Sau Kỳ họp thứ 16 và trước Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp thu nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Sau Kỳ họp thứ 16 và trước Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XIV, đạibiểu HĐND tỉnh đã tiếp thu nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và yêucầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. UBND tỉnh đã báo cáo kết quảgiải quyết tại kỳ họp về 58 vấn đề cử tri nêu. Sau đây là kết quả giải quyết một số vấn đề đáng quan tâm:Vừa qua, dịch lợn tai xanh lan rộng trên địa bàn tỉnh, khiến nhiều hộchăn nuôi gặp khó khăn. Hiện nay, việc phòng dịch, khôi phục chăn nuôiđang được quan tâm. Ảnh: Nhân Chính
Về việc cử tri đề nghị tiếp tục tăng cường chỉ đạo quản lý chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để hoạt động sản xuất nông nghiệp được bảo đảm:
Năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra chất lượng giống, vật tư nông nghiệp ở vụ chiêm xuân và vụ mùa; tổ chức kiểm tra tại 80 đơn vị sản xuất, đại lý cửa hàng kinh doanh thóc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh; lấy 113 mẫu đi kiểm tra chất lượng, kết luận có 43 mẫu không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn công bố, xử phạt hành chính 83 triệu đồng; tịch thu 117 lít thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, 55,5 kg thuốc BVTV ngoài danh mục.
Năm 2010, nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn các văn bản quản lý nhà nước cho cán bộ phòng NN-PTNT các huyện, thị xã, thành phố, các công ty sản xuất và kinh doanh và các đại lý cung ứng cấp I, II; tăng cường kiểm tra thực hiện quy định về quản lý chất lượng và chất lượng hàng hóa vật tư phục vụ nông nghiệp trên địa bàn. Trong 4 tháng đầu năm nay, Sở đã thành lập 3 đoàn kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp theo kế hoạch; kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh thóc giống, phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản; tiến hành lấy 19 mẫu thóc giống, 12 mẫu phân bón, 21 mẫu thức ăn chăn nuôi, 17 mẫu thuốc BVTV đưa đi phân tích. Kết quả trong tổng số 73 mẫu các loại có 17 mẫu không đạt yêu cầu, chủ yếu là hàm lượng các chất trong sản phẩm thấp hơn so với đăng ký trên bao bì. Đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 5 đơn vị, với số tiền là 30 triệu đồng, phạt cảnh cáo nhắc nhở 3 đơn vị.
Sở NN-PTNT đề nghị nông dân kịp thời phát hiện, tố cáo với cơ quan chức năng các cơ sở, doanh nghiệp bán hàng giả, hàng kém chất lượng để xử lý nghiêm theo quy định; tích cực trang bị kiến thức để có thể phân biệt “hàng thật, hàng giả”, tránh bị nhầm lẫn, gây thiệt hại cho sản xuất.
Về việc đề nghị ngành điện sớm thanh quyết toán đường dây lưới điện cho nhân dân và hoàn thiện Dự án Năng lượng nông thôn II:
Theo quy định, các công trình lưới điện trung áp nông thôn (CTLĐTANT) được đầu tư bằng nguồn vốn của các công ty cổ phần, các HTX, các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và các cá nhân, từ sau ngày 28-2-1999 đến ngày 1-10-2007 chưa được hoàn vốn thì Công ty Điện lực Hải Dương có trách nhiệm hoàn vốn theo giá trị còn lại tại thời điểm đánh giá bàn giao; thời gian hoàn vốn đến hết 31-12-2009.Năm 2009, toàn tỉnh có 32 công trình điện trung áp đã bàn giao nhưng chưa được hoàn trả. Khi có thông báo, đã có 22 chủ đầu tư đến làm việc với Công ty Điện lực Hải Dương, trong đó có 11 chủ đầu tư đủ điều kiện hoàn trả và số vốn hoàn trả là 1.541.145.800 đồng, còn lại 11 chủ đầu tư do hồ sơ chưa rõ nguồn vốn, Công ty Điện lực Hải Dương đề nghị làm lại nhưng thời gian hoàn trả đã hết. Như vậy toàn tỉnh hiện còn 21 CTLĐTANT đã bàn giao nhưng chưa được hoàn vốn. Sở Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và EVN xin gia hạn thời gian hoàn trả đến 31-12-2010 cho phù hợp với tình hình của địa phương. Khi được Bộ Tài chính và EVN chấp thuận, Công ty Điện lực Hải Dương có trách nhiệm hoàn vốn theo quy định. Đề nghị các chủ đầu tư công trình điện nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hoàn trả theo đúng quy định.
