Qua một năm thực hiện nghị quyết, đã có nhiều chuyển biến tích cực ở các tổ chức cơ sở đảng và cơ quan, đơn vị.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đã nghiêm túc nhìn lại những ưu điểm, khuyết điểm của cá nhân, tổ chức mình, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Qua một năm thực hiện nghị quyết, đã có nhiều chuyển biến tích cực ở các tổ chức cơ sở đảng và cơ quan, đơn vị.
Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về thực hiện
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)
Nhận rõ khuyết điểm"Những năm gần đây chưa có cuộc sinh hoạt chính trị nào mà tinh thần tự phê bình và phê bình lại diễn ra sôi nổi và nghiêm túc như đợt kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW 4) vừa qua. Hầu hết các tập thể, cá nhân đều mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của mình, trong đó việc tự nhận khuyết điểm khá phổ biến", đồng chí Phạm Xuân Lục, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nói về ưu điểm nổi bật trong thực hiện NQTW 4 tại tỉnh ta. Nhiều cán bộ, đảng viên khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này cũng thừa nhận: qua thực hiện nghị quyết, ý thức trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh tự phê bình và phê bình đã được nâng lên.
Tham dự cuộc làm việc giữa đoàn kiểm tra thực hiện NQTW 4 của Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Giang, chúng tôi được biết, khi tiến hành lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Giang đã xác định 57 vấn đề cần xem xét, giải trình, làm rõ. Trong 3 ngày kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể Ban Thường vụ và từng cá nhân thành viên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ rõ từng khuyết điểm như: việc công khai sâu rộng tới nhân dân những vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng một số dự án còn hạn chế; công tác quy hoạch vẫn chưa đồng bộ, chất lượng quy hoạch cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở còn thấp; có nơi nội bộ mất đoàn kết kéo dài nhiều năm... Qua đó, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định 15 vấn đề cần tập trung khắc phục, sửa chữa.
Tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tập thể lãnh đạo sở đã thẳng thắn thừa nhận 5 nhóm hạn chế cơ bản. Đó là: Việc triển khai, quán triệt, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiệu quả chưa cao. Việc quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trước năm 2011 có chỗ chưa đúng. Còn có tình trạng chậm trễ trong thực hiện chính sách với người có công và hướng dẫn, thẩm định, phê duyệt hồ sơ người bị nhiễm chất độc hóa học. Công tác quản lý nhà nước về lao động còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động. Còn một số sai phạm trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động xã hội.
Sự thẳng thắn, cầu thị trong việc chỉ rõ các hạn chế, khuyết điểm, nhất là khuyết điểm của tập thể, không chỉ diễn ra tại Huyện ủy Ninh Giang hay Sở LĐ-TB- XH mà diễn ra ở đa số các tổ chức cơ sở (TCCS) đảng, các cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra việc thực hiện nghị quyết tại một số đơn vị, có thể thấy hầu hết các gợi ý kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy đều trúng và đúng. Nhiều góp ý của các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã nghỉ hưu đều được tiếp thu, giúp các đơn vị nhận rõ hơn hạn chế, khuyết điểm của mình.
Nỗ lực sửa saiĐến Sở LĐ-TB-XH bây giờ, nhiều người cảm nhận rõ không khí làm việc nghiêm túc. Mọi quy trình thủ tục hành chính đều được công khai nhờ áp dụng cải cách hành chính theo mô hình khung. Trước đây, trong giải quyết chế độ chính sách với người có công, thời gian in, sao và trả hồ sơ cho đối tượng kéo dài tới 30 ngày, thì nay công dân có thể đợi để trả kết quả ngay. Hồ sơ hưởng chế độ mai táng phí, chế độ trợ cấp một lần với người có công và thân nhân người có công từ trần đã được tập trung giải quyết dứt điểm, không còn tồn đọng. Hơn 3.000 hồ sơ tồn đọng của các đối tượng đề nghị hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi với người bị nhiễm chất độc hóa học đã được giải quyết dứt điểm. Những trường hợp mới phát sinh đều cơ bản được giải quyết, tạo dư luận tốt trong nhân dân. Theo đồng chí Lưu Văn Bản, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, kết quả trên chính là nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, sắp xếp lại cán bộ... Phương châm cơ bản của sở là giữ vững dân chủ, không né tránh khuyết điểm, kịp thời kiểm điểm những việc đã làm được và rút kinh nghiệm với những việc chưa làm được trong các cuộc họp giao ban định kỳ, mạnh dạn kỷ luật cán bộ vi phạm đạo đức công vụ, gây phiền hà cho nhân dân.
TP Hải Dương, nơi có nhiều vấn đề "nóng" khiến dư luận bức xúc, đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh những khâu còn yếu. Thành phố tập trung thực hiện việc luân chuyển cán bộ ở các phòng, ban thường xuyên có giao dịch với tổ chức và công dân như: bộ phận "một cửa" của UBND thành phố, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Đội Kiểm tra quy tắc quản lý đô thị. Tăng cường chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo siết chặt quản lý tuyển sinh, phân lớp của các trường, chấn chỉnh nạn dạy thêm, học thêm tràn lan...
Từ chỗ chỉ rõ các hạn chế, khuyết điểm, nhiều TCCS đảng, cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa khuyết điểm với những giải pháp cụ thể, phân định rõ lộ trình thực hiện những vấn đề trước mắt và lâu dài. Một số nơi đã có những biện pháp quyết liệt và bước đầu thu được hiệu quả như: Huyện Tứ Kỳ tập trung khắc phục hạn chế trong công tác quản lý đất đai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ngành y tế tập trung các giải pháp nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành...
