ý nghĩa quyết định tới sự thành công hay thất bại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và những gì đã diễn ra trong năm 2019 đã cho thấy đây là năm của những căng thẳng và đối đầu trong việc triển khai cả chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Mỹ.

Về đối nội, có thể thấy trong năm qua, không chỉ nền kinh tế Mỹ mà kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng do hệ thống thương mại và đầu tư suy yếu, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn theo đuổi “cuộc đấu” thuế quan với Trung Quốc. Sau khi làm đảo lộn cục diện kinh tế toàn cầu và chặn đà tăng trưởng kinh tế từng được dự báo là khá vững chắc trong năm 2018, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục vẽ những "vệt tối" lên bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2019. Những đòn áp thuế "ăn miếng trả miếng" giữa Washington và Bắc Kinh nhằm vào một khối lượng lớn hàng hóa của nhau hồi giữa năm nay và đỉnh điểm là tháng 8 vừa qua không chỉ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế hai nước mà còn phần nào làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh, từ đó tạo ra những rào cản bất lợi cho tăng trưởng kinh tế thế giới.

Ngoài ra, những tranh chấp, bất đồng về thương mại không chỉ với Trung Quốc mà còn với các đồng minh và đối tác cũng đã phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận đó là chính quyền Tổng thống Trump vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục.

Số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, kinh tế nước này trong quý III.2019 tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với mức 2% trong quý II nhưng giảm mạnh so với mức 3,1% trong quý I đầu năm. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 6.12.2019 cũng cho biết, trong tháng 11.2019 nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được 226.000 việc làm, cao hơn dự báo trước đó của giới chuyên gia là 180.000, qua đó đưa tỷ lệ thất nghiệp trở lại mốc 3,5%, mức thấp nhất trong vòng 50 năm. Đây tiếp tục là điểm sáng nhất trong công tác điều hành của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực quốc phòng an ninh, bao gồm đầu tư mua sắm các loại vũ khí trang bị hiện đại, triển khai thành lập Lực lượng Vũ trụ - quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ và như khẳng định của ông chủ Nhà Trắng, quân đội Mỹ hiện mạnh hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử.

Với những thành tựu nổi bật không thể phủ nhận trên, những người ủng hộ cho rằng Tổng thống Trump đã thực hiện đúng cam kết của mình và đang đưa “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

 …đan xen thách thức

Tuy nhiên, ngoài 2 thành tựu về kinh tế và quốc phòng an ninh trên, nước Mỹ trong năm qua không thể không nhắc đến việc tình hình chính trị nội bộ bị bao phủ bởi gam màu “xám” do tình trạng căng thẳng, đối đầu ngày càng gia tăng giữa Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và chính quyền của đảng Cộng hòa.

Trước tiên, đó là sự đối đầu giữa hai bên hồi đầu năm 2019 trong cuộc chiến ngân sách, mà chủ yếu liên quan tới kinh phí xây bức tường biên giới phía Nam nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư, đã khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ ngày 21.12.2018 đến tận ngày 25.1.2019, khoảng thời gian dài nhất trong lịch sử các lần đóng cửa.

Chưa dừng lại ở đó, cuộc đối đầu giữa Quốc hội và Nhà Trắng còn bộc lộ qua cuộc điều tra do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về hành động thông đồng của đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump với người Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Cuộc điều tra sau đó đã khép lại mà không thể đưa ra kết luận nào, cũng như không phát hiện bằng chứng Tổng thống Trump hay nhóm tranh cử của ông có sự thông đồng với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2016.

Và đỉnh điểm của sự đối đầu giữa phe Dân chủ và Cộng hòa trong năm qua là cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump mà đảng Dân chủ đang đẩy mạnh. Ngay sau cuộc điều tra do cựu Công tố viên Robert Mueller, đảng Dân chủ tiếp tục hướng sự tập trung vào cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump với cáo buộc ông đã lạm quyền nhằm gây sức ép đối với chính quyền Ukraine để giành lợi thế trước đối thủ chính trị năm 2020 của mình là cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Cơ sở cho cuộc điều tra này chính là cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Zelensky ngày 25.7.2019. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đã gây sức ép để Chính quyền Ukraine mở cuộc điều tra nhằm vào đối thủ chính trị lớn nhất của ông trong cuộc bầu cử 2020, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden.

