Xử lý nợ xấu, tăng cường thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro sẽ là tiền đề tốt cho tái cơ cấu các ngân hàng thương mại.
Sáng 9-10, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hội thảo quốc tế “Chuyển động kinh tế vĩ mô và Triển vọng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”. Tham dự hội thảo có các diễn giả là những nhà kinh tế, các chuyên gia tài chính ngân hàng hàng đầu trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo các chuyên gia kinh tế, trong và ngoài nước tập trung, phân tích tình hình và đưa ra các kiến nghị cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập quốc tế và tái cấu trúc ngành ngân hàng Việt Nam, cũng như những nhận định về triển vọng kinh tế đến hết năm 2013 và năm 2014.
Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã tạo ra những điều kiện nền tảng thuận lợi ban đầu cho tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.
Nhiều ý kiến nhất trí với việc áp dụng đồng bộ những giải pháp về xử lý nợ xấu, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nâng cao quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại và giảm sở hữu chéo... Điều này khiến cho tiến trình tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại của Việt Nam thời gian tới sẽ đạt được kết quả tích cực.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không thể thành công được nếu như việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công không triển khai đồng bộ và quyết liệt, bởi vì rõ ràng liên quan chặt chẽ đến nhau.
“Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì dứt khoát phải làm mạnh mẽ hơn đối với tái cơ cấu doanh nghiệp đặc biệt đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta cần đưa tín hiệu ra thị trường một cách nhất quán với tốc độ nhanh và khẩn trương sẽ là tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Lực chia sẻ.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng cho rằng, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại trên thực tế vẫn còn nhiều thách thức như thiếu thông tin, hay nhiều vấn đề về xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng tín dụng. Đây là những tồn tại đã được nhận định nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để nhằm mang lại hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
Văn Hiếu (VOV)