Phần lưới điện hạ áp, tính đến 31-4-2009, có 127 trong tổng số 234 xã có công trình lưới điện hạ áp (CTLĐHA) đã bàn giao cho Công ty Điện lực Hải Dương, chiếm 54%. Liên ngành Sở Công Thương - Tài chính đã có Văn bản số 218/HD-LN ngày 29-4-2009 hướng dẫn các địa phương trong việc giao nhận và thẩm định vốn tài sản lưới điện. Đến 30-3-2010, qua kiểm tra, đa số các huyện, thành phố chưa thành lập được Hội đồng định giá tài sản. 100% số công trình bàn giao chưa được thẩm định và chưa có quyết định bàn giao vốn do UBND huyện phê duyệt. Công ty Điện lực Hải Dương chỉ hoàn vốn những đơn vị đã đầu tư sau thời hạn hiệu lực của Quyết định số 4088/2001/QĐ-UB ngày 11-12-2001 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn và có chứng từ hoá đơn hợp lệ, số còn lại chờ Thông tư hướng dẫn của Liên Bộ Công Thương - Tài chính. Ngày 22-3-2010, Liên Bộ Tài chính - Công Thương có Thông tư số 06/2010/TTLT-BTC-BCT về việc hướng dẫn giao nhận hoàn vốn CTLĐHANT, UBND tỉnh đã có Quyết định số 774/QĐ-UBND ngày 7-4-2010 về việc thành lập Hội đồng định giá cấp tỉnh. Hiện nay, các tổ công tác đang hoàn thiện hồ sơ để thẩm định đợt đầu và báo cáo UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở cho hai bên giao nhận thực hiện.
Về Dự án Năng lượng nông thôn 2 (RE II), tỉnh ta có 60 xã tham gia dự án RE II, đến nay đã xây dựng xong 48 xã, trong đó có 40 xã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ cả hạ thế và trung thế (trung thế do Công ty Điện lực Hải Dương đầu tư). Sau khi xây dựng xong cả trung và hạ thế chất lượng điện rất tốt, tổn thất còn dưới 10%, bảo đảm nhu cầu điện sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Phần hạ thế còn lại 12 trong tổng số 60 xã đang thực hiện, có 3 xã đang thi công sẽ hoàn thành trong tháng 7-2010; 9 xã đã thi công xong phần cột điện, nhưng nhà thầu thi công chậm trễ, kéo dài, nên ngày 24-4-2010, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công là Công ty CP Việt Thịnh và cho đấu thầu phần còn lại chưa thi công (gồm: các xã Thanh Tùng, Đoàn Kết, Hồng Quang, Cao Thắng và Chi Lăng Bắc (Thanh Miện); Phú Thứ và Duy Tân (Kinh Môn); Tuấn Hưng và Kim Xuyên (Kim Thành). Hiện nay, Ban quản lý dự án đang làm thủ tục đấu thầu lại và theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong tháng 12-2010.
Về việc cử tri phản ánh công trình lô O.28, khu thương mại, du lịch mới phía đông TP Hải Dương đã làm sai quy hoạch được phê duyệt, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường, gây thiệt hại về kinh tế cho nhân dân.
