Có trường tuyển sinh bằng học bạ được một năm thì bỏ. Có trường không xét học bạ vì không tin kết quả này. Một số trường đưa thêm nhiều tiêu chí sàng lọc khi xét tuyển học bạ.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ năm 2022 tại một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh - Ảnh: M.G.
Năm 2018, trước làn sóng xét tuyển học bạ từ các trường đại học, Trường Đại học (ĐH) Nha Trang lần đầu tiên đưa phương thức xét tuyển này vào tuyển sinh. Tuy nhiên, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng đến thời điểm này trường tuyển sinh bằng điểm học bạ.
Độ tin cậy không cao
TS Tô Văn Phương - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang - cho biết năm đầu tiên trường tuyển sinh bằng điểm học bạ, kết quả thí sinh trúng tuyển với điểm số rất cao. Tuy nhiên, kết quả học tập bậc đại học trong hai học kỳ đầu của những sinh viên trúng tuyển bằng điểm học bạ lại rất thấp.
"Điều này trái ngược với những sinh viên trúng tuyển bằng các phương thức khác. Rõ ràng có sự chênh lệch rất lớn về kết quả học tập giữa bậc phổ thông và năng lực thực sự của thí sinh. Đó là lý do sau một năm tuyển sinh học bạ trường đã quyết định không tuyển sinh bằng phương thức này nữa" - ông Phương nói.
Từ thực tế của trường mình, ông Phương cho rằng kết quả học bạ THPT, nhất là kết quả lớp 12, mức độ tin cậy không cao lắm. Mỗi trường, mỗi giáo viên, từng vùng miền sẽ có cách đánh giá, ghi nhận kết quả học tập khác nhau nên nếu sử dụng kết quả học bạ xét tuyển đại học sẽ tạo ra sự không công bằng.
Cũng vì băn khoăn độ tin cậy kết quả học bạ, nhiều trường đại học đến nay vẫn không xét tuyển bằng kết quả học tập bậc phổ thông. Lãnh đạo một trường đại học công lập không xét tuyển học bạ cho biết nguồn tuyển chính của trường vẫn là kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
"Kết quả học tập bậc phổ thông không được đánh giá ngang nhau giữa các tỉnh, huyện, trường, thiếu sự tin cậy nên sử dụng kết quả này để xét đại học là không công bằng. Đó là lý do trường không xét tuyển bằng học bạ" - vị này cho biết.
Tương tự, từ kết quả học tập của chính con mình, một trưởng phòng đào tạo cho hay trong hai năm dịch bệnh, việc học và đánh giá thực sự không phản ánh đúng năng lực học sinh. Đó là lý do khiến kết quả học bạ chưa thực sự đáng tin cậy.
Không xét thuần kết quả học bạ
Hiện nay, các trường đại học sử dụng khá nhiều phương thức xét tuyển. Một số trường sử dụng kết quả học bạ làm căn cứ xét tuyển nhưng không dựa hoàn toàn vào điểm số. Nhiều tiêu chí khác được đưa vào nhằm sàng lọc, lựa chọn được thí sinh có năng lực thực sự, phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường.
Trong đó, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh dành 65% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. 35% chỉ tiêu còn lại xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm dựa vào kết quả học bạ kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
PGS.TS Trần Hoàng Hải - quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT có chuẩn đánh giá chung nên trường sử dụng phần lớn chỉ tiêu cho phương thức điểm thi tốt nghiệp. Phương thức xét học bạ, dù yêu cầu thí sinh đạt từ 21 điểm trở lên nhưng bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế/SAT".
Tương tự, TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) - cho biết ngoài phương thức dựa vào kết quả học tập bậc phổ thông các trường chuyên, trường THPT top, trường có mở rộng thêm phương thức cho học sinh các trường THPT.
"Tuy nhiên, trường đưa thêm vào các tiêu chí phụ để tính điểm cộng thêm như hoạt động xã hội, kết quả thi học sinh giỏi, thành tích các cuộc thi văn nghệ, thể thao, môi trường... Đây là những thí sinh có năng lực thực sự, phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường" - ông Hạ nói.
Điểm chuẩn học bạ “tăng dần đều” trong 3 năm qua
Tại nhiều trường đại học, điểm chuẩn phương thức học bạ hầu hết các ngành đều tăng dần trong ba năm qua. Cá biệt có một số ngành tăng rất mạnh.
Điểm chuẩn học bạ một số ngành có điểm chuẩn tăng mạnh của các trường ba năm qua như sau:
Bệnh thành tích, sự dễ dãi
Ở khía cạnh tích cực, TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - cho rằng nếu gác sang bên chuyện lạm phát điểm học bạ thì việc xét học bạ phản ánh đúng hơn quá trình học tập của học sinh. Nó cũng cho thấy sức học của học sinh theo thời gian, loại trừ được yếu tố đột xuất nhất thời.
"Tiếc là bệnh thành tích, sự dễ dãi của giáo viên và lòng mong mỏi của phụ huynh dẫn đến nhiều học bạ bị sai lệch điểm, từ ít đến rất nhiều. Do đó, có thể tổ chức tuyển sinh đại học bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính là còn tin được" - ông Phương đề xuất.
Theo Tuổi trẻ