Ngày 18.12.2019 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu và thông qua 2 điều khoản luận tội do phe Dân chủ đưa ra đối với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Đó là điều khoản cáo buộc Tổng thống Trump lạm quyền và điều khoản cáo buộc Tổng thống Trump cản trở Quốc hội. Với việc Hạ viện thông qua hai điều khoản luận tội trên, ông Donald Trump-vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ-đã trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội khi đang tại nhiệm. Mặc dù không phải là vị tổng thống đầu tiên bị tiến hành điều tra luận tội trong lịch sử Mỹ song với những gì đang diễn ra trên chính trường Mỹ, có thể thấy ông Trump là người phải chịu sức ép lớn nhất khi phải đương đầu với các cuộc tấn công của đảng Dân chủ.

Đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy các Thượng nghị sĩ Mỹ sẽ đồng ý kết án và phế truất Tổng thống Trump bởi với một Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát thì việc phế truất Tổng thống Donald Trump được coi là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, có thể thấy việc phe Dân chủ tại Hạ viện quyết tâm theo đuổi luận tội tổng thống trong năm qua là một trong những bước đi đầy toan tính chính trị nhằm làm giảm uy tín của Tổng thống Trump, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ đang tiến gần đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020. Những động thái này chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Trump “đau đầu” khi phải ứng phó với những diễn biến có phần bất lợi xuất hiện trong các cuộc điều trần kín và công khai gần đây và không thể “toàn tâm toàn ý” thực hiện các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mình.

Vẫn đầy xáo trộn với chính sách đối ngoại gây ảnh hưởng đến thế giới

Nếu như trong năm 2019, thành quả nổi bật của chính quyền Tổng thống Trump trong đối nội là duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, thì điểm nhấn nổi bật trong triển khai chính sách đối ngoại năm 2019 cũng là lĩnh vực này. Năm 2019, Mỹ đã đàm phán lại và ký kết thỏa thuận thương mại song phương với Hàn Quốc và thỏa thuận từng phần với Nhật Bản. Đáng chú ý, Mỹ đạt được hai thỏa thuận quan trọng trong cùng một tuần, bao gồm Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) và Thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Trung Quốc. Dù vẫn còn có những ý kiến khác nhau về nội hàm và khả năng được Quốc hội phê chuẩn, cũng như hiệu lực thi hành, song đây đều là những thỏa thuận thương mại được xem là có lợi cho Mỹ, đúng như mục tiêu mà ông Trump đã đặt ra.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực ngoại giao, quân sự, an ninh, Tổng thống Trump dường như đang “mắc kẹt” trong một loạt các vấn đề đối ngoại liên quan đến Triều Tiên, Syria, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các nước đồng minh của Mỹ, hay quan hệ giữa Washington và các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran…

Cụ thể, trong vấn đề Triều Tiên, mặc dù vào đầu năm 2019, quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện, nhưng do đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc nên vào những ngày cuối của năm 2019, quan hệ hai bên đang có chiều hướng gia tăng căng thẳng. Việc Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm thành công các loại vũ khí nhằm phát đi thông điệp là Mỹ cần thay đổi lập trường, cách tiếp cận trong quá trình đàm phán, cùng những tuyên bố cứng rắn, lời lẽ đe dọa qua lại giữa hai bên khiến tình hình rơi vào nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Còn đối với Iran, mặc dù chiến dịch gây áp lực tối đa bằng các lệnh cấm vận của Washington đã khiến nền kinh tế Iran suy thoái, nhưng dường như nó lại phản tác dụng khi đẩy Tehran vào tình thế phải tăng cường làm giàu nguyên liệu hạt nhân và thúc đẩy chính sách cứng rắn ở khu vực.

Quan hệ Mỹ-Nga trong năm qua cũng thêm căng thẳng khi hai bên sa vào chỉ trích và đổ lỗi cho nhau gây ra sự đổ vỡ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), và tình trạng này sẽ tiếp tục leo thang nếu hai bên triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn vốn trước đây bị cấm theo INF. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, INF đổ vỡ đã tạo ra một điểm nóng bất ổn mới với hậu quả khó kiểm soát, khiến tương lai của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí như Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hay Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT)…, đều trở nên bấp bênh.