Theo hồ sơ quy hoạch ban đầu được lập để trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư dự án với phương thức đổi đất lấy hạ tầng kèm theo Quyết định số 284/2002/QĐ-UBND ngày 30-1-2002 của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu thương mại, du lịch và đô thị mới phía đông TP Hải Dương, lô đất số O.5 gồm đất công viên cây xanh, hồ nước và 2 ô đất ở (ký hiệu O.5.1 và O.5.2) có diện tích là 10.400 m2. Sau khi được Chính phủ chấp thuận chủ trương và dự án, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo nhà đầu tư và các cấp ngành liên quan lập quy hoạch chi tiết phục vụ cho dự án; đồng thời ra Quyết định số 2752/QĐ-UBND ngày 18-6-2002 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu thương mại, du lịch và đô thị mới phía đông TP Hải Dương thay thế Quyết định số 284/2002/QĐ-UBND ngày 30-1-2002 nói trên. Trong quy hoạch được duyệt chính thức này, lô đất trên được đổi tên là lô số O.28 và chuyển diện tích của các ô số O.5.1 và O.5.2 từ đất ở thành đất hỗn hợp vì khu vực này có công viên, bãi đỗ xe và hồ nước phía sau, phía trước là đường Thanh Niên và khu văn hóa thể thao của tỉnh.
Trong quá trình giao đất thực hiện dự án và xem xét triển khai các quy hoạch chi tiết phù hợp với các yêu cầu thực tế về giao thông, vỉa hè, bố trí hợp lý các khu chức năng, các công trình hạ tầng, văn hóa, giáo dục, ngày 29-6-2005 UBND tỉnh đã có Quyết định số 2662/QĐ-UB phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 khu thương mại, du lịch và đô thị mới phía đông TP Hải Dương. Tại quy hoạch điều chỉnh này, ô đất số O.28 được điều chỉnh thu hẹp diện tích còn 9.220,4 m2 và chia thành 4 ô để giảm bớt quy mô xây dựng công trình, bỏ phần xây dựng 2 tòa nhà 18 tầng theo quy hoạch cũ, các công trình chỉ được xây cao tối đa 5 tầng, vì thời điểm này tỉnh có chủ trương xây dựng công trình Trụ sở HĐND và UBND tỉnh và quảng trường ở khu văn hóa thể thao, đối diện với lô đất O.28 ở phía bên kia đường Thanh Niên (công trình Trụ sở HĐND và UBND tỉnh dự kiến cao khoảng 6 tầng); khu phía đông ô đất là phần hồ nước có bố trí chuyển bán đảo cạnh hồ thành đảo giữa hồ, bắc cầu tạo cảnh quan cùng với cây xanh và bãi đỗ xe như trước. Do việc hạ thấp chiều cao công trình (chỉ còn 5 tầng) nên nếu chia lô đất O.28 với diện tích 9.220,4 m2 thành 4 ô (mỗi ô khoảng 2.300 m2) thì mật độ xây dựng công trình không phù hợp, các dự án bố trí mặt bằng không hợp lý. Ngày 27-2-2009, UBND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 782/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 lô O.28 khu thương mại, du lịch và đô thị mới phía đông TP Hải Dương, trong đó khu đất hỗn hợp có diện tích 9.220,4 m2 được chia thành 8 ô, mỗi ô khoảng 1.150 m2 và xác định giảm mật độ xây dựng được phép trong ô đất chỉ còn 60% để bảo đảm cảnh quan, hài hòa với công trình Trụ sở HĐND và UBND tỉnh phía đối diện và hồ nước, công viên cây xanh phía đông, hài hòa với quy mô chiều rộng chiều cao của từng dự án đầu tư trong ô đất; các hạng mục khác vẫn theo quy hoạch cũ đã duyệt.
Như vậy, lô O.5 sau này là lô O.28 đã có khu đất giáp đường Thanh Niên được quy hoạch ngay từ đầu để xây dựng công trình nhà ở, sau chuyển thành đất hỗn hợp, và được điều chỉnh giảm quy mô, chiều cao, mật độ xây dựng cho phù hợp với quá trình sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch đô thị dọc đường Thanh Niên, khu văn hóa thể thao và khu quảng trường, công sở hành chính của tỉnh, nhưng không sai hoặc tăng lớn hơn quy hoạch được duyệt ban đầu.
