Sáng 6 - 3, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các đại biểu tham dự hội nghị của Hội luật gia tỉnh góp ý sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm
Tại hội nghị, đã có 6 đại biểu tham gia đóng góp ý kiến vào hầu hết các chương. Các đại biểu đều thống nhất giữ nguyên điều 4 và điều 70. Một số ý kiến đề nghị thay đổi, bổ sung một số chữ chưa phù hợp và ghép một số điều lại với nhau như: ghép điều 13 với điều 14, ghép điều 21 với điều 44, ghép điều 46 với điều 50; giữ nguyên điều 66 và chỉnh sửa cho phù hợp; điều 13 cần ghi rõ tên tác giả của bài “Tiến quân ca” được sử dụng làm Quốc ca; bổ sung nội dung về giới. Một số đại biểu đề nghị bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần hạn chế sử dụng từ Hán - Việt.
* Tại hội nghị lấy ý kiến của Hội Luật gia tỉnh được tổ chức sáng 7 - 3 đã có 17 lượt ý kiến đóng góp khá cụ thể, chi tiết và đều lý giải cho việc thêm, bớt hoặc giữ nguyên các điều, mục, câu, từ và cụm từ. Có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi về quan điểm góp ý vào một số điều, mục. Chất lượng góp ý kiến khá cao, thể hiện sự tâm huyết của người tham gia góp ý.
* Cùng ngày 7-3, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã phối hợp với Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp. Hội nghị đã nhận được 12 ý kiến trực tiếp, trên 30 ý kiến bằng văn bản.
Các ý kiến tại hội nghị cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục, kết cấu dự thảo và đề xuất một số điểm cần chỉnh sửa, bổ sung. Lời nói đầu cần nêu được Hiến pháp của nước Việt Nam là sự kết tinh của trí tuệ, ý chí mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, tiếp thu các giá trị tinh hoa, tiến bộ của nhân loại, chủ nghĩa Mác - Lênin. Tại điều 21 cần thêm cụm từ "quyền làm việc và mưu cầu hạnh phúc theo pháp luật" vào cuối. Điều 116 cần nói rõ HĐND có mấy cấp. Đề nghị ghép các điều 1, 13 và 14. Ngoài ra còn một số ý kiến góp ý vào các vấn đề về văn hóa, môi trường, đất đai, tài nguyên khoáng sản...
* Thường trực HĐND huyện Kinh Môn đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phần lớn các ý kiến tập trung vào việc chỉnh sửa, thêm bớt các câu chữ cho chuẩn xác, phù hợp. Cụ thể, điều 1, đưa cụm từ “độc lập” lên trước cụm từ “dân chủ”. Khoản 1, điều 5 thay thế cụm từ “đất nước” bằng cụm từ “lãnh thổ”. Điều 13 bổ sung thêm nội dung: Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày quốc lễ. Điều 21 bổ sung thêm cụm từ “quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” vào sau cụm từ “mọi người có quyền sống”. Điều 44 bổ sung cụm từ “phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” vào sau cụm từ “tiếp cận các giá trị văn hóa”. Điều 98 nên thay cụm từ “một thời gian dài” bằng mốc thời gian cụ thể…
PV