Chỉ trong một thời gian ngắn, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Bệnh nhân Hoàng Mạnh Quang với vết rắn lục đuôi đỏ cắn trên tay trái |
Ngày 30-11, bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong vòng hai tháng qua, khoa Cấp cứu hồi sức đã tiếp nhận 16 ca bệnh nhân bị rắn cắn. Trong đó, tháng 10 tiếp nhận 6 ca, tháng 11 đã tiếp nhận 10 ca và có 9 ca do rắn lục đuôi đỏ cắn.
Theo ghi nhận của khoa, các ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn đều thuộc địa bàn thị xã Hương Thủy. “Do nhiều trường hợp bệnh nhân được ghi nhận xuất phát từ một địa bàn nên khoa Cấp cứu hồi sức đang tập hợp để báo cáo cho Ban giám đốc bệnh viện và Sở Y tế Thừa Thiên-Huế, để có biện pháp khuyến cáo người dân về phòng bệnh cho cộng đồng”, bác sĩ Bùi Mạnh Hùng cho biết.
Theo bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, tất cả các bệnh nhân nhờ đến bệnh viện kịp thời nên hầu hết đều được điều trị thành công, không có trường hợp nào biến chứng nặng phải tử vong.
Hiện tại, vẫn còn 2 bệnh nhân điều trị là anh Hoàng Mạnh Quang (30 tuổi, sĩ quan của một đơn vị quân đội đóng tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) và Võ Văn Đằng (40 tuổi, cũng trú tại phường Phú Bài) đều bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong ngày 27-11.
|
Xua đuổi rắn lục đuôi đỏ bằng cách rắc lưu huỳnh Theo thạc sĩ Đỗ Quang Huy, Trưởng bộ môn Quản lý động vật hoang dã, Đại học Lâm nghiệp, để phòng trừ rắn lục đuôi đỏ, người dân nên phát quang các bụi cây sát lối đi, gần khu vực nhà hoặc trồng cây xả quanh nhà cũng có tác dụng kiềm chế loài rắn lục đuôi đỏ. Thạc sĩ Đỗ Quang Huy cho biết, qua nghiên cứu và thử nghiệm, rắn lục đuôi đỏ đặc biệt sợ mùi lưu huỳnh. Ở những vùng thường xuyên có người bị rắn tấn công, người dân nên lấy lưu huỳnh nghiền nhỏ thành bột sau đó rắc xung quanh vào nơi nghi vấn có rắn lục đuôi đỏ sinh sống trú ngụ. “Mùi lưu huỳnh sẽ có tác dụng xua đuổi rắn đi rất xa”, thạc sĩ Huy nói. Giải thích về hiện tượng nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công nhiều đột biến trong năm nay, thạc sĩ Huy cho rằng, có nguyên nhân do số lượng cá thể rắn đang tăng lên nhiều hơn. Điều này có phần ảnh hưởng của biến đổi khí khậu. Trong vài năm gần đây, nhiệt độ trung bình mỗi năm điều nhích lên từ 0,5 - 1 độ C. Thời thiết nóng ẩm kéo dài là môi trường tự nhiên lý tưởng cho rắn lục đuôi đỏ gia tăng sinh sản. Trong khi đó, số lượng cá thể loài thiên địch đặc biệt thích ăn rắn lục đuôi đỏ như cầy (còn gọi là con lỏn chanh), chim bìm bịp, cầy móc chua, chim ưng… lại giảm đi rất nhiều do bị con người săn bắt. |
Theo Thanh niên