Nhiều trẻ em thiếu "hơi ấm" gia đình

31/12/2013 10:09

Do không được sự quan tâm đúng mức của gia đình nên nhiều trẻ trở nên ham chơi, lười học hoặc bị bạn bè xấu rủ rê lôi kéo vào những việc làm xấu...




Nhiều trẻ nông thôn thiếu sự quan tâm của gia đình, dẫn đến tình trạng thường xuyên bỏ học,
tụ tập chơi bời, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội (ảnh chỉ mang tính minh họa)


Ở nông thôn, nhiều gia đình mải lo làm kinh tế, ít có thời gian quan tâm, chăm sóc tới con cái. Do đó, nhiều trẻ trở nên ham chơi, lười học hoặc bị bạn bè xấu rủ rê lôi kéo, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trẻ sau này.

Em Nguyễn Văn D. 17 tuổi, ở thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên (Kim Thành) bỏ học khi vừa học hết THCS. Trước đó, D. thường xuyên trốn học, tụ tập bạn bè chơi bời lêu lổng. Bố mẹ D. đều là công nhân, bận rộn tối ngày nên không có thời gian chăm lo, giáo dục con. Nhiều lần nhà trường yêu cầu phụ huynh quan tâm hơn tới việc học hành của con nhưng bố mẹ D. cũng chỉ nhắc nhở, bảo ban qua loa rồi thôi. Bố D. nói: "Tôi mải chăm lo cho kinh tế gia đình, ít có thời gian quan tâm tới con. Muốn cho con đi học cái nghề, nhưng nó không chịu học, nên bây giờ chỉ ở nhà chơi".

Em Trần Văn N. 9 tuổi, ở thôn Phạm Xá 1, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) cũng đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Bố mẹ N. đi làm công ty, nhiều hôm tăng ca tối muộn mới về nhà. N. ở nhà một mình, nhiều bữa phải nhịn đói hoặc ăn mì tôm để đi học. Đã vậy, bố mẹ N. thường xuyên bất hòa với nhau, mỗi lần như thế N. lại phải nghỉ học 1 hoặc 2 ngày theo mẹ về quê. Chính vì vậy, kết quả học tập của N. kém hẳn so với các bạn. Không những thế, N. còn nhiều lần lấy trộm tiền của bố mẹ để đi chơi điện tử.

Vợ chồng chị Bùi Thị D. ở thôn Hà Kỳ, xã Hà Hải (Tứ Kỳ) đều đi lao động ở nước ngoài. Khi con gái chị là cháu Nguyễn Thị Q. vừa được 3 tuổi, chị phải gửi cháu ở nhà cho ông bà nội, ngoại chăm sóc. Đến nay, con gái chị đã học lớp 6, tuy được ông bà nội, ngoại quan tâm chăm sóc nhưng cháu rất nhút nhát, sợ giao tiếp với người lạ. Ông ngoại Q. nói: "Ở lớp, nhiều lần các bạn trêu cháu bị bố mẹ bỏ rơi, mặc dù về nhà chúng tôi đã giải thích với cháu, nhưng các bạn nói nhiều làm cháu sợ hãi, nhút nhát".

Những trường hợp kể trên không phải hiếm gặp ở nông thôn. Những gia đình có nhiều người hoặc nhiều thế hệ cùng chung sống thì việc quản lý, chăm sóc trẻ sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Nhưng cũng có nhiều gia đình nhỏ, ít thành viên, bố mẹ mải lo kinh tế không có thời gian dạy bảo con, phó thác việc giáo dục, quản lý con mình cho nhà trường. Đây là thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi phải có sự thay đổi nhận thức từ các gia đình và cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Thực tế cho thấy, trẻ đang trong giai đoạn phát triển mà thiếu đi sự quan tâm, giáo dục của gia đình sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách sau này, từ đó hình thành một lượng thanh thiếu niên thất học, lêu lổng, bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như: trộm cắp, cướp giật... Vì vậy, trẻ cần được gia đình và nhà trường quan tâm chặt chẽ.

Theo ông Nguyễn Trọng Khiêm, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đính (Kim Thành) thì trách nhiệm giáo dục trẻ quan trọng nhất là từ phía gia đình. Việc chăm lo cho kinh tế gia đình là điều cần thiết nhưng phải bảo đảm được trách nhiệm làm cha mẹ của mỗi người. Bản thân gia đình là chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho trẻ nên phải thường xuyên động viên, chia sẻ, tâm sự với trẻ, sớm phát hiện ra những điều không tốt để kịp thời uốn nắn. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương để tất cả những học sinh có biểu hiện sa sút về học tập hoặc vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật phải được quản lý và có biện pháp ngăn ngừa, giáo dục kịp thời. Ông Khiêm nói thêm: "Trẻ thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ rất dễ trở thành học sinh cá biệt, có học lực yếu kém. Nhà trường cần quan tâm, phát hiện kịp thời, động viên, khích lệ mặt mạnh của các em, cho các em thấy được bản thân mình vẫn còn nhiều điểm tốt để vươn lên".

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều trẻ em thiếu "hơi ấm" gia đình