Hơn nữa, việc triệt để theo đuổi khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" trong triển khai chính sách đối ngoại cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến một số toan tính sai lầm về chiến lược, đang đẩy nước Mỹ ngày càng rời xa các đồng minh và đối tác. Việc chính quyền Trump đang đòi hỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á phải tăng mức đóng góp chi phí lên tới 500% và 400% vào năm 2020 để đổi lấy việc duy trì sự hiện diện của binh sỹ Mỹ ở hai nước; hay việc Washington cũng đang thúc ép các nước thành viên NATO nâng chi tiêu quốc phòng đạt mức 2% GDP như cam kết đang khiến cho mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước trong năm qua bị giảm sút. Hay như việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Đông Bắc Syria vào tháng 10-2019 và đang cân nhắc rút 4.000 binh sỹ khỏi chiến trường Afghanistan được cho là sẽ tạo ra những khoảng trống nguy hiểm. Khoảng trống đó sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi các tổ chức cực đoan, bạo lực, gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với những lợi ích chiến lược của Mỹ và các nước đồng minh. Theo giới chuyên gia phân tích quân sự, hậu quả của hành động “vội vã” đó sẽ khiến Mỹ phải can thiệp trở lại trong những điều kiện khó khăn, tốn kém và thời gian dài hơn. Bài học từ việc chính quyền Tổng thống Barack Obama quyết định rút quân khỏi chiến trường Iraq hồi tháng 12-2011 đến nay vẫn hiện hữu.

Năm 2019 cũng là năm đánh dấu những bước đi gây hậu quả khó lường trong chính sách của chính quyền Mỹ đối với Trung Đông, khiến “điểm nóng" này liên tục bất ổn, thậm chí được cho là làm suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng địa-chính trị của Mỹ ở khu vực. Một trong số đó là tuyên bố ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của Do Thái ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, động thái làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Trump và người Palestine, khoét sâu chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu, cũng như ảnh hưởng tới triển vọng cho kế hoạch hòa bình lâu dài của Mỹ ở Trung Đông…

Có thể thấy việc chính quyền Mỹ kiên trì theo đuổi mục tiêu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, gắn liền với khẩu hiệu hành động ‘Nước Mỹ trước tiên”, đã tác động, chi phối toàn bộ quá trình thực thi chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ trong năm 2019 vừa qua.

Những dự đoán cho năm 2020

Năm 2020, cả nước Mỹ sẽ bước vào một sự kiện chính trị vô cùng quan trong, đó là cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Sự kiện chính trị quan trọng nhất diễn ra 4 năm/1 lần này được nhận định là sẽ chi phối sâu rộng quá trình thực thi chính sách đối nội và đối ngoại của Washington trong năm 2020 tới đây.

Theo các nhà phân tích, về đối ngoại, năm 2020 sẽ không có nhiều không gian và thời gian cho chính quyền Tổng thống Trump triển khai các chính sách đối ngoại. Đáng lưu ý trong năm 2020 có lẽ chỉ là hai sự kiện đối ngoại quan trọng là: hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN dự kiến diễn ra ngay trong quý I-2020, và tiếp đó là Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12.6.2020.

Và mọi nỗ lực còn lại của chính quyền có lẽ sẽ là tập trung vào việc đảm bảo sự tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump và ít nhất là đảng Cộng hòa duy trì được quyền kiểm soát Thượng viện. Cho đến nay, một trong những yếu tố then chốt được cho là cơ hội để ông Trump giành được nhiều sự ủng hộ của cử tri, đó vẫn là kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định vì nền kinh tế Mỹ khép lại năm 2019 với mức tăng trưởng được duy trì ở tốc độ vừa phải, nhờ sự hỗ trợ của chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động mạnh mẽ, nên năm 2020 nền kinh tế Mỹ có thể có dấu hiệu chững lại.

Cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính  thương mại hàng hóa toàn cầu chỉ tăng 1,2% trong năm 2019, thấp hơn mức dự báo 2,6% đưa ra hồi tháng 4-2019. Trong khi đó, trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 10.2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống còn 3%, đồng thời cảnh báo tăng trưởng tiếp tục suy yếu do các rào cản thương mại và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Vì vậy, đối với nền kinh tế Mỹ, vốn được coi là nền tảng cho sự thịnh vượng toàn cầu, tăng trưởng nhiều khả năng sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2020 do bất ổn thương mại kéo dài, thị trường lao động có thể suy yếu và triển vọng toàn cầu bấp bênh. Các chuyên gia của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia (NABE) dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm còn 1,8% vào năm 2020.

Trong khi đó, đối với phe Dân chủ, tham vọng của đảng này trong cuộc bầu cử vào năm 2020 tới đây sẽ không chỉ là giành quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, mà còn nhắm đến chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng sau 4 năm rơi vào tay đảng Cộng hòa.

Trong bối cảnh nền chính trị và người dân Mỹ ngày càng bị chia rẽ, thậm chí không loại trừ tác động từ nhân tố bên ngoài, để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, đòi hỏi mỗi đảng phải vượt qua thách thức vô cùng lớn trong năm 2020.


Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại nước Mỹ năm 2019 và những dự đoán cho năm 2020