Về việc cử tri nhiều nơi phản ánh việc xử lý khí thải của các cơ sở sản xuất gạch đất nung tại địa phương gây ô nhiễm, đề nghị chỉ đạo kiểm tra cụ thể:
Ngày 1-8-2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010. Về vật liệu xây dựng, quyết định nêu: “... tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị trước năm 2005, ở các vùng khác trước năm 2010”. Triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1-6-2009, UBND tỉnh đã có Văn bản số 761/UBND-VP về việc tăng cường kiểm tra xử lý các lò gạch thủ công xây dựng và vận hành trái các quy định của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: “Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các quy định của tỉnh về sản xuất gạch thủ công; thông báo rộng rãi cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được biết chủ trương của tỉnh là sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất gạch thủ công trên địa bàn tỉnh vào ngày 31-12-2010”. Từ nay đến 31-12-2010, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan yêu cầu, giám sát các chủ lò gạch phải thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Cụ thể, đối với lò gạch thủ công có xử lý khí thải bằng nước vôi (lò úp vung), phải thực hiện liên tục quy trình phun nước vôi (kiểm tra độ PH) để bảo đảm hiệu quả hấp thụ xử lý khí thải. Đối với lò sản xuất gạch liên tục kiểu đứng, than phải được nghiền nhỏ, phối trộn nhào luyện cùng với đất sét và tuyệt đối không được kẹp than thêm trong quá trình nung. Các chủ lò phải dừng nung đốt lò vào thời điểm nhạy cảm đối với cây trồng tại vùng dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là cây lúa. Nghiêm chỉnh thực hiện sự chỉ đạo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để giải quyết, khắc phục hậu quả do khói lò gạch gây ra đối với sản xuất và môi trường...
Về việc cử tri huyện Ninh Giang phản ánh Bệnh viện Đa khoa huyện còn thiếu nhiều bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ có chuyên môn cao, đề nghị có chính sách ưu đãi, thu hút bác sĩ về huyện và xã; tăng cường đầu tư cho trạm y tế cơ sở để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân:
Thiếu bác sĩ là tình trạng chung của các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Dự kiến từ nay đến năm 2015, để có đủ bác sĩ bảo đảm đạt tỷ lệ 7,5 bác sĩ/10 nghìn dân, toàn tỉnh cần tiếp nhận thêm 400 bác sĩ. Việc thiếu bác sĩ có chuyên môn cao tại tuyến huyện cũng có những nguyên nhân khách quan, khó giải quyết. Để có bác sỹ chuyên môn cao, ngoài sự phấn đấu của cá nhân các bác sĩ cần phải có cơ sở vật chất và trang thiết bị phù hợp, đồng thời phải có ê - kíp làm việc khá đồng bộ mới phát huy được chuyên môn. Mặt khác, bác sĩ có chuyên môn cao thường có xu hướng chuyển công tác lên tuyến trên.
Để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút bác sĩ trình cấp có thẩm quyền quyết định. Hiện nay, Sở Y tế đang triển khai khảo sát, xây dựng dự thảo. Trong khi chưa ban hành được chính sách, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế thực hiện luân chuyển bác sĩ về cơ sở; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung cải cách lề lối làm việc, quy chế hoạt động của đơn vị, tạo môi trường công tác dân chủ, thuận lợi, hấp dẫn để thu hút bác sĩ về làm việc. UBND tỉnh sẽ cân đối ngân sách để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phù hợp với năng lực chuyên môn của đội ngũ bác sĩ ở từng đơn vị y tế cụ thể.
Về đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã đang có nhu cầu cấp bách, để mua đủ 175 trang thiết bị y tế theo chuẩn của Bộ Y tế, mỗi trạm y tế cần số kinh phí tối thiểu là 1 tỷ đồng. Số kinh phí này là quá lớn đối với ngân sách địa phương và ngành y tế. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tiến hành xây dựng đề án củng cố y tế cơ sở gắn liền với xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015, trong đó chủ yếu là nâng cao năng lực trạm y tế xã về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
T.S