Nhiều trạm bơm do HTX Dịch vụ nông nghiệp các xã, thị trấn ở huyện Tứ Kỳ quản lý đã bị xuống cấp, làm hạn chế năng lực tưới tiêu, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.
|
Máy móc của trạm bơm thôn Hàm Cách, xã Hà Thanh thường xuyên hỏng hóc, ảnh hưởng tới việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất
|
Trạm bơm thôn Mỹ Ân, xã Văn Tố xây dựng từ năm 1976 có công suất 1.000 m3/giờ, làm nhiệm vụ điều tiết nguồn nước tưới cho hàng chục ha đất canh tác của bà con nông dân trong thôn. Những năm gần đây, vào đầu mỗi vụ sản xuất, mặc dù HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Tố luôn chủ động tu sửa hệ thống máy móc nhưng do trạm bơm này đã khai thác 40 năm nên máy bơm thường xuyên bị trục trặc. Có lần HTX phải mất cả tuần sửa chữa, nông dân thiếu nước làm đất, tiến độ gieo cấy bị chậm lại.
Trạm bơm thôn Mỹ Ân chỉ là một trong 7 trạm bơm mà HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Tố đang quản lý. Các trạm bơm đều được xây dựng từ những năm 1976 - 1980 nên máy móc hiện đã lạc hậu, xuống cấp, thường xuyên hư hỏng. Bình quân mỗi năm HTX phải đầu tư 50 triệu đồng để thay bi, thay dầu, quấn lại mô tơ, thay ống hút, ống xả... Tuy nhiên, việc hỏng hóc đôi khi vẫn xảy ra, ảnh hưởng tới việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất. Ông Bùi Thế Lộc, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Văn Tố cho biết: "Địa phương không có kinh phí, việc xây mới, nâng cấp các trạm bơm phụ thuộc vào khoản cấp bù thủy lợi phí hằng năm mà HTX được nhận. Tuy nhiên, số tiền đó cũng chỉ đủ để chi trả tiền điện, lương vận hành cho công nhân và tu sửa thường xuyên".
HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Dân Chủ hiện đang quản lý 10 trạm bơm điện với công suất từ 500-1.000 m3/giờ. Các trạm bơm đều được xây dựng từ trước năm 2000 và đã cũ kỹ, lạc hậu. Mặc dù thường xuyên được sửa chữa, bảo trì song đôi khi các trạm bơm vẫn xảy ra sự cố như chập cháy, hỏng mô tơ, vỡ bi, vòi bơm bị rò. Ông Phạm Tiến Bình, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Dân Chủ cho biết: "Các trạm bơm cứ hỏng hóc, trục trặc chỗ nào thì chúng tôi lại sửa chỗ đó nên cơ bản vẫn đáp ứng được nguồn nước phục vụ sản xuất. Nhưng về lâu dài các trạm bơm cần phải được đầu tư nâng cấp, xây mới thì mới đáp ứng được năng lực tưới tiêu. Hiện nay, bể xả các trạm bơm mặc dù được xây dựng kiên cố nhưng do khai thác nhiều năm nên đã bị bào mòn. Nhiều bể hút bị bồi lắng, hệ thống kênh dẫn chật hẹp, cỏ dại, bèo tây phát triển nên việc đưa nước tới ruộng vừa mất thời gian, vừa gây tổn thất điện năng. Nguồn kinh phí tu sửa hằng năm hạn hẹp nên những tồn tại trên chưa được giải quyết triệt để".
HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh quản lý 3 trạm bơm: Hữu Chung, Kiều Long và Hàm Cách. 3 trạm bơm này có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 250 ha đất canh tác của địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, các trạm bơm chỉ cung cấp nước tưới cho khoảng 120 ha. Nguyên nhân là do đồng đất cao thấp xen kẽ, các trạm bơm xây dựng từ lâu, máy móc cũ kỹ, công suất thấp, lại thường xuyên hỏng hóc nên không thể đưa được nước tới các khu đồng cao. Năm 2008, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh phải đầu tư mua một máy bơm dầu di động công suất 250 m3/ha để bơm chuyển tiếp nước tới các chân ruộng trên cao phục vụ nông dân gieo cấy. Năm 2014, HTX vay tiền ngân hàng, đồng thời vận động xã viên đóng góp xây dựng trạm bơm công suất 1.000 m3/giờ tại thôn Kiều Long với kinh phí 165 triệu đồng. "Từ ngày đưa trạm bơm Kiều Long vào khai thác, việc điều tiết nước phục vụ sản xuất của HTX cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, các trạm bơm còn lại thường xuyên bị hỏng hóc, mỗi năm gây tốn kém 60-70 triệu đồng tiền sửa chữa, việc cung cấp nước đôi khi không kịp thời khiến nông dân bức xúc", ông Nguyễn Trọng Tải, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh than thở.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết: toàn huyện hiện có 94 trạm bơm tưới. Trong đó, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện quản lý 26 trạm bơm với tổng số 77 máy bơm, phục vụ tưới cho 2.800 ha lúa, rau màu và nuôi trồng thuỷ sản. Các HTX Dịch vụ nông nghiệp quản lý 68 trạm bơm với tổng số 85 máy, tưới cho 2.150 ha. Nhìn chung, các trạm bơm do HTX Dịch vụ nông nghiệp quản lý đều xây dựng tạm thời, máy móc lắp đặt không đồng bộ, cao trình thiết kế mực nước tới bể hút chưa hợp lý, máy móc thiết bị chưa được tu sửa, nâng cấp, bảo dưỡng thường xuyên nên trong quá trình vận hành một số máy bơm thường bị hư hỏng và thiếu nước tại bể hút dẫn đến bơm tưới không kịp thời, tiêu hao điện năng lớn. Hiện nay, hệ thống kênh tưới đầu mối của 50 trạm bơm do HTX Dịch vụ nông nghiệp các xã, thị trấn quản lý đã được kiên cố hóa, 18 trạm bơm còn lại có hệ thống kênh tưới đầu mối hoàn toàn làm bằng đất, bờ kênh sạt lở nhiều, đáy kênh bồi lắng làm ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông và thời gian bơm nước.
Việc chủ động bảo đảm nguồn nước tưới rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay. Trạm bơm do các HTX Dịch vụ nông nghiệp quản lý giữ vai trò không thể thay thế trong việc đưa dẫn nước tưới phục vụ nông dân sản xuất và tiêu úng. Do đó, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư nâng cấp các trạm bơm nhằm đáp ứng tốt năng lực tưới tiêu.
AN THANH