Còn nhiều việc phải làmTuy đã đạt những kết quả bước đầu, song việc thực hiện NQTW 4 tại nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Ngay từ khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã diễn ra tình trạng ở nhiều nơi khuyết điểm của tập thể thì nhiều, nhưng khuyết điểm của từng cá nhân lãnh đạo tập thể đó lại ít, chưa chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân với hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành kiểm điểm còn mang tính hình thức, ít ý kiến có chất lượng. Cá biệt có đơn vị không nhận được ý kiến góp ý nào. Sau kiểm điểm, có cơ quan, đơn vị cho rằng kiểm điểm tự phê bình và phê bình xong là hoàn thành việc thực hiện nghị quyết nên không quan tâm đến việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Vì thế, sau một năm thực hiện vẫn chưa đạt được chuyển biến nào đáng kể. Nhiều đơn vị tuy xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa khuyết điểm song chỉ mang tính hình thức, đối phó với các đoàn kiểm tra. Những giải pháp đã thực hiện mới tập trung nhiều ở công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chưa có giải pháp đột phá để khắc phục triệt để các hạn chế đã nêu.
Để NQTW 4 thực sự phát huy hiệu quả, mỗi TCCS đảng, đảng viên, mỗi cơ quan, đơn vị đều phải nghiêm túc kiểm điểm thường xuyên những việc đã làm và chưa làm được trong khắc phục các hạn chế, khuyết điểm. Thực hiện nghiêm các nhóm giải pháp trong nghị quyết, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khắc phục các hạn chế sau kiểm điểm...
TTND, TS BÙI ĐỨC LONG, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh:
Đã có chuyển biến trong tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân
Sau khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo NQTW 4, lãnh đạo bệnh viện đã xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Bệnh viện tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phục vụ bệnh nhân. Với vấn nạn phong bì, bệnh viện kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình gợi ý người nhà bệnh nhân để nhận tiền và quà biếu; đặt hòm thư góp ý tại tất cả các khoa, yêu cầu tất cả lãnh đạo, cán bộ, nhân viên bệnh viện phải ký cam kết thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của ngành y tế đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Sau gần 1 năm thực hiện NQTW 4, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện đã bước đầu có chuyển biến tích cực, những hạn chế đang được khắc phục dần. Số sai sót, vi phạm quy chế về chuyên môn, các thiếu sót về thủ tục hành chính và số đơn thư phản ánh của nhân dân về tinh thần, thái độ phục vụ giảm đáng kể. Không còn hiện tượng bán thuốc, vật tư tiêu hao ở các khoa. Một số thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh gây phiền hà cho nhân dân đã giảm.
Khoa cấp cứu tăng số lượng cán bộ, nhân viên lên gấp đôi, làm việc liên tục theo ca, phục vụ bệnh nhân 24/24 giờ, giải quyết kịp thời các ca bệnh. Bệnh viện bố trí mổ theo giờ trong cả ngày, hạn chế đáng kể tình trạng tiêu cực như “chạy” mổ sớm, mổ muộn, bán vật tư tiêu hao tại các khoa...
Đồng chíNGUYỄN XUÂN CHIÊN, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực (Ninh Giang):
Người đứng đầu phải gương mẫu
Qua thực hiện NQTW 4, tôi thấy để thực hiện các nhóm giải pháp mà nghị quyết nêu, thực sự đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thì điều quan trọng nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu. Cá nhân tôi trong gần 1 năm qua đã luôn cố gắng chấp hành nội quy, quy chế của UBND xã: đi làm đúng giờ, thực hiện dân chủ trong công tác quản lý, điều hành; tích cực học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật; nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp công dân; thường xuyên tự kiểm điểm lại những việc mình đã làm và kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cấp dưới... Từ những việc làm đó, tôi thấy hoạt động của UBND xã Hiệp Lực thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức xã được nâng lên. Một năm qua xã không có đơn khiếu nại, tố cáo, chỉ có một số đơn đề nghị.
Một số vấn đề người dân bức xúc như ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai... đã từng bước được giải quyết.
Tôi cho rằng việc khắc phục, sửa chữa các hạn chế, khuyết điểm của tập thể, cá nhân, có việc thực hiện được ngay và cần phải làm ngay, song cũng có việc cần có lộ trình mới thực hiện được. Vì vậy, kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải là việc làm thường xuyên, liên tục.
Luật sưNGUYỄN KIỀU ĐÔNG(TP Hải Dương):
Hạn chế trong thực hiện thủ tục hành chính chưa được khắc phục
Tôi được biết, trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình thực hiện NQTW 4 (khóa XI), nhiều cơ quan hành chính nhà nước đã thừa nhận hạn chế, khuyết điểm trong việc chậm cải cách thủ tục hành chính (TTHC), gây phiền hà, rắc rối cho nhân dân. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện nghị quyết, tôi thấy những hạn chế này cơ bản vẫn chưa được khắc phục. TTHC ở một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn rườm rà, phức tạp. Tỉnh ta chưa tổ chức được nhiều mô hình "một cửa liên thông" đối với một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều ngành, nhiều cấp. Việc thực hiện cơ chế "một cửa" ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức. Kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm. Ở một số lĩnh vực, cơ quan nhà nước vẫn "đẩy phần khó" cho tổ chức và công dân nên tình trạng người dân bị hành vẫn xảy ra khi thực hiện TTHC.
|
THANH MAI