Trước sự chuyển biến không ngừng của đời sống xã hội, sự tấn công của "mặt trái" nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị nét đẹp gia đình truyền thống đang mai một...
Mô hình gia đình nhiều thế hệ chung sống đang ít dần cùng với nhiều giá trị truyền thống mai một
Những năm gần đây, mô hình gia đình truyền thống đã và đang trở nên hiếm hoi, thay vào đó là mô hình gia đình hạt nhân (ít thế hệ, ít thành viên). Mặc dù có một số ưu điểm, song gia đình hạt nhân cũng nảy sinh nhiều bất cập.
Nhiều giá trị bị lung layÔng Hoàng Văn Doãn, 75 tuổi ở thôn Đồng Ngọ, xã Nam Đồng (TP Hải Dương) có 6 người con. Cách đây dăm năm, gia đình ông với nhiều thế hệ quây quần mặc dù cuộc sống chỉ trông vào nông nghiệp. Giờ đây, các con lần lượt ra ở riêng, đại gia đình ông chỉ còn hai vợ chồng già tự chăm nhau. Ông Doãn cho biết, các con giờ đều phải lo làm ăn, lo cho gia đình riêng nên chỉ lúc vợ chồng già đau ốm, chúng mới chăm sóc được. Hiện thôn Đồng Ngọ có khoảng 10 cặp vợ chồng già không ở chung với con cháu như ông.
Gia đình hạt nhân cũng tác động mạnh mẽ đến trẻ em. Mặc dù được chăm sóc tốt về vật chất nhưng trẻ lại hụt hẫng về tinh thần. Cha mẹ bận rộn làm kinh tế thiếu thời gian chăm sóc con. Ở nông thôn, ông bà chăm sóc cháu do con đi làm ăn xa. Ở thành thị, trẻ được giao cho người giúp việc trong khi môi trường xã hội đầy rẫy phức tạp, cạm bẫy. Vì vậy, tình trạng trẻ em hư ngày càng gia tăng là điều dễ hiểu.
Xã hội phát triển thì bạo lực gia đình (BLGĐ) đang trở thành nỗi ám ảnh trong nhiều gia đình. Vợ chồng chị Nguyễn Thị N. (Chí Linh) đều là nhân viên cơ quan nhà nước. Con cái đề huề, chồng chị N. vẫn lén lút ngoại tình. Khi chị N. phát hiện, ngăn cản thì người chồng không tỉnh ngộ mà còn đánh đập chị dã man. Nhiều lần nhờ gia đình hai bên can thiệp không được, chị đành trở về nhà bố mẹ đẻ chờ làm thủ tục ly hôn.
Theo luật sư Đào Thanh Huyền, người phụ trách đường dây nóng về phòng, chống BLGĐ của tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có hơn 400 cuộc gọi thông báo bị bạo hành gia đình xin được tư vấn. Trong đó, 80% số nạn nhân bị bạo hành là nữ. BLGĐ làm cho những giá trị văn hóa gia đình bị méo mó, gây những hậu quả khôn lường. Năm 2009, chồng chị Trần Thị T. ở xã Nam Hồng (Nam Sách) đi uống rượu say về nhà gây sự đánh vợ. Thấy vậy, con anh chị là cháu H. vào can cũng bị bố đánh. H. chạy sang hàng xóm nhờ người can ngăn và đã bị ngã dẫn đến tử vong.
Sự mai một những giá trị gia đình truyền thống còn thể hiện qua việc gia tăng tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ. Nguyên nhân nhiều khi chỉ từ mâu thuẫn nhỏ nhặt, sự bất đồng quan điểm trong lối sống. Theo Toà án Nhân dân tỉnh, trong năm 2013, tòa án 2 cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 3.007 vụ ly hôn, giải quyết 2.716 vụ việc. Có 1.460 cặp vợ chồng ly hôn ở độ tuổi từ 18-30, chiếm gần 54%.
Những giá trị tốt đẹp trong gia đình cũng đang đứng trước thách thức của lợi ích kinh tế. Nhiều cô gái chấp nhận lấy chồng ngoại mong có cuộc sống sung túc. Tại các xã Dân Chủ, Minh Đức, Quang Phục (Tứ Kỳ), Gia Tân, Gia Xuyên, Gia Hòa (Gia Lộc), phường Phả Lại (Chí Linh)… con gái lấy chồng ngoại quốc không còn là chuyện lạ. Bên cạnh những cô gái may mắn tìm được hạnh phúc nơi đất khách cũng không ít người phải ngậm ngùi cay đắng bồng bế con trở về...
Phát huy giá trị truyền thốngCó nhiều nguyên nhân khiến các giá trị gia đình bị lung lay. Đó là sự giáo dục chưa nghiêm của cha mẹ đối với con cái; nền kinh tế thị trường chi phối, tình cảm ruột thịt bị coi nhẹ; mô hình gia đình hạt nhân thay thế gia đình nhiều thế hệ khiến sự giáo dục về gia phong của bậc cao niên với con cháu không được duy trì; cái tôi được đề cao, khi hạnh phúc lứa đôi không còn, ly hôn là giải pháp lựa chọn…
Thời kỳ mới đòi hỏi nhân rộng các mô hình gia đình phát triển bền vững
Theo bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trải qua các thời kỳ, gia đình hạnh phúc với những giá trị truyền thống sâu sắc vẫn luôn là đích hướng tới.
Để phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, cần coi trọng sự giáo dục, gìn giữ của mỗi thành viên trong gia đình. Tình yêu thương, lòng chung thủy, sự vị tha là nền móng vững chắc cho một gia đình hạnh phúc. Trong gia đình, cha mẹ phải là tấm gương để con cái noi theo học tập. Ở những gia đình có nhiều thế hệ chung sống, đạo lý hiếu thảo, thuận hoà, trên kính, dưới nhường sẽ lấp đầy mọi khoảng cách. Trân trọng phong tục thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ, phong tục đẹp trong việc cưới, việc tang, lễ hội là một cách để giữ gìn nét đẹp gia đình truyền thống. Về phía xã hội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị gia đình. Trước khi kết hôn, các bạn trẻ nên được tư vấn kiến thức, kỹ năng về đời sống gia đình. Các cấp, các ngành thường xuyên biểu dương, nhân rộng những tấm gương sáng về đạo lý gia đình trong cuộc sống. Các thôn, khu dân cư thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng gia đình văn hoá; nhân rộng các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, các “địa chỉ tin cậy” về phòng, chống BLGĐ...
NGỌC HÙNG