Thường trực HĐND huyện Kim Thành đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngoài 25 bản tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tại hội nghị, đã có hơn 10 ý kiến tham gia trực tiếp. Qua tổng hợp kết quả, ở phần Lời nói đầu nên bỏ cụm từ "Trải qua mấy nghìn năm lịch sử". Ở khoản 2, điều 9 nên bổ sung cụm từ “và các tổ chức thành viên” trước cụm từ "là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống...". Khoản 3, điều 9 nên bỏ cụm từ “tạo điều kiện”. Đề nghị giữ nguyên điều 57 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2001), bởi những trường hợp đang thụ lý án hoặc bị hạn chế về năng lực hành vi thì không được phép kinh doanh, do vậy phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Điều 47 (sửa đổi, bổ sung điều 76) nên bỏ cụm từ "là tội nặng nhất” và thay bằng cụm “phải bị nghiêm trị theo pháp luật”. Điều 84 (sửa đổi, bổ sung điều 97) ở khoản 1 nên bỏ cụm từ “và của nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu” bởi lý do: Nội dung ý trên đã bao hàm cả nhân dân bầu đại biểu...
* Thường trực MTTQ huyện Cẩm Giàng vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại hội nghị, đã có 5 ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất về nội dung, bố cục, kết cấu trong dự thảo, đồng thời đóng góp cụ thể vào từng chương, từng điều. Trong đó, tập trung vào các điều liên quan đến chế độ chính trị, kinh tế, bảo vệ Tổ quốc, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chế độ sở hữu, việc quản lý, sử dụng đất, vai trò, trách nhiệm của Đảng với nhân dân, đất nước; quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, vai trò, quyền hạn của MTTQ với Nhà nước...
* Chiều 3-3, Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh tổ chức lấy ý kiến hội viên đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Một số hội viên góp ý: trong lời nói đầu nên thay đổi cụm từ "nhân dân ta", "nước ta" thành "nhân dân Việt Nam", "nước Việt Nam"; cần quy định rõ Quốc hiệu của đất nước; bổ sung quy định thành lập Tòa án Hiến pháp...
PV - TUẤN SỸ