Nhiều nơi “trắng” làng văn hóa

13/04/2013 07:07

Toàn tỉnh hiện còn 11 xã "trắng" làng văn hóa. Trong đó nhiều nhất là Thanh Hà có 3 xã; các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, mỗi nơi 2 xã, thị trấn...



Dân số ít, sống phân tán theo môi trường sông nước nên việc xây dựng làng văn hóa với
 xã Kênh Giang (Chí Linh) rất khó khăn


An Lương là một xã thuần nông của huyện Thanh Hà. Xã có 3 thôn là Lương Lại, Hoàng Lại, An Lại nhưng chưa thôn nào đạt danh hiệu văn hóa. Nhiều năm nay, phong trào an ninh trật tự của địa phương luôn được bảo đảm. Xã có trên 3.000 nhân khẩu, tỷ lệ sinh con thứ 3 luôn ở mức thấp. Xã cũng đã có bãi rác công cộng và tổ thu gom rác. Đường làng, ngõ xóm đã được bê - tông hóa. Anh Nguyễn Tiến Hoan, cán bộ văn hóa xã An Lương cho biết: Một trong những tiêu chí cứng của làng văn hóa là phải có nhà văn hóa thôn đạt chuẩn. Đến nay, mới có thôn Hoàng Lại xây được nhà văn hóa, kinh phí do nhân dân đóng góp và tỉnh, huyện hỗ trợ trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, Hoàng Lại vẫn chưa được công nhận danh hiệu do còn những vướng mắc trong quá trình xây dựng nhà văn hóa. Còn dân cư hai thôn Lương Lại, An Lại mỗi khi tổ chức các hoạt động tập thể lại phải nhờ hội trường xã. Năm nay, xã An Lương đang đặt mục tiêu xây dựng nhà văn hóa thôn Lương Lại. Sau rất nhiều khó khăn, thôn cũng đã quy hoạch được đất nhưng cũng chẳng biết đến bao giờ mới khởi công được do không có kinh phí. Riêng thôn An Lại đến nay vẫn chưa có đất và kinh phí để xây dựng nhà văn hóa. Hiện nay, để xây dựng một nhà văn hóa đạt chuẩn phải có 350-400 triệu đồng. Là một xã nghèo, nếu không có sự đóng góp của nhân dân và làm tốt công tác xã hội hóa thì không thể xây dựng được nhà văn hóa.



Mặc dù đã có đất nhưng thôn Lương Lại, xã An Lương (Thanh Hà) chưa biết bao giờ mới xây được nhà văn hóa


Chung khó khăn của An Lương là Kênh Giang, một xã nghèo của thị xã Chí Linh, chỉ có 2 thôn Nam Hải và Tân Lập, song việc xây dựng làng văn hóa ở đây khó như “lên trời”. Sau rất nhiều năm phấn đấu xây dựng làng văn hóa, kết quả ở đây vẫn là “con số không”. Ông Đào Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Kênh Giang cho biết: “Xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, làng văn hóa là mối trăn trở của xã nhiều năm nay. Xã cũng đặt mục tiêu cụ thể là thôn Nam Hải. Với các tiêu chí: gia đình văn hóa đạt trên 90%, đường giao thông, môi trường, tỷ lệ người sinh con thứ 3… đều đạt chuẩn, nhưng thôn không có kinh phí để xây dựng nhà văn hóa. Trước đây, xã đã một lần vận động nhân dân trong thôn góp tiền để xây nhà văn hóa nhưng do không đủ nên lại dùng vào việc khác”.

Xã Thanh Hải được huyện Thanh Hà chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn I. Xã có 3 thôn, trong đó thôn Tiền Vĩ từng đạt danh hiệu làng văn hóa. Nhưng sau 3 vụ án mạng, Tiền Vĩ đã bị thu hồi danh hiệu. Ông Hoàng Minh Đối, cán bộ văn hóa xã Thanh Hải cho biết: "Theo tiêu chí, xã nông thôn mới phải có từ 70% số làng đạt danh hiệu văn hóa. Với Thanh Hải, để đạt tiêu chí này thì từ nay đến 2015, cả 3 làng đều phải đạt danh hiệu văn hóa. Điều này rất khó bởi đến nay việc xây dựng làng văn hóa ở cả 3 thôn đều gặp những khó khăn riêng. Thôn Thừa Liệt nổi cộm tình trạng trộm cắp vặt, cờ bạc, thanh thiếu niên hay đánh nhau, môi trường ô nhiễm do chăn nuôi. Với trên 1,2 vạn dân, lại có 3 chi bộ, khiến việc xây dựng làng văn hóa ở thôn An Liệt gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, cả 3 thôn đều gia tăng tình trạng sinh con thứ 3. Năm 2012, thôn An Liệt có tới gần chục trường hợp sinh con thứ 3. Từ đầu năm đến nay, thôn Thừa Liệt cũng có tới 2 ca sinh con thứ 3, còn Tiền Vĩ có tới 5 ca.

Toàn tỉnh hiện còn 11 xã "trắng" làng văn hóa. Trong đó nhiều nhất là Thanh Hà có 3 xã; các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, mỗi nơi 2 xã, thị trấn; thị xã Chí Linh và các huyện Bình Giang, Kim Thành, Cẩm Giàng mỗi nơi 1 xã, thị trấn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng xã "trắng" làng văn hóa là thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất xây dựng nhà văn hóa. Bên cạnh đó là tình trạng sinh con thứ 3 đang phổ biến. Ngoài ra, thôn quá đông dân cũng là một trong những khó khăn khi xây dựng làng văn hóa. Việc xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sống cũng đang trở thành vấn đề ngày càng bức bối của các vùng nông thôn. Sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình, cộng đồng làm nảy sinh các vấn đề như tệ nạn xã hội, trộm cắp, đánh nhau, mất an ninh trật tự... Ông Phạm Tuấn Phong, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Phần lớn các yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng làng văn hóa đều phát sinh từ phía gia đình. Bởi vậy, để chấm dứt tình trạng xã "trắng" làng văn hóa, trước hết phải nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, lấy gia đình văn hóa làm nòng cốt. Khi yếu tố gia đình được nâng cao thì các vấn đề nổi cộm: sinh con thứ 3, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, mất an ninh trật tự... sẽ được giải quyết”. Cũng theo ông Phong, Ban chỉ đạo "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cấp huyện cần bám sát, đưa ra những cách làm cụ thể với từng xã, từng địa phương. Cần đẩy mạnh các phong trào nhánh của phong trào như: gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, làng, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự… Nhà văn hóa là tiêu chí cứng để công nhận danh hiệu làng văn hóa. Bởi vậy, ngoài tích cực huy động nguồn lực trong dân, nguồn xã hội hóa, trên cũng cần có sự hỗ trợ thỏa đáng đối với việc xây dựng, mua sắm trang thiết bị vật chất. Các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là cấp xã cần chủ động vào cuộc tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn của địa phương, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp... Đặc biệt, để xóa xã "trắng" làng văn hóa, việc công nhận danh hiệu phải coi trọng chất lượng ngay từ khâu xét duyệt, tránh hình thức.

Có thể nói để xóa xã "trắng" làng văn hóa không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt trong cách làm của mỗi địa phương mà còn phải có sự tìm tòi cách tháo gỡ của các cấp, các ngành, để giúp mỗi người dân ý thức mình chính là chủ thể trong việc xây dựng và hưởng thụ các giá trị văn hoá do chính mình tạo dựng nên.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều nơi “trắng” làng văn hóa